(KTSG) - Một báo cáo do Google, Temasek và Bain công bố hồi tháng 11-2021 dự báo nền kinh tế số của khu vực Đông Nam Á sẽ vượt 1.000 tỉ đô la Mỹ vào năm 2030 và Việt Nam sẽ đứng thứ hai trong khu vực, chỉ sau Indonesia. Việt Nam được dự báo sẽ đạt 220 tỉ đô la tổng giá trị hàng hóa giao dịch trên không gian số.
Bên cạnh sự nổi lên của nền kinh tế số đó, một nền kinh tế truyền thống cũng đang dần được số hóa. Tác động của dịch Covid-19 thúc đẩy nhanh nhiều hoạt động số hóa (digitization), rồi cao hơn là chuyển đổi số (digital transformation).
Việt Nam đang ở giai đoạn đẩy nhanh số hóa nhiều dữ liệu trong nền kinh tế. Sau đó mới tới một tiến trình chuyển đổi số thật sự - đưa các công nghệ số vào để cải thiện quy trình kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp và trải nghiệm khách hàng. Tiến trình thích ứng và chuyển đổi này tạo ra một cơ hội lớn trong rất nhiều ngành nghề.
Hội thảo trực tuyến “Paths to Digital Careers” do dự án Digiforce tổ chức ngày 20-2-2021 thu hút hơn 3.000 người đăng ký và hơn 1.400 người tham dự trực tuyến cho thấy sức hút về cơ hội nghề nghiệp mới trong không gian số này. Tại hội thảo, các diễn giả đã trao đổi những khía cạnh khác nhau về cơ hội nghề nghiệp và kỹ năng cần thiết cho những nghề nghiệp mới như marketing số (digital marketing), phân tích dữ liệu (data analytics), tài chính công nghệ (FinTech), giáo dục công nghệ (edtech).
Từ nghề làm việc với dữ liệu để hiểu nhu cầu con người...
Sự phát triển của số hóa dữ liệu và chuyển đổi số tất yếu tạo ra nhiều việc làm cho những người có thể làm việc với dữ liệu, dùng dữ liệu để đưa ra các phân tích kinh doanh (business analytics) nhằm cải thiện hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Từ những dữ liệu số hóa về hóa đơn mua hàng của khách hàng, người phân tích dữ liệu có thể đưa ra những đánh giá, dự đoán, hiểu biết sâu sắc về những hàng hóa có thể sẽ bán chạy, và những hàng nào có thể ít bán chạy ở siêu thị, hay đợt khuyến mãi tiếp theo nên nhắm vào đâu.
Trên thế giới số thì đào tạo nhân lực cũng có thể tận dụng những lợi ích mà chính thế giới đó mang lại.
Điều này cũng có thể được ứng dụng cho các trường đại học trong tuyển sinh, xây dựng chương trình học, thiết kế các khóa học theo hướng cá nhân hóa, phù hợp với năng lực và sở thích của người học, đặc biệt là với những chương trình ngoại khóa.
Hoặc một ngân hàng hay công ty chứng khoán có thể biết được thói quen giao dịch, nguồn tiền, mức độ lời lỗ trong hoạt động đầu tư của một khách hàng mà đưa ra những đề xuất đầu tư hay sản phẩm phù hợp.
Về cơ bản, phân tích dữ liệu cho phép các công ty hiểu được nhu cầu của khách hàng có khi còn trước cả khách hàng nhận ra là mình có nhu cầu đó hoặc giúp khách hàng tiêu dùng và đầu tư thông minh hơn. Những loại data mới, độc, lạ lúc trước chưa có (như các dòng trạng thái, bình luận trên Facebook, Twitter, những gì bạn nói trên YouTube, các khuôn mặt nhiều biểu cảm của bạn trên các mạng xã hội) đang tạo ra một kho tàng dữ liệu có tần suất cao. Với khả năng xử lý dữ liệu, “đào bới, tra tấn” nó, dữ liệu có thể kể ra cho ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán những câu chuyện về bạn mà bạn còn chưa hiểu.
Với tiềm năng của công nghệ máy học nói riêng, trí tuệ nhân tạo nói chung, kết hợp với các robot, tiềm năng của phân tích dữ liệu và kết hợp nó với tự động hóa vô cùng lớn. Không chỉ đang được ứng dụng trong các lĩnh vực kế toán, kiểm toán, ngân hàng bán lẻ, mà nó còn thâm nhập vào cả khu vực ngân hàng đầu tư, nơi mà những mối quan hệ mềm, khó số hóa là tài sản vô hình quan trọng. Ví dụ như Citigroup đã ứng dụng phân tích dữ liệu lớn để nâng cao hiệu quả tiếp cận và tư vấn khách hàng trong cả một lĩnh vực được cho là “các con bot” không thể xâm nhập là tư vấn tài chính doanh nghiệp và “làm deal”.
Những cơ hội rộng lớn với dữ liệu lớn, mới, độc, lạ mở ra nhu cầu khổng lồ cho một bộ phận nhân lực trong nghề làm việc dữ liệu. Ở Anh và Mỹ, nhu cầu hiện tại của những vị trí này rất lớn và cứ có thể làm được là có việc, bằng cấp là chuyện phụ.
Chẳng hạn ở trường đại học của người viết, một sinh viên có kỹ năng thu thập và phân tích dữ liệu của khoa công nghệ làm thêm với vai trò trợ lý nghiên cứu cho 4-5 dự án nghiên cứu trong trường cùng một lúc là bình thường, và do đó có thu nhập tương đương thậm chí cao hơn các bạn mới tốt nghiệp ra làm việc cho ngân hàng toàn thời gian.
...Tới những nghề “mới mà cũ” ở các công ty FinTech và không gian số
Những cơ hội nghề nghiệp không chỉ giới hạn ở những người có kỹ năng làm việc với dữ liệu, mà còn mở ra với người có nhiều kỹ năng cũ nhưng chuyển đổi lên không gian số. Ví dụ, ở các công ty FinTech, vị trí đang “nóng” hàng đầu không phải là công nghệ hay dữ liệu mà là vị trí chuyên gia đảm bảo tuân thủ quy định (compliance).
Vì các công ty FinTech hoạt động trong những lĩnh vực nhạy cảm là thanh toán, quản lý tiền và cho vay (mà dẫn đầu hiện tại là mảng thanh toán) nên nhu cầu tuân thủ quy định chống rửa tiền, biết rõ khách hàng, và đảm bảo an toàn dữ liệu, bảo mật dữ liệu là yếu tố quan trọng hàng đầu.
Ngoài ra, các công ty FinTech, Insurtech, edtech cũng đang cần rất nhiều người làm marketing số, bán hàng, chăm sóc khách hàng vì nói chung công nghệ đem vào là để nâng cao trải nghiệm của người dùng dịch vụ, cho nên trọng tâm vẫn là chuyển những hiểu biết từ hành vi người dùng sang việc tiếp cận và giữ chân họ.
Với những vị trí này, tên gọi của vị trí có thể khác, nhưng bản chất công việc vẫn không khác lắm với mảng kinh doanh truyền thống. Có khác chăng là họ cần có kỹ năng làm việc trên không gian số, hiểu biết tương đối về công nghệ, lợi ích của ứng dụng để mà thực hiện công việc hiệu quả hơn.
Đào tạo nghề nghiệp số
Những trường hợp kể trên chỉ ra rằng dù là nghề làm việc với dữ liệu, hay là cầu nối giữa công nghệ với khách hàng trên thế giới số, vẫn cần có những kỹ năng mới và do đó phát sinh nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho các nghề nghiệp số.
Tuy nhiên, ở các kênh đào tạo truyền thống như đại học, thì quá trình đào tạo có thể kéo dài, và do đó có thể không đáp ứng kịp nhu cầu thị trường. Ở đây dẫn đến một cơ hội mới cho việc đào tạo lại nguồn nhân lực tận dụng chính các lợi thế mà thế giới số tạo ra, đó là các chương trình học trực tuyến.
Lấy ví dụ, các tổ chức đào tạo truyền thống như ACCA và ICAEW cũng nhận ra nhu cầu nghề nghiệp số trong lĩnh vực tài chính kế toán mà đưa ra các chứng chỉ, khóa học ngắn tương ứng, ví dụ nguồn học liệu “AI in Finance” của ICAEW hoặc các chứng chỉ phân tích dữ liệu và về chuyển đổi số.
Đây là một cơ hội cho những tổ chức đào tạo ứng dụng công nghệ, dùng sự linh hoạt của mình để đưa ra các chương trình đào tạo nhanh, ngắn hạn, học liền dùng liền để cung cấp nguồn nhân lực cho thị trường, đáp ứng phần nào nhu cầu “nóng”, trong lúc chờ đợi nguồn nhân lực đào tạo bài bản được cung ứng ra thị trường. Trên thế giới số thì đào tạo nhân lực cũng có thể tận dụng những lợi ích mà chính thế giới đó mang lại.
(*) Giảng viên Đại học Bristol, Anh
Kinh tế số sẽ dẫn đến dễ tiếp cận hàng hóa dịch vụ nhiều hơn, đặc biệt là giá cả hợp lý hơn, bởi nó cộng hưởng được sức mạnh từ trong nước và sức mạnh kinh tế toàn cầu. Vấn đề đặt ra là ta nên làm gì để bảo vệ nền kinh tế số trong nước trước nguy cơ sẽ bị thôn tính từ nước ngòai ? Câu chuyện phí dịch vụ SMS mới đây giữa ngân hàng và nhà mạng là một ví dụ hot. NH và nhà mạng của ta phải chủ động ngồi lại, kết nối thành một hệ sinh thái dịch vụ hoàn chỉnh để bảo vệ quyền lợi khách hàng, cũng chính là bảo vệ thị phần của chính mình, với tiện ích và phí dịch vụ cạnh tranh hợp lý nhất. Với 100 triệu dân, 70 triệu khách hàng SMS, chính là “mỏ vàng Thạch Sanh” lớn nhất cần gìn giữ, hơn là cứ lăn tăn vài trăm đồng tiền phí ? Bài học này cần phải nhân rộng ra nhiều hơn nữa.