Chủ Nhật, 24/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Bão lạm phát cấp mấy?

TS. Võ Đình Trí

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Chiến sự ở Ukraine này càng leo thang, giá cả của thị trường hàng hóa (commodity) càng tăng chóng mặt và chưa có dấu hiệu chững lại. Lạm phát đã là nỗi lo sợ của nhiều nền kinh tế trước khi chiến tranh xảy ra, và bây giờ thì tình hình ngày một xấu hơn.

CPI hai tháng đầu năm tăng 1,68%. Trong ảnh: Người dân xếp hàng chờ thanh toán tại siêu thị Coopmart. Ảnh: N.K

Bình quân hai tháng đầu năm 2022, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam so với cùng kỳ năm 2021 tăng 1,68%. Tác động lan truyền giá dù có độ trễ nhưng CPI mục tiêu 4% trong năm nay là rất khó khả thi trong bối cảnh hiện nay.

Thị trường hàng hóa thế giới nhảy dựng

Chỉ trong một tuần đầu tháng 3, giá của nhiều loại hàng hóa trên thế giới đã tăng vọt. Đầu tiên phải nhắc đến là nhóm năng lượng, với than đá tăng 75% và dầu thô tăng 32%.

Nhóm hàng nông nghiệp cũng chạy theo với lúa mì tăng 35%, bắp tăng 12%, sữa, bơ và đường đều tăng khoảng 8%.

Nhóm nguyên liệu kim loại cũng tăng đáng kể với palladium tăng 28%, nickel tăng 20%, nhôm tăng 15%, và quặng sắt tăng 15%. Kim loại quý như vàng, bạc trong vòng một tháng đã tăng tương ứng 9% và 12%. Cá biệt lithium tăng 29% trong một tháng và 600% trong vòng một năm qua.

Số liệu lạm phát của Mỹ tháng 1-2022 (so với cùng kỳ năm 2021) là 7,5%, cao nhất từ năm 1982 trở lại đây và mới đây khu vực đồng euro công bố số liệu lạm phát trong tháng 2 là 5,8%. Giá năng lượng và các nguyên liệu đầu vào tăng trong bối cảnh hiện nay sẽ còn là lực đẩy cho lạm phát khó kiểm soát hơn.

Nhóm hàng năng lượng, nhà ở, lương thực luôn chiếm một tỷ trọng lớn trong rổ hàng hóa tính chỉ số giá tiêu dùng. Vì vậy với việc các nguồn nguyên liệu đầu vào đều tăng thì mặt bằng giá sinh hoạt khó lòng mà đứng yên.

Đáng quan ngại hơn, khi giá cả sinh hoạt tăng thì đòi hỏi tăng lương của người lao động sẽ tăng theo. Lương tối thiểu ở một số nước đã tăng và việc đòi tăng lương vẫn đang diễn ra. Rủi ro vòng xoáy giá-lương-giá ngày càng hiện rõ ở nhiều nơi. Như gần đây ở Pháp, một số nghiệp đoàn đã xuống đường biểu tình, đòi tăng lương cho người lao động

Bão lạm phát cấp mấy?

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, CPI hai tháng đầu năm là 1,68%, trong đó giao thông tăng 15%, lương thực tăng 2,37%, đồ uống và thuốc lá tăng 2,48%. Vì tỷ trọng của nhóm hàng hóa ăn uống - thực phẩm, nhà ở và vật liệu xây dựng, giao thông, thiết bị đồ dùng gia đình chiếm cao nhất trong rổ hàng hóa tính CPI nên những biến động tăng từ đầu vào của những mặt hàng này sẽ ảnh hưởng nhiều đến lạm phát trong nước.

Lạm phát thực tế sắp tới sẽ rất đáng lo ngại, dù có thể các con số thống kê sẽ không phản ánh hết. Nhưng còn nguy hiểm hơn, đó là khi lạm phát tăng cao và kéo dài, viễn cảnh của nền kinh tế sẽ dần chuyển sang gam màu xám, với các chính sách vĩ mô cứng rắn hơn.

Mặt khác, phải nhìn vào cơ cấu các mặt hàng nhập khẩu của Việt Nam có ảnh hưởng nhiều đến CPI trong nước.

Chẳng hạn như Việt Nam đang nhập sắt thép các loại đến tháng 1-2022 (tính trượt 12 tháng) là 11,76 tỉ đô la Mỹ, sản phẩm từ sắt thép là 5,2 tỉ đô la. Những mặt hàng này sẽ ảnh hưởng nhiều đến cấu phần nhà ở và vật liệu xây dựng.

Việt Nam cũng nhập khá nhiều thức ăn gia súc và nguyên liệu, với số liệu mới nhất là 4,91 tỉ đô la; linh kiện phụ tùng ô tô là 4,89 tỉ đô la, dầu thô là 4,82 tỉ đô la, xăng dầu các loại là 4,11 tỉ đô la, dược phẩm là 3,99 tỉ đô la, và bắp là 2,98 tỉ đô la.

Những mặt hàng này đều ảnh hưởng nhiều đến giá của các mặt hàng được tính trong rổ hàng hóa, và do đó việc đột ngột tăng giá của những mặt hàng này trên thế giới sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến giá cả nhập khẩu trong thời gian tới.

Thực tế cho thấy nhiều nhà cung cấp, nhiều doanh nghiệp trên khắp thế giới đã điều chỉnh hợp đồng hay đơn hàng của mình với đối tác. Những hợp đồng đã ký thì sẽ ráng thực hiện hoặc điều chỉnh chấp nhận thiệt hại nếu so với giá nguyên nhiên liệu mới. Đối với các đơn hàng mới, thời gian cân nhắc báo giá được rút ngắn tối đa, ví dụ trước đây là một tháng thì bây giờ chỉ còn một tuần. Các điều khoản của hợp đồng cũng thêm vào việc biến động giá của nguyên vật liệu.

Độ trễ của tác động lan truyền giá là có nhưng với mức độ liên thông của các thị trường như hiện nay thì tốc độ này càng được đẩy nhanh. Ngoài ra, thông tin về thị trường được cập nhật thường xuyên nên có thể tâm lý còn chạy trước.

Theo đó, các doanh nghiệp sẽ ém hàng, và người tiêu dùng sẽ cố gắng mua trước để tích trữ đề phòng giá tăng. Tâm lý đám đông trong nhiều trường hợp sẽ làm tình hình xấu hơn nếu không có những thông điệp rõ ràng và nhất quán từ các cơ quan quản lý điều hành.

Lạm phát ảnh hưởng đến từng hộ gia đình là khác nhau vì cơ cấu thu nhập và chi tiêu không đồng nhất, nhưng số đông những người lao động bình thường, những người có thu nhập thấp sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Rất có thể các khoản tích lũy trước đây cũng sẽ bị bào mòn khi vật giá leo thang.

Các con số thống kê thường đi sau và thường không phản ánh hết được thực tế cuộc sống. Chỉ có từng hộ gia đình, từng người dân mới thấy được lạm phát cụ thể như thế nào qua túi tiền và hàng hóa - dịch vụ mình có thể mua được. Rõ nhất có lẽ là những người phải chi tiêu mua sắm hàng ngày.

Lạm phát thực tế sắp tới sẽ rất đáng lo ngại, dù có thể các con số thống kê sẽ không phản ánh hết. Nhưng còn nguy hiểm hơn, đó là khi lạm phát tăng cao và kéo dài, viễn cảnh của nền kinh tế sẽ dần chuyển sang gam màu xám, với các chính sách vĩ mô cứng rắn hơn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới