(KTSG Online) - UBND TPHCM vừa có văn bản số 622/UBND-DA gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về bổ sung, giải trình làm rõ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3 TPHCM.
- Rà soát quỹ đất ven vành đai 3 để đẩy nhanh tiến độ dự án
- Hoàn thành 2 vành đai Hà Nội, TPHCM cùng 3 tuyến cao tốc trong nhiệm kỳ 2021-2026
Đáng chú ý, UBND TPHCM trình bày về nội dung khai thác quỹ đất dọc hai bên tuyến của dự án để tạo nguồn vốn. Theo đó, thành phố có khoảng 2.413 héc ta, trong đó khoảng 514 héc ta đất nông nghiệp do Nhà nước trực tiếp quản lý. Dự kiến, đối với phạm vi đất nông nghiệp này có thể khai thác bán đấu giá thu hồi khoảng 26.985 tỉ đồng.
Đối với các quỹ đất còn lại, tiếp tục rà soát, xác định cụ thể, chính xác diện tích, vị trí, đề xuất điều chỉnh quy hoạch và các nội dung khác có liên quan, đảm bảo tính khả thi để tạo nguồn vốn.
Tương tự, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có khoảng 214 héc ta. Giá trị có thể thu về cho ngân sách sau khi đấu giá các khu đất khoảng 4.332 tỉ đồng. Trên địa bàn các tỉnh Bình Dương và Long An đang tiếp tục rà soát, cập nhật các quỹ đất có thể khai thác.
Đồng thời, các địa phương sẽ tiếp tục rà soát các quỹ đất nêu trên sẽ được nghiên cứu, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp và tổ chức đấu giá để tạo nguồn thu ngân sách.
Mặt khác, cơ cấu nguồn vốn đầu tư dự án vành đai 3 sẽ dựa theo nguyên tắc tỷ lệ ngân sách trung ương hỗ trợ 50% tổng mức đầu tư và ngân sách địa phương tham gia là 50% ở các địa phương như TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương. Riêng Long An, nguồn vốn trung ương hỗ trợ 75%, địa phương góp 25%.
Cụ thể, ngân sách trung ương hỗ trợ TPHCM là hơn 24.000 tỉ đồng, Đồng Nai gần 2.000 tỉ đồng, Bình Dương khoảng 9.639 tỉ đồng, Long An hơn 3.100 tỉ đồng.