Thứ năm, 26/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Việt Nam ưu đãi thuế 0% cho 300.000 tấn gạo từ Campuchia trong năm nay

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Năm nay, tổng lượng hạn ngạch ưu đãi thuế quan đặc biệt (áp thuế 0%) đối với mặt hàng gạo được Việt Nam dành cho Campuchia là 300.000 tấn, tương đương 600.000 tấn lúa.

Việt Nam dành lượng hạn ngạch thuế quan ưu đãi cho Campuchia trong năm nay là 300.000 tấn gạo, tương đương 600.000 tấn lúa. Ảnh: Trung Chánh

Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư 06/2022/TT-BCT quy định nhập khẩu mặt hàng gạo và thuốc lá khô có xuất từ Campuchia theo hạn ngạch thuế quan năm 2021 và 2022.

Theo đó, trong năm nay, tổng lượng hạn ngạch thuế quan ưu đãi đặc biệt, tức áp thuế 0% đối với mặt hàng gạo có nguồn gốc từ Campuchia là 300.000 tấn (nếu là lúa thì tỷ lệ quy đổi là 2 kg lúa = 1 kg gạo). Năm 2021, tổng lượng hạn ngạch thuế quan ưu đãi đặc biệt đối với mặt hàng gạo Việt Nam dành cho Campuchia cũng là 300.000 tấn.

Điều kiện để được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt, thông tư nêu trên của Bộ Công Thương cho biết, hàng hoá nhập khẩu phải có giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá mẫu S (C/O form S) do Bộ Thương mại của Campuchia hoặc cơ quan được uỷ quyền cấp theo quy định của Campuchia và làm thủ tục Hải quan nhập khẩu tại các cặp cửa khẩu quy định.

Theo đó, có tổng cộng 24 cặp cửa khẩu được hưởng thuế ưu đãi, bao gồm Lệ Thanh (tỉnh Gia Lai)- Ou Ya Dav (tỉnh Ratanakiri); Bu Prăng (tỉnh Đắk Nông)- Dak Dam (tỉnh Mondulkiri); Đắk Peur (tỉnh Đắk Nông)- Nam Lear (tỉnh Mondulkiri); Hoa Lư (tỉnh Bình Phước)- Trapeang Sre (tỉnh Kratie); Hoàng Diệu (tỉnh Bình Phước)- Lapakhe (tỉnh Mondulkiri); Lộc Thịnh (tỉnh Bình Phước)- Tonle Cham (tỉnh Tboung Khmum); Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh)- Bavet (tỉnh Svay Rieng); Xa Mát (tỉnh Tây Ninh)- Trepeang Plong (tỉnh Tboung Khmum); Chàng Riệc (tỉnh Tây Ninh- Da (tỉnh Tboung Khumum); Kà Tum (tỉnh Tây Ninh)- Chan Mul (tỉnh Tboung Khmum); Phước Tân (tỉnh Tây Ninh)- Bosmon (tỉnh Svay Rieng);  Vạc Sa (tỉnh Tây Ninh)- Doun Rodth (tỉnh Tboung Khmum).

Cặp cửa khẩu Bình Hiệp (tỉnh Long An)- Prey Vor (tỉnh Svay Rieng); Vàm Đồn (tỉnh Long An)- Sre Barang (tỉnh Svay Rieng); Mỹ Quý Tây (tỉnh Long An)- Samrong (tỉnh Svay Rieng); Dinh Bà (tỉnh Đồng Tháp)- Banteay Chakrey (tỉnh Prey Veng); Thường Phước (tỉnh Đồng Tháp)- Koh Roka (tỉnh Prey Veng); Sở Thượng (tỉnh Đồng Tháp)- Koh Sampov (tỉnh Prey Veng); Vĩnh Xương (tỉnh An Giang)- Ka-Orm Samnor (tỉnh Kandal); Tịnh Biên (tỉnh An Giang)- Phnom Den (tỉnh Takeo); Khánh Bình (tỉnh An Giang)- Chrey Thom (tỉnh Kandal); Vĩnh Hội Đông (tỉnh An Giang)- Kampong Krosang (tỉnh Takeo); Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang)- Prek Chak (tỉnh Kampot) và Giang Thành (tỉnh Kiên Giang)- Ton Hon (tỉnh Kampot).

Về phương thức điều hành hạn ngạch thuế quan, thì hạn ngạch thuế quan nhập khẩu mặt hàng gạo quy định tại thông tư này được điều hành theo phương thức trừ lùi tự động tại cơ quan hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu; việc trừ lùi tự động cho đến hết số lượng hạn ngạch quy định.

Thông tư nêu trên có hiệu lực thi hành từ ngày 15-4 đến hết ngày 31-12 năm nay.

Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 83/2021/NĐ-CP về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện bản thoả thuận thúc đẩy thương mại song phương giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Campuchia giải đoạn 2021-2022. Nghị định có hiệu lực từ ngày 13-9-2021 đến 31-12-2022.

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thuỷ sản Campuchia, trong năm 2021, quốc gia này đã xuất khẩu hơn 3,5 triệu tấn lúa (tương đương khoảng 1,7-1,8 triệu tấn gạo) sang Việt Nam, tăng hơn 60% so với năm trước đó.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới