Thứ năm, 19/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Thu phí hạ tầng cảng biển: Cần nhưng thời điểm này chưa thích hợp!

Hùng Lê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp mong chờ có thời gian hồi phục sau ảnh hưởng dịch Covid-19 rồi thu phí hạ tầng cảng biển. Kiến nghị của các hiệp hội ngành là TPHCM không thu phí hạ tầng cảng biển trong năm 2022. Ảnh: Hùng Lê

(KTSG) - Dù ủng hộ việc thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển để tái đầu tư nhưng theo các doanh nghiệp và giới phân tích TPHCM cần cân nhắc thời điểm thu phí thích hợp hơn.

Thời điểm không thích hợp!

Trước việc TPHCM chuẩn bị thu phí hạ tầng cảng biển kể từ ngày 1-4 tới, các doanh nghiệp xuất khẩu tỏ ra rất lo lắng. Theo các doanh nghiệp, việc áp dụng thu phí hạ tầng cảng biển ở thời điểm này là không hợp lý, tiếp tục tạo thêm gánh nặng chi phí cho họ, giảm năng lực cạnh tranh.

Từ ngày 16-2 TPHCM đã vận hành thử nghiệm hệ thống thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển. Sau thời gian vận hành thử nghiệm, dự kiến việc thu phí sẽ chính thức được áp dụng từ 0 giờ ngày 1-4 tới.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng họ còn chưa gượng dậy được sau ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 và đang phải gánh thêm nhiều chi phí đầu vào tăng cao như logistics, cước vận tải, giá xăng dầu, nguyên vật liệu và chi phí test Covid-19... Đó là chưa kể cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đang có nguy cơ làm cho cước phí vận tải biển tăng. Do đó, nếu thu thêm phí hạ tầng cảng biển lúc này là sẽ tạo thêm gánh nặng, giảm năng lực cạnh tranh và không phù hợp.

“Trong bối cảnh Chính phủ đang có nhiều biện pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh với trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp thì kế hoạch thu phí lúc này của TPHCM liệu đã phù hợp?”, đại diện của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đặt câu hỏi.

Hiện nay các doanh nghiệp đều phải nộp nhiều loại phí liên quan đến cơ sở hạ tầng như phí cầu đường, phí sử dụng đường bộ, phí BOT,... Chỉ tính riêng phí BOT, hiện nay doanh nghiệp đã gánh thêm một khoản tiền lớn khi các trạm thu phí BOT xuất hiện dày đặc trên các tuyến quốc lộ từ các tỉnh tới các cảng xuất nhập hàng ở TPHCM. Đó là chưa kể hiện tại các cảng biển cũng đang thu rất nhiều loại phí liên quan đến hạ tầng của cảng như phí cầu tàu, phí lưu container, lưu bãi, phí cắm điện...

Cần minh bạch!

Nhìn về lâu dài, cũng có không ít ý kiến ủng hộ thu loại phí này, vì nếu số tiền thu được dùng để đầu tư mở rộng hệ thống cơ sở hạ tầng thì sẽ giải quyết được nguy cơ tắc nghẽn tại khu vực cảng, giúp doanh nghiệp cải thiện năng suất vận chuyển.

Trên thực tế, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp cũng phản ảnh tình trạng đường vào cảng biển còn yếu kém, ùn ứ, kẹt xe đường vào cảng khiến mỗi ngày xe container chỉ có thể vận chuyển một chuyến hàng đi và về. Nếu đường thông thoáng, trong một đêm có thể quay đầu hai chuyến, chưa kể một chuyến ban ngày, lúc đó các chi phí tiêu hao được chia sẻ. Do đó, nếu không gấp rút đầu tư đường, đường vào cảng biển dự báo sẽ kẹt xe trầm trọng hơn, kìm hãm tốc độ lưu thông hàng hóa.

Trên thực tế, TPHCM không phải là địa phương đầu tiên áp loại phí này. Trước đó, Hải Phòng đã triển khai thu phí hạ tầng cảng biển để tái đầu tư cho hệ thống kết nối. Kết quả cho thấy doanh nghiệp kinh doanh cảng, doanh nghiệp xuất nhập khẩu và doanh nghiệp vận tải đều có lợi vì giải quyết được bài toán thời gian, chi phí thấp hơn nhờ số lần quay đầu xe nhiều hơn. Vấn đề còn lại theo giới phân tích là TPHCM cần có cam kết để doanh nghiệp yên tâm rằng khoản tiền thu được sẽ ưu tiên đầu tư vào hạ tầng, phục vụ các công trình kết nối vào cảng biển.

Tại mục a điểm 4 điều 1 của Nghị quyết 10/2020/NQ-HĐND ngày 9-12-2020 của Hội đồng Nhân dân TPHCM cũng chỉ rõ: “Toàn bộ số thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển TPHCM sau khi trừ chi phí phục vụ công tác thu phí được nộp vào ngân sách thành phố để quản lý và bố trí sử dụng có mục tiêu cho đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông kết nối cảng biển trên địa bàn thành phố”.

Do đó, phương án sử dụng vốn thu phí này của thành phố, theo giới quan sát và các doanh nghiệp, cần phải rõ ràng, minh bạch, và danh sách tuyến đường dự định đầu tư cần phải cụ thể và công khai.

Vào ngày 1-3-2022, Hiệp hội Thực phẩm minh bạch, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, Hiệp hội Sữa Việt Nam, Hiệp hội Nhựa Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, Hội Mỹ nghệ và Chế biến Gỗ TPHCM cùng gửi văn bản kiến nghị đến Văn phòng Chính phủ, Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính; HĐND và UBND TPHCM. Các hiệp hội kiến nghị chưa triển khai thực hiện thu các loại phí nói trên cho đến hết 31-12-2022 để tạo điều kiện cho doanh nghiệp cắt giảm chi phí, phục hồi sản xuất kinh doanh; điều chỉnh các mức thu nói trên giảm xuống; không tạo thêm gánh nặng về thủ tục hành chính và gây ách tắc cho việc thực hiện thủ tục hành chính.Ngoài ra, các hiệp hội cũng kiến nghị TPHCM cần công khai, minh bạch các khoản thu, chi, đảm bảo không sử dụng ngân sách thu từ các khoản này vào các hoạt động, các công trình không phục vụ hoạt động vận chuyển, xuất nhập khẩu tại các cảng biển của các doanh nghiệp.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới