(KTSG Online) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) đã báo cáo với Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ về những khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư PPP. Trong đó, khó khăn hàng đầu là chưa có cách tính giá cho cả dòng đời dự án đối tác công- tư (PPP), như nhiều dự án cao tốc Bắc-Nam đã và đang chuẩn bị vận hành thời gian tới.
Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, Luật PPP và Nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành luật mới được ban hành và có hiệu lực hơn 10 tháng. Trong thời gian này, chỉ có 4 dự án PPP được phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định của luật và một số dự án đang trong quá trình lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
Hiện có những vấn đề lớn dẫn đến phải sửa một số luật và nghị quyết của Quốc hội để có thể đưa ra những quyết định phù hợp với các dự án PPP. Theo đó, đầu tiên phải sửa Luật Giá để có phương pháp xác định giá cho cả vòng đời dự án PPP.
Cụ thể, theo khoản 1 điều 20 Luật Giá, việc định giá phải đảm bảo nguyên tắc: “Phù hợp với chủ trương, chính sách phát triển kinh tế-xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ (5-10 năm)”. Còn theo điều 65 Luật PPP thì phương án giá, khung giá sản phẩm, dịch vụ công theo thời hạn hợp đồng dự án PPP phải xác định cụ thể mức giá khởi điểm và mức giá cho từng thời kỳ (được xác định tại thời điểm lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi).
Như vậy, Luật Giá chưa có hướng dẫn về cách thức xác định giá cho cả vòng đời dự án PPP. Bộ KH-ĐT kiến nghị sửa đổi Luật Giá theo hướng bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý, có lợi nhuận phản ánh mặt bằng giá thị trường, đồng thời phù hợp với chủ trương, chính sách phát triển kinh tế-xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ.
Với những dự án cần gấp rút thu phí trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông đã và đang đi vào hoạt động, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã kiến nghị Chính phủ có hướng dẫn thu phí, Bộ KH-ĐT đề nghị các bộ chuyên ngành căn cứ vào thẩm quyền trình Chính phủ ban hành phương pháp định giá hàng hóa, dịch vụ trong phạm vi quản lý, báo cáo Chính phủ để tháo gỡ vướng mắc.
Vướng mắc thứ hai là thực tế một số dự án giao thông thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương không được đầu tư, trong khi các địa phương sẵn sàng sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện dự án nhưng lai vướng quy định tại khoản 9, điều 9 Luật Ngân sách. Cụ thể điều này quy định không được dùng ngân sách của cấp này để chi cho nhiệm vụ của cấp khác và không được dùng ngân sách của địa phương để chi cho nhiệm vụ của địa phương khác.
Song trên thực tế, có nhiều dự án, công trình có tính chất liên vùng. Để đảm bảo thống nhất và thực hiện đầu tư các dự án liên vùng có hiệu quả, cần phải sửa Luật Ngân sách theo hướng cho phép sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư, thực hiện bảo trì công trình kết cấu hạ tầng do trung ương quản lý.
Ngoài ra, Bộ KH-ĐT yêu cầu thực hiện tính và thu tiền thuê đất, sử dụng đất với các dự án hạ tầng PPP vì hiện nay chưa thực hiện việc này, trong khi dự án có thu phí. Việc thu tiền thuê đất sẽ ảnh hưởng đến tổng mức đầu tư cho dự án.