(KTSG) - Dù kịch bản thời gian tới là một đà tăng mới hay sẽ rơi vào nhịp giảm kéo dài, thì việc thận trọng với giá vàng là điều cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh giá vàng trong nước đang ở mức rất cao so với giá vàng thế giới và nền tảng vĩ mô Việt Nam tương đối ổn định so với thế giới.
Giá vàng đã tăng mạnh mẽ kể từ khi chiến sự tại Ukraine nổ ra, lặp lại đỉnh lịch sử được thiết lập vào tháng 8-2020 ở vùng 2.060 đô la Mỹ/ounce. Tuy nhiên, sau đó giá vàng thế giới đã giảm về vùng 1.990 đô la Mỹ/ounce. Diễn biến này có thể coi là nhịp bán chốt lời trong khi giá vàng đã tăng và phản ánh tình hình chiến sự trong một thời gian tương đối dài.
Nhìn nhận lại đà tăng giá vàng thời gian qua
Vàng luôn là hầm trú ẩn an toàn trong mọi biến cố chính trị, quân sự thế giới.
Vàng đã bật tăng kể từ nửa cuối tháng 2 khi Nga dần có động thái về quân sự tại Ukraine. Cụ thể, giá vàng đã tăng từ vùng 1.855 đô/ounce lên tới đỉnh lịch sử thiết lập vào hồi tháng 8-2020, ở vùng 2.060 đô/ounce; tương đương mức tăng 11% chỉ trong vòng một tháng. Trong cùng khoảng thời gian so sánh, giá vàng SJC trong nước cũng tăng khoảng 14-16,8% lần lượt ở chiều mua và bán ra, mức tăng cao hơn rất nhiều so với thế giới.
Khoảng chênh giữa giá mua và bán ra có chiều hướng tăng do nhu cầu mua nhiều hơn. Giá vàng thế giới có dấu hiệu giảm và đóng cửa ngày 11-3-2022 tại quanh vùng 1.990 đô/ounce; trong khi giá vàng SJC đóng cửa ngày 11-3 ở mức 68,45 triệu đồng mua vào và 70,27 triệu đồng bán ra; cao hơn nhiều so với giá vàng thế giới.
Kịch bản nào cho giá vàng trong thời gian tới?
Giá vàng hiện tại sẽ phụ thuộc rất lớn vào diễn biến chiến sự tại Ukraine. Căng thẳng Nga - Ukraine có thể ảnh hưởng tới giá vàng theo ba góc độ:
Thứ nhất, như đã phân tích ở trên thì vàng luôn là hầm trú ẩn trong giai đoạn bất ổn chính trị, quân sự. Để đạt được thỏa thuận ngừng chiến không phải dễ dàng ở thời điểm này, bởi mâu thuẫn giữa Nga - Ukraine, hay giữa Nga và Mỹ và đồng minh NATO hay EU đều đã “nhen nhóm” từ nhiều năm trước và không dễ để thỏa mãn mục tiêu giữa hai bên, đặc biệt Tổng thống Nga Putin luôn bày tỏ lập trường cứng rắn trong yêu sách với Ukraine. Và cho dù có đạt được thỏa thuận về ngừng chiến thì những lệnh trừng phạt nhiều khả năng vẫn được duy trì không chỉ trong ngắn hạn.
Thứ hai, căng thẳng Nga - Ukraine đang làm gián đoạn nguồn cung ứng dầu cho toàn thế giới, đẩy lạm phát lên cao. Ngày 8-3 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu dầu và khí đốt từ Nga. Trong khi đó, các quốc gia EU là thị trường nhập khẩu dầu chính của Nga cũng đang lên kế hoạch giảm dần nhập khẩu dầu từ quốc gia này. Nguồn cung khí đốt của một số nước như Áo, Phần Lan, Litva phụ thuộc hoàn toàn vào Nga. Các nước còn lại cũng có mức phụ thuộc đáng kể như Ý (40%), Đức (gần 60%), Ba Lan (hơn 70%) hay Slovakia (gần 90%)…, cho thấy thị trường EU vẫn phụ thuộc khá nhiều vào nguồn cung ứng từ Nga. Việc dần từ bỏ nhập khẩu dầu và khí đốt từ Nga sẽ không thể diễn ra một sớm một chiều và đây chính là yếu tố sẽ khiến giá dầu và khí đốt thế giới khó giảm. Điều này sẽ khiến lạm phát trong khối EU tăng cao trong năm nay và là một trong những nguyên nhân tiềm tàng thúc đẩy dòng tiền đổ vào tài sản an toàn như vàng hay đô la Mỹ.
Nhìn chung biểu đồ nến tuần cho thấy xu hướng giảm vẫn còn, song đồ thị nến ngày lại ủng hộ cho một xu hướng tăng. Sự khác biệt về tín hiệu này có thể thúc đẩy giá vàng vào một vùng đi ngang…
Thứ ba là căng thẳng tại Ukraine sẽ làm chậm đà phục hồi kinh tế toàn cầu, cũng chậm lại đà thắt chặt tiền tệ, giảm những áp lực cho giá vàng. Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) - Jerome Powell - vừa qua đã thông báo rằng Fed sẽ chỉ tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm vào cuộc họp FOMC tháng 3, thay vì 0,5 điểm phần trăm như thị trường đã kỳ vọng trước đó, do căng thẳng chiến sự tại Ukraine đang đe dọa triển vọng phục hồi kinh tế Mỹ.
Kinh tế thế giới đang dần hồi phục trong thời kỳ hậu đại dịch Covid-19, song chiến sự tại Ukraine đang đặt ra nhiều thách thức mới cho dòng chảy thương mại toàn cầu và tăng trưởng toàn cầu. Lạm phát leo thang dưới áp lực từ giá năng lượng toàn cầu tăng sẽ càng đè nặng lên tăng trưởng. Và vì thế mà đà thắt chặt tiền tệ có thể trễ hơn so với dự kiến.
Tựu trung lại, chiến sự Nga - Ukraine và các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga cũng như sự trả đũa của Nga sẽ là nguồn cơn của lạm phát, chu kỳ thắt chặt tiền tệ toàn cầu và là nguyên nhân trọng yếu của giá vàng. Trong ngắn hạn, nhiều khả năng bất ổn Nga - Ukraine sẽ vẫn tiếp diễn, đồng nghĩa sẽ là dư địa để vàng tăng giá.
Dưới góc độ phân tích kỹ thuật
Dưới góc độ phân tích kỹ thuật, biểu đồ nến ngày (D1) đang cho thấy giá vàng giảm về vùng Fibonacci 23,6 ở quanh vùng giá 1.985-1.990 đô/ounce, đóng cửa và nằm trên vùng 23,6 này. Hơn nữa, đóng cửa D1 là một cây nến đỏ rút chân đi lên (hay còn gọi là Pin bar) cho thấy nhu cầu mua lại sau đà giảm mạnh, thể hiện lực cầu bắt đáy khá mạnh. Biểu đồ nến ngày dường như đang ủng hộ xu hướng tăng sau khi có lực cầu bắt đáy tại vùng 1.985-1.990 đô/ounce và có biểu đồ giá đang ở vùng hỗ trợ tại mức Fibonacci 23,6.
Tuy nhiên ở biểu đồ nến tuần (W), thì nến tuần từ 7 đến 11-3 vừa qua đóng cửa là thanh nến xanh rút chân đi xuống. Giá vàng sau khi chạm mốc đỉnh lịch sử tại vùng 2.060 đô/ounce thiết lập vào tháng 8-2020 (giai đoạn chiến tranh thương mại Mỹ - Trung căng thẳng đỉnh điểm) thì đã có đà bán chốt lời, đẩy giá vàng đi xuống và đóng cửa ở quanh vùng 1.985-1.990 đô/ounce. Nhìn chung biểu đồ nến tuần cho thấy xu hướng giảm vẫn còn, song đồ thị nến ngày lại ủng hộ cho một xu hướng tăng.
Sự khác biệt về tín hiệu này có thể thúc đẩy giá vàng vào một vùng đi ngang, thể hiện sự lưỡng lự của thị trường và chờ đợi vào những tín hiệu mới từ chiến sự Ukraine. Việc đầu tư vàng ở thời điểm hiện tại cũng vì thế tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là sau khi giá vàng đã tăng nóng trong những tuần vừa qua. Một tin tức tốt về chiến sự có thể kéo giá vàng giảm về vùng hỗ trợ tại mức Fibonacci 38,2 hay 50; nghĩa là có thể giảm về vùng giá 1.918-1.949 đô/ounce.
Giá vàng trong nước nhìn chung chuyển động theo diễn biến giá vàng thế giới. Thị trường vàng Việt Nam không liên thông với thị trường vàng thế giới, do đó có chênh lệch giữa giá vàng tại hai thị trường: trong nước và quốc tế. Những ngày vừa qua, giá vàng trong nước có diễn biến tăng nóng hơn rất nhiều so với giá vàng thế giới. Điều này có thể do nguồn cung vàng trong nước hạn chế, trong khi nhu cầu đầu cơ ở mức cao theo kỳ vọng tăng giá vàng thế giới, sau căng thẳng Nga - Ukraine.
Vì vậy, việc đầu tư vàng ở thị trường trong nước hiện nay tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đặc biệt, bối cảnh vĩ mô ở Việt Nam hiện tại đang tương đối ổn định so với thế giới, như Mỹ hay khu vực EU, nên kênh đầu tư vàng sẽ ẩn chứa rủi ro cao hơn các kênh đầu tư trong nước khác như bất động sản, cổ phiếu hay các lớp tài sản thu nhập cố định như tiền gửi, trái phiếu. Vì vậy, việc đầu tư vàng cần rất thận trọng trong thời gian tới, đặc biệt khi tình hình chiến sự Ukraine đã phản ánh tương đối nhiều vào đà tăng mạnh giá vàng trong thời gian qua.