Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Ngân sách thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng vì hành vi “bán rẻ” đất công

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định cựu lãnh đạo Tổng công ty Sản xuất - xuất nhập khẩu tỉnh Bình Dương (Tổng công ty 3-2) và các đồng phạm đã đưa khu đất 145 ha vào diện góp vốn với doanh nghiệp khác mà không tiến hành định giá, không đưa vào xác định giá trị doanh nghiệp, gây thất thoát tài sản nhà nước với số tiền hơn 1.648 tỉ đồng.

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ban hành kết luận điều tra bổ sung lần 2 vụ án bán rẻ 43 ha đất vàng của Tổng công ty Sản xuất - xuất nhập khẩu tỉnh Bình Dương (Tổng công ty 3-2) ngày 10-3.

Bên ngoài khu đất công với diện tích 43 ha thuộc dự án khu đô thị -thương mại - dịch vụ Tân Phú tại phường Hòa Phú, thành phố Thủ Dầu Một. Ảnh: TTXVN.

Kết luận của cơ quan điều tra cho biết khu đất 43 ha tại phường Hòa Phú, thành phố Thủ Dầu Một được UBND tỉnh Bình Dương giao cho Tổng công ty 3-2 quản lý và sử dụng để làm dự án. Năm 2010, Tổng công ty 3-2 liên kết với Công ty bất động sản Âu Lạc thành lập liên doanh mới là Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Tân Phú để xây dựng dự án.

Cơ quan điều tra xác định, ông Nguyễn Văn Minh - cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT), Tổng giám đốc Tổng công ty 3-2 - cùng con rể Nguyễn Đại Dương và các đồng phạm đã cố ý làm trái nội dung phê duyệt của Tỉnh ủy, nhằm chuyển nhượng đất đai trái pháp luật cho Công ty Âu Lạc do Nguyễn Đại Dương thành lập, điều hành. Theo đó, các cá nhân này không thực hiện định giá khi tiến hành chuyển nhượng khu đất 43 ha cho Công ty Tân Phú.

Thực tế, giá trị quyền sử dụng khu đất này tại thời điểm chuyển nhượng là hơn 552 tỉ đồng, trong khi giá chuyển nhượng chỉ hơn 250 tỉ đồng. Điều này khiến ngân sách nhà nước thất thoát gần 202 tỉ đồng.

Về trách nhiệm của cán bộ quản lý, cơ quan điều tra cho biết ông Trần Văn Nam - thời điểm đó là Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương – nhận thức được việc Cục Thuế tỉnh Bình Dương đề xuất áp giá đất quy định năm 2006 để tính tiền sử dụng đất giao cho Tổng công ty 3-2 vào năm 2012 là trái quy định. Nhưng ông này vẫn quyết định cho thực hiện, gây thất thoát ngân sách nhà nước hàng trăm tỉ đồng.

Cơ quan điều tra cũng cho rằng ông Nam hoàn toàn có thể ra quyết định buộc Tổng công ty 3-2 khắc phục hậu quả và thực hiện đúng quy định sau khi có sai phạm về chuyển nhượng khu đất 43 ha. Nhưng ông này đã cố ý cho Tổng công ty 3-2 tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm pháp luật tiếp theo, không yêu cầu đưa khu đất 43 ha về Công ty Impco theo đúng phương án sử dụng đất đã được phê duyệt do động cơ cá nhân.

Để che giấu sai phạm, ông Nam đã chỉ đạo cấp dưới điều chỉnh các công văn, làm sai lệch bản chất nội dung công văn liên quan khu đất.

Những hành vi của ông Nam, theo cơ quan điều tra, là đặc biệt nghiêm trọng vì là người có chức vụ cao nhất và lợi dụng chức vụ quyền hạn để phạm tội. Ngoài ra, ông Nam có trách nhiệm liên đới gây thiệt hại cho Nhà nước gần 202 tỉ đồng.

Với khu đất 145 ha, cơ quan điều tra cho rằng ông Nguyễn Văn Minh đã không đưa khu đất vào tài sản để xác định giá trị doanh nghiệp mà thực hiện đưa khu đất trên vào góp vốn tại Công ty Tân Thành với giá trị thấp.

Đáng lưu ý, khu đất này có nhà đầu tư Hàn Quốc góp 83 tỉ đồng. Nhưng ông Minh chỉ đạo 2 công ty “sân sau” là Công ty Hưng Vượng và Công ty Phát Triển thay thế nhà đầu tư Hàn Quốc tiếp tục góp vốn vào Công ty Tân Thành để thực hiện dự án trên năm 2011.

Sau khi hoàn tất thủ tục nhận chuyển nhượng quyền sử dụng khu đất 145 ha và nhận vốn góp bằng giá trị quyền sử dụng đất của Tổng công ty 3-2, ông Minh tiếp tục chỉ đạo các cổ đông Công ty Tân Thành góp phần vốn còn thiếu theo nghĩa vụ.

Vào thời điểm này, cá nhân ông Nguyễn Văn Minh, ông Trần Nguyên Vũ và ông Huỳnh Thanh Hải còn nợ tạm ứng công ty.

Để tạo điều kiện cho 2 công ty “sân sau” và bản thân các đồng phạm có nguồn tài chính thanh toán các khoản nợ, ông Minh đã quyết định chủ trương để Tổng công ty 3-2 nhận chuyển nhượng 19% cổ phần Công ty Tân Thành.

Thực hiện chủ trương trên, ông Trần Nguyên Vũ – đại diện Tổng công ty 3-2 ký hợp đồng với Công ty Thẩm định giá Hoàng Quân, xác định giá cổ phần của Công ty Tân Thành làm cơ sở chuyển nhượng.

Theo chứng thư thẩm định giá ngày 10-11-2018, giá trị khu đất trên là 5.403 tỉ đồng, giá trị công trình xây dựng, máy móc thiết bị là 340 tỉ đồng. Với cơ sở này, ông Trần Nguyên Vũ tính toán giá trị 1 cổ phần là 119.678 đồng.

Ngày 26-11-2018, ông Nguyễn Văn Minh tổ chức cuộc họp ba bên gồm Tổng công ty 3-2, Công ty Hưng Vượng và Công ty Tân Thành để thống nhất việc Tổng công ty 3-2 mua lại 19% vốn của Công ty Tân Thành - tương ứng 9.120.000 cổ phần - với giá chuyển nhượng 105.737 đồng một cổ phần.

Như vậy, tổng số tiền chuyển nhượng là 964,3 tỉ đồng.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Minh và bà Nguyễn Thục Anh có quan hệ bố - con, còn ông Võ Hồng Cường - thành viên HĐQT Tổng công ty 3-2 và bà Trần Đình Như Ý là vợ chồng nên bị pháp luật cấm chuyển nhượng trực tiếp cổ phần.

Vì vậy, ông Minh đã nhờ trung gian là ông Đặng Công Thanh ký hợp đồng chuyển nhượng. Ông Thanh đã đứng tên 7,2 triệu cổ phần từ bà Thục Anh và bà Như Ý để bán lại cổ phần cho Tổng công ty 3-2 với giá 761 tỉ đồng.

Với hành vi chuyển nhượng 19% cổ phần của các cá nhân liên quan, cơ quan điều gia xác định so với giá trị khu đất trên sổ sách – khoảng 443 tỉ đồng, tương ứng 16.315 đồng mỗi cổ phần, giá trị cổ phần khi chuyển nhượng chênh lệch tới 89.422 đồng mỗi cổ phần. Như vậy, cá cá nhân tham gia chuyển nhượng đã chiếm đoạt số tiền 815 tỉ đồng của Tổng công ty 3-2.

Cụ thể, bà Thục Anh chiếm hưởng 209 tỉ đồng, bà Như Ý chiếm hưởng 201 tỉ đồng.

Về trách nhiệm của cán bộ quản lý, cơ quan điều tra cho rằng ông Trần Thanh Liêm - cựu Chủ tịch tỉnh - biết doanh nghiệp đã chuyển nhượng đất trái quy định nhưng vẫn đồng ý, tạo điều kiện cho ông Nguyễn Văn Minh và đồng phạm hoàn thành việc chuyển dịch tài sản nhà nước sang tư nhân, gây thiệt hại gần 202 tỉ đồng.

Cơ quan điều tra cũng xác định ông Liêm biết khu đất 145 ha đã được Tổng công ty 3-2 đưa vào góp vốn tại Công ty Tân Thành, tuy nhiên ông ban hành quyết định đưa khu đất vào mục tài sản chờ thanh lý trái với quy định của pháp luật.

Hành vi này đã gây thiệt hại hơn 1.648 tỉ đồng.

3 BÌNH LUẬN

  1. Vấn đề sâu xa hơn nằm ở chỗ nào ? Cơ chế hay con người ? Nguyên nhân gì dẫn đến tình trạng xâu xé đất công phổ biến và tràn lan như vậy ? Cần phải mổ xẻ và làm quyết liệt đến nơi đến chốn.

  2. Câu chuyện dài kỳ này nếu không xử được thì làm sao nói đến chuyện áp thuế má tài sản đất đai được ? Muốn đánh thuế thì phải xác định đích danh người chủ tài sản là ai, chịu trách nhiệm đến mức độ nào, có minh bạch công khai không, nguyên tắc công bằng xã hội ở đâu … Hàng loạt vấn đề nóng cần phải làm rõ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới