Thứ ba, 21/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Trong ‘cơn lốc’ giá dầu thế giới tăng cao, Bộ Công Thương kiến nghị giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường với xăng

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính kiến nghị giảm 2.000 đồng thuế Bảo vệ môi trường với xăng, tức giảm một nửa so với mức thuế bảo vệ môi trường hiện tại đang áp dụng. Đối với dầu diesel là 1.000 đồng/lít; đối với dầu hỏa là 500 đồng/lít.

Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính kiến nghị giảm 2.000 đồng thuế Bảo vệ môi trường với xăng, tức giảm một nửa so với mức thuế bảo vệ môi trường hiện tại đang áp dụng. Ảnh minh họa: Bộ Công Thương

Trả lời Công văn số 2068/BTC-CST ngày 3-3-2022 của Bộ Tài chính về việc lấy ý kiến dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, Bộ Công Thương cơ bản thống nhất với bố cục và sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn.

Về mức giảm đối với thuế bảo vệ môi trường, Bộ Công Thương cho rằng, hiện nay, thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt trước xung đột vũ trang giữa Nga và Ucraina dẫn đến các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU đối với Nga, gây nên thiếu hụt nguồn cung dầu thô, xăng dầu thành phẩm trong khi nhu cầu xăng dầu đang tăng mạnh khi các nước triển khai các biện pháp phục hồi kinh tế.

Giá dầu thô và xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới liên tục tăng cao ảnh hưởng đến giá xăng dầu thành phẩm trong nước và công tác tạo nguồn của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Cụ thể, giá dầu thô trên thị trường thế giới đã lên mức dầu WTI là 125,68 đô la Mỹ/thùng; dầu Brent là 130,53 đô la/thùng (ngày 9-3-2022) và vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp. Giá các mặt hàng thành phẩm xăng dầu đã tăng lên mức 142-158 đô la/thùng (giá ngày 7.3.2022), tăng 51-69 đô la/thùng so với giá ngày đầu tháng 1.2022.

Với mức giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới nêu trên sẽ tác động lớn đến giá xăng dầu thành phẩm trong nước, đẩy giá xăng dầu trong nước đến kỳ điều hành ngày 11.3.2022 có thể tăng 5.000-8.000 đồng/lít/kg tùy loại (tương đương tăng từ 27-44%) so với giá xăng dầu đầu năm 2022, làm ảnh hưởng lớn đến CPI chung của cả nước năm 2022.

Để có dư địa điều hành, bình ổn giá xăng dầu trong nước - trong bối cảnh công cụ Quỹ Bình ổn xăng dầu (BOG) không còn nhiều (số dư Quỹ BOG đang ở mức thấp, hiện còn khoảng 620 tỉ đồng, số dư Quỹ BOG tại nhiều doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đang ở mức âm).

Bộ Công Thương kiến nghị giảm thuế bảo vệ môi trường ở mức cao hơn tại Dự thảo Nghị quyết.

Cụ thể giảm 50% so với mức thuế bảo vệ môi trường hiện tại đang áp dụng đối với các mặt hàng xăng dầu, theo đó, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng (trừ etanol) là 2.000 đồng/lít.

Đối với dầu diesel là 1.000 đồng/lít; đối với dầu hỏa là 500 đồng/lít; đối với dầu mazut là 1.000 đồng/kg; đối với dầu nhờn là 1.000 đồng/lít và đối với mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg.

Đồng thời, Bộ Công Thương thống nhất đối với thời gian có hiệu lực của Nghị quyết.

Gần đây, Bộ Tài chính vừa lấy ý kiến giảm mức thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu. Cụ thể, xăng được đề xuất mức giảm sâu nhất là 1.000 đồng/lít, tức là thuế bảo vệ môi trường đối với xăng còn 3.000 đồng/lít, thay cho mức hiện hành là 4.000 đồng/lít. Các mặt hàng dầu có chung đề xuất với mức giảm là 500 đồng/lít. Thời hạn áp dụng đến hết 31-12 năm nay.

Bộ Tài chính cũng kỳ vọng, Đề án sớm được trình lên Thường vụ Quốc hội, dự kiến là trong khoảng nửa cuối tháng 3 này. Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nếu đề án có hiệu lực từ 1-4-2022 cho hết năm nay, kết hợp giá bán lẻ xăng dầu trong nước ổn định như thời điểm hiện tại trong 9 tháng còn lại, tác động của việc giảm thuế sẽ giúp giảm CPI bình quân năm 2022 khoảng 0,6 – 0,7%. Bên cạnh đó, việc giảm thuế còn giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, cũng như tiết kiệm chi tiêu cho người dân

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đề xuất, để tạo hiệu ứng lan toả hơn, Bộ Tài chính có thể cân nhắc đến phương án giảm thuế mạnh mẽ và linh hoạt hơn.

Đặt trong bối cảnh các doanh nghiệp đã trải qua 2 năm khó khăn vì dịch bệnh, trợ lực về thuế, phí lại càng trở nên quan trọng hơn.

Dù đánh giá đây là đề xuất tích cực nhưng Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng theo phản ánh của các doanh nghiệp, hiệp hội thì việc giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu cần mạnh mẽ hơn. Đại diện VCCI kiến nghị mức giảm mạnh mẽ hơn: 2.000 đồng/lít đối với xăng và 1.000 đồng/lít đối với dầu.

Trước bối cảnh giá dầu thế giới gần mốc 140 đô la Mỹ/thùng, các doanh nghiệp và giới phân tích cho rằng nếu không có công cụ can thiệp như giảm thuế và phí, khả năng giá xăng dầu trong nước có thể điều chỉnh vào ngày 11-3 lên đến 30.000 đồng/lít.

3 BÌNH LUẬN

  1. Phản ứng quá yếu. May mắn thay, đây là lúc chúng ta không thiếu cơm ăn áo mặc, thiếu thốn xăng dầu như thời bao cấp. Nhưng chỉ thiếu cách thức tạo lòng tin cho công chúng. Tốt nhất tạm hoãn thuế môi trường/ Bãi bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt/ Giảm VAT xuống 8% cho tương đồng với hàng hóa dịch vụ thông thường khác. Như vậy dư địa điều hành chính sách sẽ thông thoáng hơn. Quan trọng hơn là không kích hoạt tâm lý kỳ vọng lạm phát đang quá cao, lạm phát sẽ phá hủy thất cả, bởi cả thế giới hiện nay đang tập trung vào giá xăng dầu hàng ngày hàng giờ.

    • Mình nghĩ khó đấy bạn. Đặc biệt là bãi bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt, và Giảm VAT xuống 8% vì h chính phủ đã dùng bao tiền để kích thích kinh tế + hỗ trợ đợt covid vừa rồi rồi. Chắc chắn âm 1 con số khủng khiếp, gánh nặng nên nợ công quốc gia. H để tạm gọi là giúp ng dân CP mới có đề xuất như thế này. Nhưng đến hết năm nay thôi, vì để lâu dài dễ ảnh hưởng đến thu chi ngân sách. Nên cũng khó. Và giờ cũng còn quan sát xem Mỹ, với eu, Nga như nào đã + Fed sắp họp rồi dần dần mới dám đưa ra các biện pháp dần chứ 1 cái luôn nó cũng khó có hiệu quả và đôi khi cũng khá nguy hiểm do tình hình bây giờ cũng khá ban căng. Mình nghĩ vậy.

  2. Tất nhiên chỉ là giải pháp ngắn hạn để vượt qua cú sốc toàn cầu. Nhưng rõ ràng liều lượng phải đủ và đúng thì mới có tác dụng. Cả thế giới đang bội chi ngân sách chứ không riêng gì ta, nhưng ta vẫn còn trong mức an toàn cao so với thiên hạ vì lúc nào cũng mạnh thu nhưng rất yếu chi và quan trọng là phải biết chi đúng lúc.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới