Thứ ba, 28/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Người phu lục lộ thời hiện đại đang ở đâu?

Song Nghi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Trạm BOT Trảng Bom, Đồng Nai khi đi vào hoạt động năm 2014 thì được gắn thêm dải phân cách cứng bằng bê tông sai quy định, như một cách bắt buộc tất cả ô tô của dân địa phương phải đi qua trạm và trả tiền cho hai lượt mua vé thay vì rẽ vào con đường trước trạm và chỉ mua một lượt vé dù họ được phép. Việc làm trái khoáy này kéo dài mãi đến nay mới chấm dứt. Câu chuyện này đặt ra câu hỏi về việc kiểm tra các tuyến đường giao thông ra sao và còn bao nhiêu chuyện tương tự chưa được giải quyết?

Trạm BOT Trảng Bom nói đây là trạm thu phí BOT đường tránh Biên Hòa nằm trên quốc lộ 1 thuộc địa phận huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Hồi trước, để xây trạm thu phí, các hộ dân xung quanh trạm đã phải bàn giao đất mặt tiền trên quốc lộ 1 vào năm 2009 với giá chỉ có 90.000 đồng/mét vuông.

Sau khi đi vào hoạt động, trạm này đặt luôn dải phân cách cứng bằng bê tông kéo dài hơn 300 mét ở đầu trạm. Mỗi lần ô tô của người dân quanh trạm BOT này đi lên thị trấn Trảng Bom hay về Dầu Giây đều phải mua vé cho hai lần qua trạm. Dù người dân các xã quanh trạm BOT liên tục khiếu nại, mãi đến cuối năm 2017, người dân bốn xã gồm Trung Hòa, Tây Hòa, Đông Hòa và Hưng Thịnh mới được trạm BOT thông báo miễn phí 100% giá vé.

Tuy nhiên, dải phân cách đặt sai chỗ thì còn đó và khiến công việc kinh doanh của người dân xung quanh bị ảnh hưởng, nhiều người thậm chí phải đóng cửa dẹp tiệm vì khách hàng thấy việc mua bán không thuận tiện và họ không muốn bị mất thêm phí qua trạm BOT đến hai lần.

Cuối năm 2019, các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai đã tổ chức họp giải quyết về kiến nghị của người dân dỡ bỏ dải phân cách này. Các cơ quan chuyên môn gồm Chi cục IV.2 Cục Quản lý đường bộ 4, Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Nai, Công an tỉnh Đồng Nai, UBND huyện Trảng Bom, UBND xã Trung Hòa và đại diện Công ty CP Đầu tư Đồng Thuận (đơn vị xây dựng trạm BOT) đã họp với những hộ khiếu nại tại xã Trung Hòa. Theo biên bản cuộc họp, 5 cơ quan đại diện cho ngành giao thông, công an và chính quyền đều đồng ý theo nguyện vọng của người dân là dỡ dải phân cách cứng để bảo đảm quyền lợi của người dân.

Tuy nhiên, chỉ vì Công ty cổ phần Đầu tư Đồng Thuận không đồng ý, suốt hai năm tiếp theo, dải phân cách cứng vẫn còn nguyên và người dân vẫn tiếp tục kêu cứu. Mãi cho đến gần đây, khi báo chí một lần nữa lên tiếng và có cả việc phóng viên đến chụp ảnh dải phân cách này bị hành hung mang thương tích thì mới có tiến triển.

Theo báo Người Lao Động, ngày 22-2, đoàn công tác của Cục Quản lý Đường bộ 4 thuộc Tổng Cục đường bộ đã khảo sát tại hiện trường và ngay trong chiều cùng ngày ban hành kết luận việc đặt dải phân cách kéo dài từ lâu nay tại trạm đã ảnh hưởng “rất lớn” (đúng như đơn phản ánh của các hộ dân từ nhiều năm qua) đến các hộ dân kinh doanh ở gần khu vực trạm. Đến ngày 26-2, Cục Quản lý đường bộ 4 ấn định thời hạn cho việc điều chỉnh dải phân cách là trước ngày thứ 4 tuần này, 2-3-2022.

Một việc thoạt nhìn có vẻ rất đơn giản như vậy nhưng phải mất tám năm mới giải quyết xong, thiệt hại nặng nề người dân lãnh đủ. Cho dù đã giải quyết xong thì vẫn còn đó một câu hỏi: Ai chịu trách nhiệm để cho việc trái khoáy này kéo dài như vậy?

Thời Pháp thuộc có một cơ chế quản lý đường bộ rất hiệu quả là dùng “phu lục lộ” - những nhân viên tuần đường, gần giống mô hình hiện nay ngành đường sắt Việt Nam vẫn đang áp dụng. Hàng ngày, người phu lục lộ sẽ chạy xe đạp hay đi bộ dọc theo tuyến đường mà họ được phân công phụ trách. Khi thấy đường sá, công trình giao thông bị hư, sạt lở, trũng ngập nước hay bất cứ sự cố gây hư hại gì cho việc đi lại của người dân, phu lục lộ sẽ làm “ráp-po” (rapport - báo cáo) để cơ quan phụ trách cử người đến sửa chữa. Nếu không báo cáo kịp thời dẫn đến sự cố giao thông xảy ra thì người phu lục lộ sẽ phải chịu phạt hay mất việc.

Thật đáng buồn khi một thế kỷ sau, với đầy đủ phương tiện giám sát hiện đại mà những việc gây cản trở người dân đi lại như trạm BOT Trảng Bom lại diễn ra giữa và kéo dài suốt tám năm.

Người phu lục lộ thời hiện đại đang ở đâu?

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới