(KTSG Online) - Báo cáo nhanh của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) sáng ngày 22-2 cho biết, lực lượng này đã phạt tiền hàng chục cửa hàng xăng dầu "găm hàng" và kiến nghị rút giấy phép không ít cửa hàng.
Cụ thể từ ngày 28-1 đến ngày 21-2-2022, lực lượng QLTT đã tiến hành gần 16.000 lượt kiểm tra, giám sát đối với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn cả nước.
Theo cơ quan này, qua công tác kiểm tra, giám sát cho thấy các cửa hàng bán lẻ xăng dầu đóng cửa, tạm ngưng hoạt động trên cả nước nhưng chủ yếu tại khu vực miền Nam. Các tỉnh miền Bắc và miền Trung việc cung ứng, kinh doanh xăng dầu diễn ra bình thường, ít xảy ra việc đóng cửa, tạm ngưng kinh doanh.
Báo cáo cho hay, trên địa bàn các tỉnh miền Nam hiện có 6.534 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, trong đó hiện có 29 cửa hàng ngưng hoạt động do hết xăng, 215 cửa hàng ngưng hoạt động với nhiều nguyên nhân khác nhau.
TPHCM có 548 cửa hàng, qua kiểm tra, giám sát cho thấy có 5 cửa hàng bán lẻ xăng dầu đang tạm ngưng hoạt động, 22 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thiếu xăng RON95 để bán.
Với địa bàn Hà Nội, có ba cửa hàng đang ngừng bán hàng với các lý do khác nhau, như giải quyết tranh chấp dân sự, không có đủ giấy chứng nhận điều kiện bán lẻ xăng dầu, không có xăng dầu, xin ngừng bán hàng do nhiều nhân viên mắc Covid-19.
Tại Hà Tĩnh, kiểm tra cửa hàng xăng dầu Sơn Trà phát hiện nơi này không ghi tên thương nhân phân phối trên biển hiệu, và ngừng bán hàng khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước chấp thuận, nên xử phạt 30 triệu đồng.
Cửa hàng xăng dầu Sơn Lĩnh được phát hiện có hành vi ngừng bán hàng khi chưa được chấp thuận, nên cơ quan chức năng xử phạt 15 triệu đồng, đồng thời kiến nghị địa phương rút giấy phép kinh doanh.
Tại Hậu Giang, hai cửa hàng đóng cửa đã bị xử phạt, kiến nghị rút giấy phép. Tại Quảng Bình, đơn vị phát hiện một cửa hàng xăng dầu có hành vi vi phạm ngừng bán hàng khi không thông báo cho cơ quan chức năng, bị xử phạt 15 triệu đồng.
Tại Thái Nguyên, cơ quan chức năng đã xử phạt 10 triệu đồng đối với chi nhánh tại Thái Nguyên của Công ty cổ phần H2T Thăng Long về hành vi tương tự.
Tại Vĩnh Long, cơ quan chức năng xử phạt một cửa hàng hết xăng mà không thông báo. Tại Sóc Trăng, đã xử phạt và tước giấy phép kinh doanh một cửa hàng vi phạm về kinh doanh xăng dầu.
Tại Sóc Trăng, lực lượng QLTT đã tiến hành xử phạt và tước giấp phép kinh doanh một cửa hàng vi phạm về kinh doanh xăng dầu.
Theo Tổng cục Quản lý thị trường, nguyên nhân chủ yếu của việc đóng cửa, tạm ngưng kinh doanh bao gồm không có đủ nguồn cung xăng dầu từ các thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối nên nhiều cửa hàng không còn xăng dầu để bán; nhu cầu hàng hóa tại nhiều nơi trong cùng một địa điểm nên hệ thống xe chuyên chở không kịp phục vụ.
Mặt khác, nhiều cửa hàng tiến hành sửa chữa hoặc giải thể không kinh doanh có thông báo với cơ quan quản lý nhà nước; không có đủ nhân lực để kinh doanh tại các cửa hàng; chủ cửa hàng, nhân viên bán hàng nhiễm bệnh Covid-19; tạm ngưng hoạt động để sửa chữa, sang nhượng cửa hàng; tạm ngưng hoạt động do thiếu vốn, không đủ vốn để đặt hàng, nhập hàng.
Hiện nay, ngoài các đoàn kiểm tra của Quản lý thị trường, Bộ Công Thương cũng đã lập các đoàn thanh tra các doanh nghiệp đầu mối.
Nội dung thanh tra bao gồm việc mua, bán, xuất nhập khẩu xăng dầu; tuân thủ nhập theo hạn ngạch tối thiểu được Bộ Công Thương phân bổ hàng năm...
Ngoài ra, đoàn thanh tra cũng sẽ kiểm tra việc tuân thủ quy định về cấp giấy phép kinh doanh xăng dầu; sở hữu, đồng sở hữu hệ thống hạ tầng kinh doanh xăng dầu (kho, bể chứa, tàu vận chuyển...); hệ thống phân phối (tổng đại lý, đại lý, cửa hàng bán lẻ trực thuộc) và quy định về dự trữ lưu thông.