Thứ sáu, 3/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Du lịch tri thức bản địa – những hành trình đáng nhớ

Đỗ Quang Tuấn Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Biện pháp tốt nhất để phát triển ngành du lịch nằm ở các cá nhân độc đáo với khả năng tạo ra những hành trình đáng nhớ để phục vụ nhu cầu trải nghiệm của khách hàng.

Việt Nam có 54 dân tộc với hơn 100 ngành, nhóm. Đó chính là vốn quý để tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, đặc thù như tour tri thức bản địa.

Đi tìm giá trị đặc thù

Tôi theo bà Lường Thị Sứn, người Thái trắng ở bản Lướt, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La lên lán chơi. Dạo khắp nơi tôi cứ ngửi thấy một mùi thơm nồng nhưng rất quyến luyến, y như mỗi lần ngửi thấy mùi sầu riêng. Đem thắc mắc hỏi bà, bà cười hiền chỉ cho tôi cái hàng rào quanh lán mọc ken dày một thứ cây bụi màu xanh, thân cành chi chít gai nhọn li ti, lá nhỏ hơn lá phượng. Bà bảo: “Cây này người Thái gọi là phắc nàm: phắc là rau, nàm là gai, gọi thế vì cây rau này có gai. Nhưng vì nó có mùi thối nên người Thái cũng hay gọi là phắc nàm mìn (mìn: thối): rau gai thối”. Tên sao vật vậy, cây rau này có mùi đặc trưng, đứng cách xa vài mét đã ngửi thấy.

Bà Sứn khéo léo chọn hái những ngọn rau non. Bòn quanh hàng rào đến mười lăm phút mới được một bó. Trên đường từ lán về, tôi cứ thích thú đi theo để hít hà mùi thơm đặc trưng của bó rau tỏa ra từ cái gùi đeo sau lưng bà. Lại nhớ thời trẻ con chúng tôi hay nhổ cỏ mật phơi khô để trong ngăn kéo bàn học, trong cặp xách. Lại nhớ chuyện những cô gái giấu một chùm hoa bưởi trong chiếc khăn tay, giắt mấy bông hoa ngọc lan, hoa hoàng lan vào búi tóc…

“Sự xa xỉ kiểu mới không phải là mua một chiếc túi hàng hiệu mà là bơi lội cùng cá heo, đi bộ đường dài trên núi, khám phá những vùng đất xa xôi, và sau đó chia sẻ những hình ảnh trên điện thoại của bạn”.

 

Shaun Rein, nhà sáng lập China MarketResearch Group

Về đến ngôi nhà sàn bên suối Chiến, bà Sứn bỏ mớ rau ra mẹt, tỉ mẩn ngồi nhặt bỏ cuống, rửa sạch rồi phần đem xào với măng vầu tươi, phần đem xào với trứng gà, phần để ăn ghém với cá nướng. Ngồi bên suối chảy rì rào, giữa lồng lộng mây trời vấn vít những đỉnh núi cao vút thưởng thức bữa ăn đậm chất Thái, ngon, lành, độc đáo khiến tôi lâng lâng vui sướng khi lại có thêm một kỷ niệm đẹp trong hành trình đi tìm ẩm thực bản địa.

Ông Lường Văn Lả, chồng bà Sứn, cho biết: Ngoài làm thức ăn ngon, rau thối còn là một vị thuốc tốt dùng chữa bệnh nhức mỏi xương khớp, tiêu hóa, đường ruột, dạ dày, gan, thận...

Du khách thích thú khi được tự tay trải nghiệm công việc thu hoạch giống cải củ rất to và rất ngon của người Nùng An ở bản Pác Rằng, xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Đỗ Quang Tuấn Hoàng

Rau gai thối tên khoa học là Acacia pennata (L.) Willd., thuộc họ đậu. Tại Việt Nam cây này mọc hoang trong rừng ở vùng Tây Bắc như Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Tuyên Quang, Hòa Bình… rồi được người dân lấy trồng làm hàng rào ở nương, lán, vườn. Chặt một đoạn cành rau thối cắm xuống đất là lên cây xanh um. Dễ trồng, hái được quanh năm nhưng vào tháng 3 đến tháng 6 là thời điểm rau thối ngon nhất, cho nhiều lá non nhất. Người Thái, người Dao, người Khơ Mú, người La Ha... hái ngọn non, lá non của cây rau gai thối chế biến các món ăn độc đáo như như nộm hoa ban, xào, trụng sơ ăn với cá nướng, nấu canh với cá suối...

Chỉ từ một cọng rau rừng mà chứa đựng biết bao điều thú vị về văn hóa bản địa. Chính vì thế, không chỉ tôi mà nhóm du khách đi cùng đều rất thích thú. Có được điều ấy là nhờ một loại hình du lịch chuyên sâu, đi vào thị trường ngách.

Bà Nguyễn Thị Kiều Trang, người phụ trách mảng tour tri thức bản địa của Công ty cổ phần Gori Việt Nam, nhớ lại: “Dịp Tết năm 2016, chúng tôi dẫn một nhóm khách người Nhật Bản và Hàn Quốc đi khám phá cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.

Trong một buổi ăn tối ở nhà cổ Chúng Pủa của người Mông trắng ở xóm Chúng Pả A, thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, họ tâm sự rằng sang Việt Nam có mấy ngày mà họ được ăn, ở, trò chuyện và làm việc với người của bốn dân tộc là Tày, Lô Lô, Giáy và Hmông.

Đó là điều họ rất ấn tượng. Ngay lúc ấy, tôi nhận ra thêm một lợi thế cạnh tranh của du lịch Việt Nam chính là sự đa dạng tộc người với điều kiện sống đặc thù, tín ngưỡng, tôn giáo, văn hóa khác biệt… nảy sinh những tri thức bản địa độc đáo. Thế là chúng tôi mở tour tri thức bản địa”. Từ tháng 1-2016, tour tri thức bản địa chính thức đi vào hoạt động, kế thừa từ loại hình tour homestay được công ty tổ chức từ năm 2000 đến nay.

Tổ nghề du lịch cộng đồng ở Việt Nam

Trò chuyện với những người làm du lịch cộng đồng ở Việt Nam, chắc chắn ai cũng kể đã từng đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở bản Lác, xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Cũng đúng thôi, bởi đây là cái nôi của nghề làm du lịch cộng đồng ở Việt Nam mà tổ nghề là ông Hà Công Nhấm (1926-2013).

Thân thiết với gia đình ông từ hơn 20 năm nay nên tôi được ông chia sẻ nhiều chuyện lúc sinh thời…

“Năm 1963, tôi làm Phó chủ nhiệm Hợp tác xã Nông lâm nghiệp và dịch vụ xóm Lác kiêm ủy viên UBND xã Chiềng Châu. Ngày ấy, huyện thường chọn xã này làm điểm tập huấn chăn nuôi, sản xuất theo phương pháp mới, học tập bài trừ mê tín dị đoan, ông chủ nhiệm hợp tác xã không biết chữ nên cán bộ huyện về bản tổ chức họp hành đều chọn nhà tôi”, ông Nhấm đã kể.

Bà Hà Thị Yêng, vợ ông, tuy không biết chữ nhưng đúng là người phụ nữ Thái thùy mị, nết na, không chỉ niềm nở, ân cần với mọi người mà còn nấu ăn rất ngon nên khách khứa đến ở chật nhà cả chục ngày mà không ai phàn nàn một tiếng. Dần dà, nhà ông Nhấm trở thành địa chỉ thân thuộc của các cán bộ từ huyện, tỉnh đến trung ương mỗi khi về Mai Châu công tác. Rồi khi có khách quốc tế về làm việc với tỉnh, với huyện, người ta cũng cứ quen nếp dẫn tới nhà ông.

Năm 1963, ông Nhấm bắt đầu được đón các chuyên gia Thụy Điển, Liên Xô cũ, Tiệp Khắc, Pháp, đại sứ các nước Hungary, Đức, Anh, Nhật Bản. Họ đến tham quan, hỏi chuyện ông về đời sống kinh tế - xã hội của dân bản, tìm hiểu phong tục tập quán của cộng đồng người Thái đen. Hoàng thân Suphanouvong của Lào lên chơi nhà ông Nhấm vào năm 1967. Năm 1976, có lần cả sáu ông đại sứ cùng đến một lúc, trò chuyện, ăn trưa rồi về…

Tiếng lành đồn xa, khách khứa mỗi ngày một đông, nhiều đến nỗi mà ông Nhấm có thêm một nghề: tiếp và trò chuyện với khách. Tháng 5-1984, ông Nhấm nghỉ hẳn việc xã nhưng ông vẫn “khách đến thì tiếp thôi”. Vậy là, từ thực hiện nhiệm vụ chính trị, ông Hà Công Nhấm đã trở thành ông tổ nghề du lịch ở bản Lác. Và chắc rằng ông lão nhỏ thó, dễ mến này chính là người đầu tiên trong cả nước đặt nền móng cho loại hình du lịch homestay.

Homestay nhà sàn số 6

Từ chỗ là trạm nghỉ của những đoàn cán bộ về công tác tại địa phương, nhà sàn số 6 của ông chủ Hà Công Nhấm dí dỏm, thông tuệ dần trở thành điểm đến không thể thiếu của du khách trong và ngoài nước mỗi lần đến bản Lác. Đón khách, bỏ việc nhà để chuyện đông chuyện tây với khách rồi lại bảo vợ con chu toàn cơm nước cho họ nhưng ông Nhấm không thu lấy một đồng. Nơi ăn chốn ở, gạo nước, rau dưa nhà có sẵn nên ông tặng khách, khi khách muốn ăn thịt con cá, con gà, con don, con dúi… thì người nhà ông lại đi mua giúp rồi nấu nướng cho luôn.

Từ năm 1993, khách du lịch đến đông quá, nhất là vào thứ Bảy, Chủ nhật, những dịp lễ, Tết, thấy ngôi nhà sàn của mình luôn quá tải, ông Nhấm lên tận trụ sở Công an tỉnh Hòa Bình xin thêm cho nhà số 8 và 9 được đón khách. Được chấp thuận, ông về bản hướng dẫn hai gia đình trên sửa sang nhà cửa cho gọn gàng, thoáng mát, quan trọng nhất là thuyết phục họ đầu tư cả triệu đồng xây dựng khu nhà tắm, nhà vệ sinh kín đáo, sạch sẽ.

Đây thực sự là một cuộc cách mạng ở bản Lác, bởi trước kia, cả bản dùng chung một bến tắm lộ thiên bên dòng suối phía cuối bản. Bà con còn có thói quen nuôi gia súc, gia cầm ở dưới gầm sàn và nhà vệ sinh thì luôn tạm bợ. “Tôi phải họp với các gia đình, bảo họ rằng tiếp khách là thể hiện bộ mặt của bản.

Mình nghèo cũng được, ăn uống thế nào cũng xong, điện chưa có cũng không sao nhưng nhà tắm, nhà vệ sinh thì phải thật sạch bởi người nước ngoài coi trọng chuyện này lắm. Tôi còn kiên quyết: nếu nhà nào xây công trình phụ không đạt yêu cầu thì tôi nhất định không cho đón khách”, ông Nhấm nhớ lại.

Rồi mọi chuyện cũng đi vào quy củ. Mỗi ngày có từ 30-40 lượt khách nước ngoài đến tận hưởng cuộc sống nên thơ nơi bản Lạ (tên theo tiếng Thái của bản Lác). Thấy du lịch đã trở thành một ngành dịch vụ ở đây nên từ tháng 5-1994, huyện chính thức cho phép người dân thu tiền lưu trú của du khách và những homestay nhà sàn bắt đầu trực tiếp thu tiền của khách từ ngày 1-1-1999 khi Luật Thuế giá trị gia tăng có hiệu lực.

Nền kinh tế trải nghiệm

Theo nghiên cứu của GlobalWebIndex, cùng với Worldwide Partners, Inc., khách du lịch hậu Covid-19 sẽ không hẳn mặn mà với du lịch tour tuyến. Giới trung lưu sẽ tìm kiếm các giải pháp du lịch nội địa hoặc trong khu vực, ngắn hạn. Trong khi đó, những người thu nhập cao có khuynh hướng chọn các chuyến du lịch được thiết kế riêng, phục vụ những nhu cầu cá nhân, mang tính riêng tư và kín đáo. Họ ưa thích các khu nghỉ dưỡng không ồn ào, an toàn và mang lại trải nghiệm cá nhân thoải mái, dễ chịu.

Kinh nghiệm của công ty Gori Việt Nam khi mở và điều hành tour tri thức bản địa từ tháng 1-2016 cũng cho thấy điều ấy.

Chính việc du khách được lựa chọn điểm đến và tham gia tổ chức hành trình làm nên sự cuốn hút của loại hình du lịch này. Giữ được sinh cảnh nên giữ được văn hóa; giữ được nghề nên trao truyền được tri thức; môi trường tốt nên người dân sống lạc quan, vui vẻ; tri thức dân gian kết hợp hiệu quả với tri thức khoa học. Đó chính là mẫu số chung làm nên sự độc đáo của tour tri thức bản địa. Đây là tour tích hợp được nhiều loại hình du lịch, nhiều giá trị văn hóa.

Trước dịch Covid-19, trung bình mỗi tuần, Gori Việt Nam tổ chức một tour tri thức bản địa: hoàn toàn tùy biến (pure custom travel) theo thời gian, nhu cầu, ngân sách của khách; được thiết kế riêng (bespoke) để đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của khách. Họ đã mở được 32 homestay ở hầu hết các dân tộc cư trú trên mọi miền đất nước.

Khi lựa chọn được các hộ gia đình đáp ứng được tiêu chí, như có nhà truyền thống, ăn ở sạch sẽ, có nghề truyền thống, bảo tồn được phong tục tập quán…, họ sẽ đào tạo người dân thành những diễn giải viên và biến chính ngôi nhà của gia đình đó thành nơi lưu trú, ăn uống, trải nghiệm cho du khách.

Công ty còn phối hợp với Hiệp hội Làng nghề Việt Nam hỗ trợ kỹ thuật, làm thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm thủ công truyền thống, các sản vật địa phương cho người dân như dao, thổ cẩm, mây tre đan, gốm sứ, trà shan tuyết, cà phê, thịt treo, mật ong, thuốc nam… Thế nên khi đại dịch Covid-19 quét qua, khách không đến được thì họ vẫn trồng trọt, chăn nuôi, chế biến sản phẩm và gửi về tận nhà cho khách.

Trần Minh Thái, chủ nhà cổ Chúng Pủa (thôn Chúng Pả A, thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang), đã mở và điều phối 32 homestay ở 30 tỉnh, thành phố của Việt Nam, Lào, Campuchia từ 20 năm qua. Điều Chúng Pủa mừng nhất là ngày càng có nhiều người hiền minh của cộng đồng thấu hiểu và chung sức làm du lịch bền vững bằng việc khai thác lợi thế là tri thức bản địa.

Jerôme Balandraud điều hành một hãng du lịch nhỏ mang tên Les Planeteurs tại khu Batignolles quyến rũ của Paris, Pháp. Theo ông, có khoảng một phần ba số khách du lịch muốn được tư vấn trực tiếp và yêu cầu các chuyến đi bespoke (được thiết kế theo yêu cầu riêng). Ông tin rằng biện pháp duy nhất để phát triển ngành du lịch nằm ở các cá nhân độc đáo với khả năng tạo ra những hành trình đáng nhớ để phục vụ nhu cầu trải nghiệm của khách hàng.

“Giống như ngành công nghiệp thời trang sử dụng thứ thường được gọi là ‘giấc mơ’ - một sự pha trộn mơ hồ giữa vẻ huy hoàng, sự tự khẳng định và địa vị - để làm tăng giá trị cho những bộ sưu tập và phụ kiện, ngành công nghiệp du lịch và khách sạn sử dụng sức hấp dẫn của sự thư giãn, khám phá và phiêu lưu để thu hút khách hàng”, Mark Tungate, tác giả cuốn sách The Escape Insdutry (Thú vui xê dịch), tổng kết như vậy.

Còn Shaun Rein, nhà sáng lập của China Market Research Group, thì làm rõ ý hơn khi cho rằng: “Sự xa xỉ kiểu mới không phải là mua một chiếc túi hàng hiệu mà là bơi lội cùng cá heo, đi bộ đường dài trên núi, khám phá những vùng đất xa xôi, và sau đó chia sẻ những hình ảnh trên điện thoại của bạn”.

2 BÌNH LUẬN

  1. Bản Lác là điển hình của du lịch cộng động VN trước năm 2010. Vì thiếu qui hoạch, quan lý lỏng lẻo, phát triển tự phát , mạnh ai nấy làm nên hiện giờ xô bồ bát nháo, còn hơn cả khu Phạm Ngũ Lão, Sài Gòn. Đó là điển hình thất bại của các homestay, là bài học cảnh báo cho các địa phương đang mon men làm du lịch cộng đồng.

  2. Anh Mỹ kính mến! Chuyện bản Lác sau năm 2010 thì vượt quá tầm ông Nhấm. Nhưng người ta vẫn đến bản Lác để học cái hay, tránh cái dở.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới