(KTSG) = "Hãy đếm tuổi mình bằng những người bạn thay vì số năm mình sống/ Hãy nhìn cuộc đời mình bằng những nụ cười thay vì nước mắt” - John Lennon.
Câu nói trên của John Lennon (1940-1980) - ca sĩ, nhạc sĩ người Anh, thành viên nhóm The Beatles - có thể nói phần nào đó nêu lên quan điểm của người nghệ sĩ nổi tiếng này về tình bạn trong cuộc đời mình. Theo ý nghĩa câu nói của John Lennon, cuộc đời ta có thể sẽ khiếm khuyết nếu thiếu bạn bè xung quanh.
Phần lớn chúng ta có bạn từ rất sớm trong cuộc đời mình, thậm chí, bắt đầu kết bạn ngay từ lúc nói còn chưa sõi tại nhà trẻ. Những kỷ niệm về tình bạn được tích lũy dần dần, nhiều nhất nhờ bạn chung trường trong những năm tiểu học, trung học, rồi đại học. Sau đó là bạn đồng nghiệp, bạn làm ăn, bạn hàng, bạn đường xa, bạn vong niên... Nói chung, học đường là môi trường dễ tìm bạn nhất. Nhưng dường như, khi đã rời ghế nhà trường, càng về sau, chúng ta càng khó có bạn, mà thường chỉ có người quen. Hồi còn bé, phần lớn chúng ta dễ dàng cặp cổ mấy thằng bạn hay nhỏ bạn thân thiết đi đây đi đó trên đường. Nhưng khi trưởng thành rồi, chúng ta rất khó làm vậy với những người bạn mới.
Bè bạn và bạn bè, bè không phải là bạn
Tự điển tiếng Việt của Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia định nghĩa “bạn bè” là “bạn, nói chung”. Như vậy, khi “nói riêng”, có nhiều kiểu bạn bè khác nhau. Thông thường tại chỗ làm việc, nơi con người hiện đại tiêu pha ít nhất tám tiếng đồng hồ mỗi ngày, chúng ta có thêm nhiều bè bạn. Tuy nhiên, có người nói, bạn bè của họ tại sở làm gồm rất nhiều “bè” nhưng rất ít “bạn”, hay thậm chí không có “bạn” nào cả. Nói khác đi, bè nhiều, bạn ít; bè không phải là bạn, nhiều khi “đồng sàng dị mộng”. Bạn sơ giao hiếm khi trở thành bạn thâm giao một khi người ta đã trưởng thành.
Theo ý nghĩa câu nói của John Lennon, cuộc đời ta có thể sẽ khiếm khuyết nếu thiếu bạn bè xung quanh.
Một tác giả khuyết danh đã nói: bạn bè thì nhiều nhưng tình bạn thật sự chỉ có một. Vậy thì, thế nào là “tình bạn thật sự”, hay “bạn” khác gì với “bè”?
Một vài danh ngôn về tình bạn có thể gợi ý cho chúng ta trả lời câu hỏi này. Chẳng hạn, William Arthur Ward (1921-1994), một nhà văn Mỹ, đưa ra ý tưởng sau đây: một người bạn thực sự là người cho chúng ta cảm giác thoải mái khi có sự hiện diện của người đó, là người chúng ta gắn bó, người mang lại cho chúng ta điều tốt lành và biết ơn họ. Một tác giả khuyết danh khác nói như sau: khi chúng ta phải nói điều gì đó, ai cũng có thể nghe; bạn bè lắng nghe chúng ta; còn bạn thân nghe được điều chúng ta không hề nói.
Chiếu theo các ý trên, có được tình bạn thật sự không dễ chút nào phải không các bạn? Nhưng thôi, cũng không nên quá lý tưởng. Theo lẽ thường, ngày còn thơ, tình bạn thường không vụ lợi. Khi lớn lên, người ta phải tính toán thiệt hơn, nên tình bạn mất đi sự trong sáng của nó. Tìm được bạn thực sự không dễ là vì vậy.
Đó là quy luật của cuộc đời. Do đó, chúng ta đừng quá trông mong hay đặt nặng vấn đề tình bạn ở các đồng nghiệp. Trong số bạn bè ở nơi làm việc, chỉ mong họ đừng nói xấu sau lưng, đừng hại ta là đủ. Dĩ nhiên, tìm được bạn đồng nghiệp lý tưởng để dốc bầu tâm sự về chuyện công việc, chuyện gia đình là lý tưởng. Nhưng nếu không có được như vậy, âu cũng là lẽ thường.
Bè bạn và bầu bạn, bao nhiêu bạn là vừa?
Trong tiếng Việt, từ “bạn” cũng được dùng để đưa ra các khái niệm khác. Trong số đó, “bạn đời” hay “bạn trăm năm” chính là vợ hay chồng chúng ta. Không hiếm trường hợp, tình yêu và hôn nhân bắt đầu bằng tình bạn. Hạnh phúc biết bao nếu trong số bạn bè xung quanh, chúng ta có thể gặp được một người trở thành bầu bạn cho cả cuộc đời còn lại.
Bạn đời thì chỉ có một, ít ra là tại một thời điểm nào đó, nhưng có bao nhiêu bạn thì đủ?
Dale Carnegie (1888-1955), nhà văn và nhà diễn thuyết người Mỹ, viết như sau: nếu biết quan tâm đến người khác, số bạn chúng ta có thể có trong hai tháng sẽ nhiều hơn số bạn kiếm được trong hai năm nếu bắt người khác quan tâm đến mình. Còn triết gia Hy lạp Aristotle (384-322 trước CN) thì nói: thuốc giải cho 50 kẻ thù là một người bạn.
Thực ra, về mặt sinh học, tình bạn là một phần của bản năng xã hội của con người cho phép chúng ta hoạt động cùng nhau trong cộng đồng. Trong quyển “Sapiens, Lược sử loài người”, tác giả Yuval Boah Harari viết: “Con người, cũng giống như tinh tinh, có những bản năng xã hội cho phép tổ tiên của chúng ta kết bạn, tạo nên thứ bậc, và săn bắt hoặc chiến đấu cùng nhau. Tuy nhiên, cũng giống như tinh tinh, bản năng xã hội của con người [chỉ] thích nghi với các nhóm nhỏ thân mật(…). Nghiên cứu xã hội học đã chỉ ra rằng quy mô ‘tự nhiên’ tối đa của một nhóm được gắn kết với tán gẫu là khoảng 150 cá thể”.
Phải chăng 150 là con số giới hạn cho bạn bè của một người? 150 người bạn là nhiều hay ít? Câu trả lời có lẽ phụ thuộc vào từng cá nhân.
Bạn bè trong thời đại Internet
Là người Việt, ai không biết chuyện Lưu Bình, Dương Lễ. Trong thời đại Internet hiện nay, liệu còn tồn tại tình bạn đẹp như mơ như vậy không? Có người nói vui họ không thể làm như Dương Lễ dám giao vợ cho bạn Lưu Bình vì chẳng khác nào đem mỡ treo miệng mèo. Không chỉ không có cách gì ngăn được Lưu Bình, mà xem ra Châu Long cũng khó giữ được mình trong suốt mấy năm trời “lửa gần rơm”!
Liệu Internet có ảnh hưởng đến tình bạn của con người? Nhiều nghiên cứu đã trả lời là “có”. Theo một công trình do Richard Harper, Lynne Hamill và Nigel Gilbert công bố năm 2013(1), Internet là phương tiện kỹ thuật gần đây có ảnh hưởng lớn nhất đến tình bạn. Một số nghiên cứu trong những năm 1990, cho rằng con người càng bỏ thêm thời gian trên mạng, thì họ càng mất đi tình bằng hữu bởi vì đầu tư thời gian vào không gian ảo thì sẽ có ít thời gian đầu tư cho tình bạn. Người ta gọi đây là “nghịch lý Internet” (Internet paradox).
Tuy nhiên, các nghiên cứu trên được thực hiện khi Internet chưa phát triển như ngày nay. Lúc đó, mạng xã hội còn sơ khai và phần lớn thời gian người ta lên mạng là để chơi game. “Nghịch lý Internet” đã bị một số nhà nghiên cứu bác bỏ, bởi lẽ mục đích vào mạng của nhiều người dùng đã thay đổi, trong đó có cả việc lên mạng để kết nối, kết bạn với người khác. Hiện nay, ý kiến về tác động của Internet đến tình bạn hay quan hệ giữa người với người còn rất khác nhau, nên kết luận rằng Internet ảnh hưởng xấu đến tình bạn chưa được đồng thuận rộng rãi.
Làm sao để giữ bạn
Thế thì, chúng ta, những con người hiện đại không phải là Lưu Bình hay Dương Lễ, nên làm gì để giữ được tình bạn chân thành và lâu bền?
Một câu trả lời khả dĩ trong tiếng Anh và tiếng Việt lại rất giống nhau: bạn bè hoạn nạn có nhau (A friend in need is a friend indeed).
Những câu chuyện từ một đồng nghiệp của người viết bài này và nhóm bạn (trong đó có một người làm việc trong ngành y) có thể câu trả lời khả thi. Giữa đại dịch, họ luôn giữ liên lạc để chia sẻ kinh nghiệm chống dịch, cách trị bệnh khi bị nhiễm, chia nhau các bộ kit test nhanh và thuốc trị bệnh. Họ cũng gửi thực phẩm và đồ dùng cần thiết cho nhau trong thời gian phong tỏa và nấu ăn hộ khi có gia đình bị nhiễm. Tình bạn giữa họ, theo triết gia Mỹ William James (1842-1910), giống như những hòn đảo trên biển khơi, tách biệt trên bề mặt nhưng gắn liền nhau sâu bên dưới.
Thực ra, bạn tốt khó tìm nhưng cũng khó bỏ. Có người nói, tình bạn chân thật tương tự như một cái cây vẫn sống trên một mảnh đất cằn cỗi, thỉnh thoảng nó cần nước và phân bón dưới dạng một vài lá thư, một vài cú điện thoại hay vài món quà nhỏ, để khỏi chết khô.
Còn Thiền sư Thích Nhất Hạnh bảo chúng ta như sau: “Khi ta trồng cây, mà cây không lớn tốt, ta không đổ lỗi cho cái cây, mà đi xem xét các lý do vì sao lại như vậy: thiếu nước, thiếu phân bón, hay thiếu ánh nắng mặt trời. Vậy nhưng khi ta có vấn đề với bạn bè hay gia đình ta, ta lại đổ lỗi cho họ. Nếu ta biết cách quan tâm họ, họ cũng sẽ ‘lớn tốt’, như cây cối vậy”.
Xin kết bài ở đây bằng lời hát của Alain Jackson, ca sĩ nhạc đồng quê người Mỹ. Trong bài “The Older I Get” (Khi tôi già hơn), Jackson hát rằng: “Khi càng già, tôi càng có ít bạn/Nhưng cần nhiều bạn làm gì/Khi chỉ vài người bạn chung quanh thôi cũng đủ hiểu mình”.
-------------
(1)https://www.microsoft.com/en-us/research/wp-content/uploads/2013/06/ModellingHabitusTechRepHarper-Hamill-Gilbert.pdf