Chủ Nhật, 25/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Đầu tư vào công nghệ nông nghiệp bình lặng nhưng không tẻ nhạt

Hồ Nguyên Thảo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Trong một thập niên qua, khi nhắc đến các công ty khởi nghiệp (startup), mọi ánh nhìn đều hướng về các hãng gọi xe công nghệ, thương mại điện tử và công nghệ tài chính. Nay sân chơi này đã có thêm gương mặt mới chuyên về lĩnh vực nông nghiệp.

Hồi tháng 1-2022, sàn thương mại điện tử nông sản Foodmap đã được các quỹ đầu tư rót thêm gần 3 triệu đô la. Dù nhỏ so với quy mô gọi vốn của các startup gọi xe công nghệ hay ví điện tử, nhưng lại là một tín hiệu lạc quan.

Thương vụ của Foodmap diễn ra đúng thời điểm tắc biên ở phía Bắc, khiến thanh long và nông sản phải bán tháo và đổ bỏ. Liệu các startup công nghệ nông nghiệp có thể giúp giải quyết các vấn nạn của nền nông nghiệp Việt Nam như làm ăn nhỏ lẻ, chất lượng trồi sụt và không chủ động được đầu ra xuất khẩu?

Phun thuốc trừ sâu bằng máy bay không người lái tại Long An. Ảnh: N.K

Các thách thức của nền nông nghiệp hiện tại

Tốc độ vũ bão của quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa nhanh cùng với lực lượng lao động đang lão hóa, nguồn tài nguyên đất, nước và nhân lực cho nông nghiệp ngày càng khan hiếm.

Tình trạng này khiến cho đất cho canh tác khó mở rộng, hiệu quả nguồn nhân lực hạn chế, kéo theo là năng suất thua kém các nước AEAN. Hạn hán và xâm nhập mặn ở vùng đồng bằng sông Cửu Long giờ đây đang đe dọa an toàn lương thực và tương lai phát triển của cả đất nước.

Sử dụng bừa bãi thuốc trừ sâu, các loại thuốc kháng sinh và hormone tăng trưởng trong các loại thịt và thủy sản đã ảnh hưởng đến chất lượng và an toàn của nông sản Việt Nam. Và đây cũng là tiếng xấu khó gột rửa trên thương trường quốc tế. Lượng thuốc sâu trên các cánh đồng đã tăng từ 10.000 tấn lên 100.000 tấn trong giai đoạn 1990-2015, tức nhảy vọt 10 lần. Rất ít trang trại áp dụng các tiêu chuẩn Global GAP hoặc VietGAP.

“Tình trạng này đã hạn chế độ tiếp cận thị trường và giảm tính cạnh tranh của nông sản xuất khẩu. Một điều rõ ràng rằng Trung Quốc đang siết chặt nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam bởi các lo ngại về chất lượng và khả năng truy xuất xứ của nông sản Việt Nam”, báo cáo của Asialink Business và Beanstalk nhấn mạnh.

Việt Nam hiện có 12 khu vực được quy hoạch để phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang trong quá trình soạn nghị định hỗ trợ vốn và lãi suất cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và vùng hẻo lánh. Các công ty thực hiện chuyển giao công nghệ cao, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực và phát triển thị trường sẽ được ngân sách nhà nước cấp nhiều nhất là 1,5 tỉ đồng mỗi lãnh vực. Mỗi dự án đầu tư chăn nuôi như trâu, bò, heo, cừu cũng có thể được cấp 10 tỉ đồng.

Nền nông nghiệp Việt Nam vẫn mang tính nhỏ lẻ với 70% số trang trại có diện tích dưới 2 héc ta. Việt Nam có những cánh đồng nhỏ nhất trên thế giới với diện tích trung bình chỉ 0,4 héc ta. Để so sánh, quy mô trung bình của một trang trại ở Úc trong năm 2015 là 4.331 héc ta. Gần 10 triệu nông hộ nhỏ lẻ đối diện với nhiều thách thức về thiết bị.

“Khó tiếp cận vốn, thị trường và thông tin về phương thức và công nghệ canh tác cũng khiến sản lượng và tiềm năng thu nhập của nông hộ nhỏ Việt Nam suy giảm đáng kể”, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu tại diễn đàn Mekong Connect 2020 tại Cao Lãnh khi ông còn là lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp.

Đầu tư thượng nguồn, giải các bài toán khó

Có một tia sáng ấm áp cho ngành nông nghiệp Việt Nam khi giới đầu tư đang chuyển hướng sang mảng công nghệ nông nghiệp ở Việt Nam và Đông Nam Á. Có lẽ một phần là vì sự đứt gãy chuỗi cung ứng lương thực trong hai năm qua.

Năm 2019, có 99 thương vụ đã “châm thêm” 581 triệu đô la cho các startup công nghệ nông nghiệp ở Đông Nam Á. Phần lớn các khoản đầu tư là ở khu vực hạ nguồn vốn gần hơn với người tiêu dùng, chẳng hạn như công nghệ bán lẻ và nhà hàng chiếm 37% tổng đầu tư, cung cấp dịch vụ nhà hàng và suất ăn trực tuyến 20% và tạp hóa điện tử 12%.

Tại Việt Nam, các khoản đầu tư vào các startup này trong năm 2019 đạt 39 triệu đô la, xếp hàng thứ tư sau Singapore, Indonesia và Malaysia. Thương vụ lớn nhất trong năm 2019 và từ trước đến nay là khoản đầu tư 34,5 triệu đô la vào sàn giao dịch trực tuyến Telio.vn kết nối các tiệm tạp hóa, dịch vụ với nhà bán sỉ, chẳng hạn như giữa nhà hàng với các nơi cung ứng rau quả, nguyên vật liệu…

Báo cáo của chương trình đổi mới sáng tạo Asialink Business và Beanstalk của Chính phủ Úc đã chỉ ra rằng, ngay từ đầu các quỹ mạo hiểm đã chọn đầu tư vào thượng nguồn, tức đầu vào của ngành nông nghiệp. Đây là sự khác biệt khá rõ giữa Việt Nam với các nước trong khu vực có sự chú trọng đầu ra nhiều hơn.

Ba lĩnh vực thượng nguồn được chọn nhiều nhất là quản lý trang trại, thiết bị cảm ứng và Internet vạn vật (IoT). Tuy nhiên, trong năm 2019 đầu tư vào ba mảng trên chỉ chiếm 7% tổng vốn đầu tư. “Điều này cũng có nghĩa rằng cơ hội đầu tư thượng nguồn vẫn còn mênh mông, đặc biệt là trong bối cảnh nông thôn Việt Nam đang đẩy mạnh xây dựng hạ tầng công nghệ số”, báo cáo của Asialink và Beanstalk viết.

Từ Foodmap và Telio, có thể kể thêm các startup khá kín tiếng nhưng đang trong giai đoạn khai thác thương mại hoặc có triển vọng tốt. Chẳng hạn, startup MimosaTEK thiết kế hệ thống tưới tiêu và bón phân trên IoT. Hay như nền tảng thông tin nuôi trồng thủy hải sản Tép Bạc với giải pháp IOT để tăng hiệu quả hoạt động, kiểm soát chất lượng nước và truy vết tại các công ty thủy hải sản. Hoặc trang trại CricketOne nuôi dế để sử dụng làm nguyên liệu chế biến thực phẩm và mỹ phẩm cho các thị trường khó tính Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Nhật Bản.

Có thể kể thêm AgUnity thành lập năm 2016 với mục tiêu cung cấp tài chính cho các cộng đồng nông thôn và vùng xa. AgUnity cũng xây dựng ứng dụng trên công nghệ blockchain giúp nông dân ghi nhận và lưu trữ dữ liệu đồng áng và đưa nông sản ra thị trường. Lâu đời hơn thì có Orlar cửa nữ tiến sĩ ngưới Úc Lyndal Hugo vào Việt Nam năm 2014 với mô hình trang trại thẳng đứng trồng rau sạch.

Những người trong ngành hy vọng một khi các startup công nghệ nông nghiệp “xông” trận thì sẽ sớm có những lời giải cụ thể cho các thách thức của nền nông nghiệp cao trong nước. Điều đáng ghi nhận là hầu hết các startup kể trên đều đặt văn phòng hay cơ sở sản xuất tại TPHCM. Điều này chứng tỏ sức mạnh về công nghệ và nhân lực hàng đầu của thành phố.

Thế khó của nông nghiệp công nghệ cao

Các khái niệm “cánh đồng lớn”, “cánh đồng không dấu chân người” hay các bộ cảm biến, ứng dụng, trí tuệ nhân tạo (AI), IoT, drone phun thuốc trừ sâu… không còn quá xa lạ ở các trang trại hay xưởng chế biến của các tên tuổi lớn trong ngành nông nghiệp như Lộc Trời, Trung An, Rynan Technologies, Vinamit, Vĩnh Hoàn…

Mô hình nuôi tôm “ba tầng” của Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch HĐQT của Rynan Technologies, rất độc đáo. Tầng đáy là ao đắp nổi nuôi tôm, tầng mái là các tấm quang năng có thể tạo ra điện để bán, tầng giữa là sản phẩm mới – các suất ăn được chế biến từ ao tôm và nguyên liệu trong vườn. Nhà khoa học ở tuổi 70 còn chế tạo máy bán suất ăn công nghiệp rất tiện lợi cho các doanh nghiệp chưa tổ chức được nhà ăn cho công nhân hay khu văn phòng thương mại. “Bữa ăn trong tương lai của người Việt rồi sẽ khác, tiện lợi cho nhịp sống đô thị”, ông nói.

Foodmap hiện phát triển với tốc độ 20% mỗi tháng – một con số quá ấn tượng. Tuy nhiên, nếu lạc quan vào lúc này về “thời đã đến của startup công nghệ nông nghiệp sau đại dịch” thì vẫn còn quá xa. Đầu tư vào nông nghiệp nói chung của các quỹ chỉ chiếm 10% – theo ông Nguyễn Việt Đức, CEO Innovation Capital Management. Ông cũng nói rằng nhiều dự án khởi nghiệp nông nghiệp của giới trẻ vẫn theo phong trào hay thói quen, chứ chưa theo nhu cầu thị trường. Các công nghệ AI, IoT chưa phổ biến.

Khởi nghiệp nông nghiệp là quá trình dài hơi, đắt tiền nhất và phức tạp nhất. Nhưng một khi đã quyết tâm đi đường dài thì ngay cả doanh nghiệp cỡ trung cũng gặp khó. Đó là quỹ đất để phát triển các trang trại có quy mô tương đối.

Một doanh nghiệp trồng chuối đã rao kiếm đối tác có các khu đất diện tích trên 10 héc ta trong suốt mấy tháng qua. Nhưng các phản hồi nhận được rất ít bởi tìm được khu đất canh tác nông nghiệp “coi được” trong cơn sốt phân lô bán nền hiện nay là điều không tưởng.

Như vậy, sân chơi chẳng lẽ lại dành cho các ông lớn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới