Thứ sáu, 22/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Bảo tồn và phát triển – bài học từ các đại đô thị ven sông

-

(KTSG Online) - Thượng Hải (Trung Quốc), Seoul (Hàn Quốc), Paris (Pháp), London (Anh)… là những đại đô thị trên thế giới đã để lại dấu ấn đậm nét về quy hoạch, kiến trúc, giao thông bên các con sông lớn. TPHCM có đủ điều kiện để gia nhập vào danh sách này nếu tiếp thu một cách chọn lọc kinh nghiệm từ các nước và phát huy lợi thế, đặc điểm riêng biệt của mình.

Một trong những thành phố phát triển trước nhưng có nhiều nét tương đồng với TPHCM là Thượng Hải với sông Hoàng Phố chia đôi bờ. Bờ Tây là khu vực dân cư tập trung sinh sống lâu đời. Còn phố Đông bên kia sông cách đây hơn hai thập niên khá giống hiện trạng bán đảo Thủ Thiêm.

Ở bờ Tây, kế thừa bài học của San Francisco (Mỹ), chính quyền tập trung nguồn lực mở những tuyến đường huyết mạch và phát triển mạng lưới giao thông công cộng. Nhiều tuyến đường nhỏ chuyển đổi thành phố đi bộ. Ngày nay, hai bên bờ sông Hoàng Phố là hai hình ảnh hoàn toàn khác nhau. Bờ Tây đậm dấu ấn lịch sử, được bảo tồn hầu như nguyên vẹn, còn bờ Đông là một khu phát triển rất hiện đại, có thể sánh ngang với Hong Kong. Điều này khiến Thượng Hải trở thành một thành phố thú vị hàng đầu ở châu Á. Bờ Tây - vốn là khu phố của người Anh thời kỳ thuộc địa - trở thành điểm du lịch thu hút đông người tham quan từ khắp thế giới.

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, một thành viên trong Công ty SOM tham gia trực tiếp quy hoạch Thượng Hải từ đầu thập niên 1990, người từng nhận được giải thưởng danh dự của Viện Kiến trúc Mỹ, chia sẻ tại một hội nghị gần đây rằng cho đến nay, TPHCM vẫn áp dụng hai bản quy hoạch riêng rẽ cho khu Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) và trung tâm thành phố. Bờ Đông sông Hoàng Phố đã trở thành khu phố sầm uất bậc nhất ở châu Á sau 20 năm nỗ lực xây dựng, còn Thủ Thiêm từ 2003 tới giờ chỉ thấy mấy con đường.

Ngay từ những năm 1970, chính quyền thủ đô Seoul (Hàn Quốc) điều chỉnh quy hoạch theo hướng phát triển kinh tế - xã hội thân thiện với môi trường. Sông Hàn được coi là báu vật của xứ kim chi để từ đó triển khai những công cuộc cải tạo quyết liệt, biến nơi này thành viên ngọc sinh thái giữa lòng thủ đô. Đến nay, 40km dọc đôi bờ sông Hàn có 12 công viên lớn bao gồm hồ nước, đảo chim, rừng cây cổ thụ, sở thú… Theo chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du, phía Nam sông Hàn vào thập niên 1960 là vùng đất nông nghiệp trồng bắp cải và lê, rất ít người sinh sống, nhưng sự thành công của Gangnam cho thấy chiến lược đúng đắn của Hàn Quốc nói chung, Seoul nói riêng.

Ảnh: Le Hoang

Theo kiến trúc sư Jan Gehl của Đan Mạch, Venice – thành phố tuyệt đẹp với hệ thống kênh rạch xen kẽ của Italy - là ví dụ điển hình của một đô thị thân thiện với người dân. Để làm được điều đó, những nhà hoạch định chính sách, kiến trúc sư, các chuyên gia phải đưa người dân làm trung tâm của tư tưởng thiết kế cũng như xây dựng thành phố. Nhiều thành phố trên thế giới quá tập trung quy hoạch theo xe cộ, làm sao để không bị tắc đường, có nhiều chỗ đỗ xe hơn… Kiến trúc sư Gehl cho rằng cần làm cho thành phố trở nên dễ sống, lành mạnh, an toàn và bền vững hơn. Người dân nên bước ra khỏi nhà, văn phòng và xe hơi nhiều hơn. Việc đi bộ quanh thành phố, tham quan những khu vực công cộng sẽ cải thiện được chất lượng sống.

Năm 1853, chỉ 1 năm sau khi trở thành vua nước Pháp, Napoleon III đã triệu hồi kiến trúc sư Georges Eugene Haussmann về Paris để giao chức Giám đốc quản lý thành phố, đảm nhiệm việc cải tạo toàn bộ thủ đô.

Bản quy hoạch của Haussmann thiết lập nhiều công viên công cộng mới và có quy mô lớn khắp Paris như làn gió mát cho một thành phố chật chội. Bản quy hoạch phân bố đều các công viên ra những khu vực khác nhau của thành phố. Bên cạnh những công viên lớn, Haussmann cũng xây dựng nhiều công viên nhỏ trong các khu dân cư. Về giao thông, lấy sông Seine làm trung tâm, nhiều cây cầu được xây dựng để kết nối hai bờ, đảm bảo nét hài hòa trong kiến trúc cũng như lợi ích chung của xã hội.

Ngoài quy hoạch, định hướng phát triển và cơ chế hoạt động của các đại đô thị ven sông trên thế giới cũng rất đáng tham khảo. Năm 1990, cựu Chủ tịch, Bí thư Thành ủy Thượng Hải Chu Dung Cơ đưa ra một kế hoạch đầy tham vọng, đó là không chỉ biến Phố Đông thành một đặc khu kinh tế, mà còn phát triển Thượng Hải thành một thủ đô tài chính của châu Á, “Phố Wall ở phương Đông”.

Chính quyền Thượng Hải di dời 300.000 cư dân ở Phố Đông, nơi khi đó gồm nhiều ruộng lúa và nhà kho, tới các tòa nhà tái định cư. Trong một thập kỷ phát triển khu Phố Đông, chính quyền Thượng Hải và trung ương đã chi hơn 10 tỉ đô la Mỹ để xây dựng hạ tầng cơ sở, bao gồm hàng loạt cầu, đường hầm kết nối khu trung tâm cổ kính của thành phố với trung tâm tài chính mới ở Phố Đông.

Để hấp dẫn các công ty nước ngoài, chính quyền Thượng Hải tung ra chính sách ưu đãi thuế và áp dụng chiến lược tiếp thị dựa trên hạ tầng đầy hiệu quả. Với 3 tòa cao ốc đầu tiên được xây dựng ở Phố Đông, chính quyền tổ chức cuộc đấu thầu quốc tế vào năm 1993. Sau đó, cơn sốt xây dựng tại Thượng Hải bùng lên.

Năm 2013, chính quyền Trung Quốc thành lập khu thương mại tự do (FTZ) tại Thượng Hải. Đây là FTZ đầu tiên trong lãnh thổ Trung Quốc, rộng 120,72 km2, bao gồm 4 đặc khu kinh tế ở Phố Đông. Tháng 4/2015, FTZ Thượng Hải được mở rộng. Đây là nơi chính quyền Trung Quốc thử nghiệm các chính sách cải cách kinh tế và xã hội, bao gồm 18 loại dịch vụ bị nước này hạn chế đầu tư nước ngoài như dịch vụ y tế, viễn thông, ngân hàng…

Ảnh: Le Hoang

Từ lịch sử của London, thành phố ven sông Thames êm đềm, có thể đúc rút bài học cho sự phát triển ổn định, không bị manh mún. Bộ máy quản lý đô thị với cơ chế và công cụ kiểm soát hiệu quả đóng vai trò then chốt trong quá trình phát triển đô thị. Bộ máy này phải được xây dựng nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý và nhu cầu phát triển của xã hội. Khi được tổ chức nhằm cung ứng các dịch vụ công thiết yếu và tạo điều kiện phát triển, bảo vệ môi trường, chính quyền địa phương Anh hoạt động rất bền vững.

Áp dụng kinh nghiệm từ các đô thị có những nét tương đồng trên thế giới một cách sáng tạo, không rập khuôn được xem là phương châm cho việc tận dụng cơ hội phát triển của TPHCM mà dòng sông Sài Gòn hào phóng đem lại.

Nội dung: Phạm Cường – Trình bày: Thu Trang – Hình ảnh: Lê Vũ

 

 

-------------------------

Tài liệu tham khảo:

https://tuoitre.vn/tiec-dut-ruot-cho-tp-hcm-khi-so-voi-thuong-hai-20190322084423388.htm

https://edition.cnn.com/travel/article/venice-wheelchair-accessible-route/index.html

https://www.forbes.com/sites/carltonreid/2018/12/20/parisian-boulevards-built-wide-not-for-cars-but-to-better-quell-street-protests/?sh=1618a3fe2d1c

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây