(KTSG Online) – Một số đơn vị xuất khẩu nâng giá mua cá tra nguyên liệu để nông dân đẩy mạnh phát triển nuôi. Điều này có nguy cơ cung sẽ vượt cầu và dẫn đến tình trạng doanh nghiệp mua cá trả chậm với giá thấp.
Tại hội nghị triển khai kế hoạch phát triển ngành cá tra năm 2022 diễn ra vào hôm nay, 25-2, ở TP Cần Thơ, ông Trần Văn Hùng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hùng Cá - một đơn vị nuôi và xuất khẩu cá tra có tiếng ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - cảnh báo có hiện tượng một số doanh nghiệp thấy thiếu cá tra nguyên liệu nên đã nâng giá thu mua lên nhằm “kích thích” để người nông dân đẩy mạnh việc nuôi.
Một số đơn vị thông tin mua cá tra nguyên liệu với giá 30.000 đồng/kg nhưng ông nghi vấn thực tế không có mức giá đó. “30.000 đồng/kg là chỉ nghe nói, chứ thực tế mức giá ghi nhận chỉ 28.000 đồng/kg”, ông nói.
Ông Hùng cho rằng việc một số đơn vị nâng giá để người nuôi đẩy mạnh sản xuất nhằm mục đích hưởng lợi khi cung vượt cầu. “Khi người nông dân nuôi nhiều, dẫn đến cung vượt cầu khiến giá sụt giảm, doanh nghiệp sẽ hưởng lợi vì được mua trả chậm với giá thấp”, ông cảnh báo.
Bà Tô Tường Lan, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), kiến nghị các cơ quan liên quan cần định hướng cho người nuôi và doanh nghiệp cân đối được cung cầu, tránh tình trạng phát triển nóng như đã diễn ra vào thời điểm 2018 (năm đó sau khi giá cá tra nguyên liệu đạt mốc 30.000 đồng/kg, nông dân đã ồ ạt thả nuôi, dẫn đến cung vượt cầu - PV). “Tất nhiên, doanh nghiệp điều tiết được giá xuất khẩu và sản lượng, tuy nhiên, chúng ta nên có định hướng”, bà Lan nói. Theo bà, sản lượng cá tra nguyên liệu năm 2022 chỉ nên duy trì ở mức 1,6 triệu tấn.
Ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thuỷ sản thuộc Tổng cục Thủy sản, cũng cho rằng cần kiểm soát diện tích thả nuôi trước tình hình giá cá tra nguyên liệu tăng cao, tiềm ẩn rủi ro tăng trưởng nóng và bất ổn.
Tại hội nghị này, bà Lan cũng đưa ra dự báo xuất khẩu cá tra Việt Nam năm nay sẽ đạt mức tăng trưởng 20-25% so với kết quả của năm 2021 (năm 2021 đạt gần 1,62 tỉ đô la Mỹ - PV). Trong đó, thị trường Trung Quốc chiếm 31% trong tổng xuất khẩu toàn ngành; Mỹ chiếm 23%; CPTPP chiếm 13% và Liên minh châu Âu (EU) chiếm 6,6%.
Theo bà Lan, quí đầu năm 2022, dự báo giá xuất khẩu cá tra sẽ tăng 5% do chi phí nuôi, vận chuyển chưa có giải pháp khắc phục được những khó khăn (thiếu container, cước vận chuyển tăng - PV). Trong đó, giá xuất khẩu đối với thị trường Mỹ đạt mức 3,95 đô la Mỹ/kg. “Còn Trung Quốc cũng đang có giá tăng rất cao, nhưng rất khó tăng thêm do hợp đồng đã được ký trước đó”, bà Lan cho biết.