Thứ ba, 7/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Dịch vụ đổi pin cạnh tranh sạc siêu nhanh trên thị trường xe điện

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Hiện có đến 70 mẫu xe điện mới ra mắt trên toàn cầu trong năm nay. Ngoài sự phân vân vì xe điện có quá nhiều màu sắc và kiểu dáng khác nhau để lựa chọn, câu hỏi lớn đối với khách hàng là nên mua xe cung cấp dịch vụ đổi pin hay xe có bộ pin sạc siêu nhanh.

Hãng xe điện Nio tiên phong triển khai trạm đổi pin tự động ở Trung Quốc, trong khi đó, Tesla đang sở hữu và vận hành hơn 30.000 trạm sạc siêu nhanh trên toàn cầu. Ảnh: The Glitch Tech.

Dịch vụ đơn giản nhưng triển khai đại trà không dễ

Gần một thập niên trước, Elon Musk, Giám đốc điều hành của hãng xe điện Tesla (Mỹ), công bố dịch vụ hoán đổi pin cho các xe điện của Tesla. Ông gọi đây là giải pháp nền tảng để xóa bỏ sự lo lắng của người tiêu dùng về phạm vi hoạt động của xe điện.

Bản chất dịch vụ đổi pin khá đơn giản, giống như thay pin cho xe đồ chơi trẻ em: Một chiếc xe điện lái vào một trạm tự động, nơi bộ pin cạn điện được thay thế bằng pin sạc đầy chỉ trong một phút.

Công ty CATL của Trung Quốc, nhà sản xuất pin xe điện lớn nhất thế giới, đã bắt đầu triển khai dịch vụ đổi pin trong năm nay, cho phép tài xế thay pin trong vòng 1 phút nhưng đây không phải là một chiến lược dễ dàng thực hiện.

Mọi thứ liên quan đến dịch vụ đổi pin đều cần nhiều vốn. Thiết lập các trạm đổi pin và dự trữ khối lượng lớn pin dự phòng, trong bối cảnh giá nguyên liệu sản xuất pin tăng lên các mức kỷ lục, là một thách thức lớn.

Bên cạnh đó, các trạm đổi pin ngày càng phải dự trữ ngày càng nhiều loại pin để phù hợp với tốc độ đổi mới nhanh chóng của công nghệ xe điện.

Hãng xe điện Nio (Trung Quốc) đã cung cấp dịch vụ đổi trong tám năm qua nhưng suốt thời gian đó, biên lợi nhuận hoạt động của hãng xe này luôn ở mức âm. Tính đến tháng 2-2022, Nio có hơn 800 trạm đổi pin tự động trên khắp Trung Quốc, giúp tài xế đổi pin trong vòng 3 phút.

Những khách hàng chọn thuê bao pin của Nio sẽ trả phí mỗi tháng khoảng 150 đô la và dĩ nhiên, giá mua xe của họ cũng giảm đáng kể do xe bán không kèm pin. Đến cuối năm nay, số lượng trạm đổi pin của Nio dự kiến lên con số 1.300. Nio cũng đã khai trương trạm đổi pin đầu tiên ở châu Âu.

Ra mắt dịch vụ đổi pin vào năm 2014 nhưng Tesla đã phải dừng dịch vụ này vào năm sau đó một phần là do phí mỗi lần đổi pin quá cao, từ 60-80 đô la. Công ty khởi nghiệp Better Place của Mỹ, nhà cung cấp dịch vụ hoán đổi pin cho hãng xe Renault ở Israel và Đan Mạch, đã phá sản vào năm 2013. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng thất bại của công ty này là do triển khai ý tưởng quá sớm khi doanh số xe điện trên thị trường vẫn còn thấp.

Tài xế của những xe điện có dịch vụ đổi pin có thể gặp một số vấn đề, chẳng hạn, các trạm hết pin để đổi hoặc họ phải xếp hàng dài chờ đổi pin trong giờ cao điểm.

Tesla có thể dẹp bỏ dịch vụ đổi pin vì đã phát triển mạng lưới trạm sạc siêu nhanh Supercharger độc quyền của mình, cho phép xe điện của Tesla có thể vận hành trong phạm vi đến 320 km chỉ với một lần sạc kéo dài 15 phút.

Tuy nhiên, nguồn cung trạm sạc nhanh trên toàn cầu của các đối thủ khác của Tesla vẫn còn thưa thớt. Chi phí để thiết lập cơ sở hạ tầng này rất tốn kém. Các nhà phân tích ước tính chi phí xây dựng một trạm sạc Tesla Supercharger tốn hơn 100.000 đô la Mỹ và Tesla đang sở hữu và vận hành hơn 30.000 trạm sạc như vậy khắp thế giới.

Đối với các hãng xe khác, chi phí để lắp đặt đủ bộ trạm sạc nhanh trên khắp thế giới sẽ một con số khổng lồ khi tốc độ ra mắt và doanh số các mẫu xe điện mới của họ gia tăng nhanh chóng.

Đổi pin xe điện tại trạm dịch vụ của Nio ở Thượng Hải. Ảnh: Bloomberg

Pin xe điện hướng tới chuẩn hoá để tăng tiện lợi cho khách hàng

Nếu dịch vụ đổi pin trở thành một giải pháp thay thế được sử dụng rộng rãi thay cho dịch vụ sạc nhanh, thì việc tiêu chuẩn hóa pin để tạo điều kiện cho việc hoán đổi tự động chắc chắn sẽ là vấn đề quan trọng.

Vấn đề là việc tiêu chuẩn hóa pin có thể phải trả giá bằng lợi thế cạnh tranh của các hãng xe vì pin cần được thiết kế đặc biệt cho từng mẫu xe điện để nâng cao hiệu suất và giảm chi phí. Dù thế nào đi nữa, cuộc cạnh tranh giữa xe điện có dịch vụ đổi pin và xe điện sạc pin nhanh sẽ diễn ra.

Lúc đó, xung lực tăng trưởng và khối lượng tới hạn (critical mass, khái niệm ám chỉ một công ty đã phát triển đến giai đoạn có thể sử dụng lợi nhuận để duy trì và phát triển kinh doanh, chứ không cần đầu tư thêm) sẽ trở thành yếu tố quan trọng trong việc lựa chọn mô hình dịch vụ đổi pin hay sạc nhanh.

Các công ty hoán đổi pin của Trung Quốc dường như đang có lợi thế về khối lượng tới hạn. Doanh số xe điện ở nước đông dân nhất thế giới cao gấp 5 lần so với Mỹ, thị trường lớn thứ ba thế giới, sau Trung Quốc và Liên minh châu Âu.

Hãng Nio sẽ tăng gấp đôi số trạm đổi pin tự động trong năm nay. Hãng xe Geely, đối thủ nội địa của Nio, cũng có kế hoạch bổ sung 5.000 trạm đổi pin.

Chiến thắng trong cuộc đặt cược tiêu chuẩn hóa pin đồng nghĩa với việc chi tiêu đầu tư một khoản tiền lớn. Nio nắm giữ hơn 1.200 bằng sáng chế cho các công nghệ hoán đổi pin và bộ pin tiêu chuẩn hóa của công ty này.

Những công ty tiên phong một ngày nào đó có thể kiếm thêm phí bản quyền trên mỗi bộ pin tiêu chuẩn được bán ra, trong khi đó, các đối thủ nhỏ hơn sẽ trả tiền để được quyền sử dụng các trạm đổi pin tự động của họ.

Rủi ro đối với các hãng xe điện kinh doanh theo mô hình dịch vụ đổi pin là là pin thay thế trở nên lỗi thời khi công nghệ được cải thiện.

Theo Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới