Thứ năm, 6/02/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Trong cơn khát dầu: Làm việc ở nhà, lái xe chậm hơn!

Lạc Diệp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Tăng cường làm việc tại nhà, đẩy mạnh sử dụng phương tiện giao thông công cộng hay lái xe chậm hơn… Đó là những cách thức mà Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) khuyến cáo các quốc gia áp dụng trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với cơn khát dầu trầm trọng.

Cơ quan Năng lượng quốc tế IEA cảnh báo, kể từ tháng tới, thị trường năng lượng toàn cầu có thể sẽ thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung dầu từ Nga. Trong bối cảnh đó, việc các nước thành viên IEA, bao gồm những nước tiêu thụ nhiều năng lượng nhất thế giới như Mỹ, Nhật Bản và Đức, áp dụng “các biện pháp khẩn cấp” để cắt giảm nhu cầu tiêu thụ dầu là điều hết sức cần thiết.

Theo ông Fatih Birol - Giám đốc điều hành IEA thì thị trường dầu đang trong tình trạng khẩn cấp và mọi thứ có thể trở nên tồi tệ hơn. Ông cho biết, hoạt động xuất khẩu dầu từ Nga có thể bị sụt giảm 2,5 triệu thùng dầu/ngày kể từ tháng tới do tác động từ cuộc chiến tại Ukraine và việc nhiều khách hàng không còn lựa chọn nguồn cung này.

Do vậy, IEA đã đề xuất 10 biện pháp để cắt giảm nhu cầu dầu, và khẳng định gói biện pháp sẽ giúp cân bằng sự thiếu hụt nguồn cung từ Nga. Các biện pháp được đề xuất bao gồm giảm giới hạn tốc độ trên đường cao tốc ít nhất 10 ki lô mét/giờ, qua đó giúp tiết kiệm 430.000 thùng dầu/ngày. Việc di chuyển bằng tàu hỏa thay vì máy bay cũng được khuyến khích. IEA cũng kêu gọi áp dụng biện pháp làm việc tại nhà ba ngày một tuần để cắt giảm nhu cầu dầu, đồng thời giảm giá hoặc thậm chí miễn phí đối với các phương tiện giao thông công cộng. Các đề xuất cũng bao gồm cả việc cấm hoạt động di chuyển bằng ô tô cá nhân tại các thành phố lớn trong ngày Chủ nhật.

IEA nhận định, nếu các nền kinh tế tiên tiến đưa cả 10 biện pháp được khuyến nghị vào thực hiện, thế giới có thể cắt giảm nhu cầu dầu khoảng 2,7 triệu thùng/ngày trong vòng bốn tháng tới. Hiệu quả sẽ còn lớn hơn nữa, nếu các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc hay Ấn Độ cũng áp dụng một phần gói biện pháp này.

Theo các chuyên gia, những đề xuất của IEA phản ánh một thực tế là thế giới có rất ít sự lựa chọn khả thi để nhanh chóng thay thế nguồn cung năng lượng từ Nga, nhà sản xuất dầu số hai thế giới trong năm 2021. Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ thuộc OPEC trước đã phát đi tín hiệu, sẽ không tăng sản lượng để giúp ổn định thị trường. Ông Bob McNally - Chủ tịch công ty tư vấn Rapidan Energy nhận định: “Mỹ và các quốc gia IEA khác nhận ra rằng, sự mất đi nguồn cung dầu từ Nga không thể được bù đắp bởi việc xả kho dự trữ chiến lược hay yêu cầu OPEC+ gia tăng sản lượng”.

Tính khả thi của các biện pháp cắt giảm nhu cầu dầu

Theo Washington Post, một số biện pháp mà IEA đưa ra, trên thực tế đã được áp dụng trong quá khứ, và mang lại những kết quả tích cực. Ví dụ như việc giảm giới hạn tốc độ trên đường cao tốc đã được Mỹ và nhiều nước châu Âu đưa ra trong cuộc khủng hoảng dầu mỏ hồi thập niên 1970. Nhiều biện pháp giới hạn tốc độ hiện vẫn đang được áp dụng để giảm tắc nghẽn hoặc ô nhiễm không khí. Việc chia sẻ xe cũng trở nên thuận lợi hơn so với trong quá khứ khi các ứng dụng điện thoại cung cấp dịch vụ đang ngày càng trở nên phổ biến.

Tuy nhiên, các giải pháp này cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Những lo ngại về dịch Covid-19 kéo dài, đang ảnh hưởng lớn đến mức độ sẵn sàng sử dụng dịch vụ chia sẻ xe hay phương tiện giao thông công cộng của nhiều người dân. Bằng chứng là việc số lượng hành khách sử dụng mạng lưới tàu điện ngầm ở hầu hết các thành phố lớn vẫn thấp hơn đáng kể so với thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Đại dịch Covid-19 đã khiến xu hướng làm việc tại nhà và tránh đi công tác bằng máy bay trở thành những ý tưởng đầy hứa hẹn để cắt giảm nhu cầu sử dụng nhiên liệu. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, mức độ hiệu quả sẽ không phải là quá lớn, bởi kể từ khi đại dịch bùng phát, nhiều công ty đã, đang và sẽ tiếp tục cho phép nhân viên đi làm từ xa một phần thời gian trong tuần. Còn nếu các doanh nghiệp ít cho nhân viên đi công tác bằng máy bay hơn, kết quả đạt được, rất có thể sẽ chỉ là những chuyến bay ít khách hơn, thay vì số lượng chuyến bay giảm xuống.

Bên cạnh đó, một vấn đề quan trọng hơn cả, là các biện pháp khẩn cấp này sẽ làm gián đoạn hoặc thậm chí cản trở đà tăng trưởng của nền kinh tế thế giới vốn đang phụ thuộc rất nhiều vào nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là trong hoạt động giao thông vận tải - mạch máu của nền kinh tế. “Thế giới có thể sẽ phải đối mặt với cú sốc nguồn cung dầu lớn nhất trong nhiều thập kỷ, gây ra tác động lớn tới cả nền kinh tế và xã hội”, ông Fatih Birol - Giám đốc điều hành IEA nhận định.

Châu Âu ủng hộ, Mỹ dè dặt

Đề xuất của IEA bước đầu nhận được những phản hồi tích cực từ châu Âu, nơi giới lãnh đạo cũng đang khuyến khích người dân tiết kiệm năng lượng. Bà Barbara Pompili, Bộ trưởng Bộ chuyển đổi sinh thái của Pháp, cho biết kế hoạch cắt giảm tiêu thụ của IEA đưa ra “những ý tưởng thú vị” có thể là lộ trình để các quốc gia giảm dần sự phụ thuộc vào dầu mỏ. “Pháp và tất cả các nước châu Âu phải thoát khỏi sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch càng sớm càng tốt. Đây là một điều cần thiết tuyệt đối đối với khí hậu, và cả chủ quyền về năng lượng”.

“Mọi người đều có thể làm điều gì đó”, bà Ursula von der Leyen - Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) cho biết trong một cuộc họp báo những tuần gần đây. “Việc giảm mức tiêu thụ năng lượng của mỗi cá nhân, khi được thực hiện bởi 450 triệu người dân châu Âu, sẽ tạo ra hiệu quả to lớn”.

Tuy nhiên, thông điệp này lại không nhận được nhiều sự hưởng ứng tại Mỹ - quốc gia sản xuất dầu lớn nhất thế giới, nơi các doanh nghiệp đang hưởng lợi lớn từ việc khai thác năng lượng hóa thạch. Thay vào đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden lại thúc giục các công ty dầu mỏ cần đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng nhu cầu.

Một phát ngôn viên của Nhà Trắng đã từ chối bình luận về việc liệu Tổng thống Joe Biden có định kêu gọi người dân Mỹ tiết kiệm năng lượng hay không. Theo tiến sĩ Lee M.Miringoff - Giám đốc Viện nghiên cứu dư luận tại Đại học Marist, ông Biden sẽ phải đối mặt với phản ứng dữ dội, nếu ông kêu gọi người dân Mỹ tiết kiệm năng lượng, trong bối cảnh nền kinh tế chỉ vừa mới phục hồi sau đại dịch Covid-19.

“Thông điệp về sự hy sinh, buộc mỗi cá nhân phải thay đổi thói quen hàng ngày của họ, sẽ là vấn đề mà Nhà Trắng không muốn đưa ra vào thời điểm hiện tại”. Tiến sĩ Miringoff cũng nhận định, trong bối cảnh cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ đang tới gần, và đảng Cộng hòa đang lấy việc giá nhiên liệu tăng cao để công kích các chính sách của chính quyền đảng Dân chủ, rõ ràng việc yêu cầu người dân tiết kiệm năng lượng không phải là một sách lược có thể mang lại chiến thắng.

Đối với nhiều đảng viên Dân chủ, cuộc bầu cử Tổng thống năm 1980 là một ví dụ mang tính cảnh báo. Tổng thống Mỹ khi đó là Jimmy Carter đã mặc áo len và kêu gọi người Mỹ theo gương ông, giảm nhiệt độ máy sưởi, để ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng trong thập niên 1970. Nhà lãnh đạo Mỹ rốt cuộc đã thất bại trong cuộc bầu cử, còn quyền kiểm soát Thượng viện cũng rơi vào tay đảng Cộng hòa. “Điều đó là một cú sốc lớn đối với hệ thống chính trị”, ông Jay Hakes - người điều hành Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dưới thời Tổng thống Bill Clinton cho biết. “Dĩ nhiên, ông Biden hiểu rõ những gì đã xảy ra vào thời điểm đó”.

Chia sẻ quan điểm trên, Kathleen Sgamma - Chủ tịch Liên minh Năng lượng phương Tây, đại diện cho các công ty trong ngành dầu khí, cũng nhận xét: “Chúng tôi không bao giờ muốn mọi người lãng phí năng lượng. Tuy nhiên, liệu bạn có thể nói với người dân Mỹ rằng, họ không thể lái xe đi học, đi làm, và không được sưởi ấm trong căn nhà của họ không trong khi toàn bộ các sản phẩm trong cuộc sống hàng ngày đều có liên quan đến việc sử dụng dầu mỏ và khí đốt tự nhiên”.

Trong dài hạn, các quan chức Mỹ cho rằng, nước Mỹ phải đẩy nhanh quá trình giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và chuyển dịch sang năng lượng mặt trời, năng lượng gió và các loại năng lượng sạch khác. “Chúng tôi biết rằng, không thể tiếp tục phụ thuộc vào một mặt hàng mà các quốc gia nước ngoài đang nắm quyền kiểm soát đáng kể. Đó là lý do vì sao Chính phủ Mỹ quyết tâm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang một tương lai năng lượng sạch”, Charisma Troiano - phát ngôn viên Bộ Năng lượng Mỹ cho biết.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trong khi năng lượng sạch là giải pháp tối ưu để giải quyết vấn đề nóng lên toàn cầu và giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng nước ngoài, nó sẽ không thể đáp ứng các nhu cầu trong ngắn hạn. Và việc cắt giảm nhu cầu tiêu thụ vẫn sẽ là bước đi cần thiết, trước khi tính đến các mục tiêu xa hơn. “Cả mười biện pháp chúng tôi đưa ra không chỉ giúp giải quyết tình trạng thiếu hụt trên thị trường năng lượng, mà còn mở đường để thế giới hoàn thành các mục tiêu về khí hậu”, tiến sĩ Birol - Giám đốc điều hành IEA kết luận.

Nguồn: Washington Post, New York Times, Financial Times, IEA, CNN Business

1 BÌNH LUẬN

  1. Cái gì xảy ra thì đã xảy ra rồi. Không thể tiếc nuối và than vãn mãi. Đôi khi như vậy lại hay. Môi trường bớt ô nhiễm. Quả đất bớt nóng lên. Con người bớt tham sân si. Xã hội biết sống chậm lại… Nhưng quan trọng nhất là nhận thức của cả loài người phải đi đến chỗ muốn thay đổi thực sự, chứ không phải bị thay đổi một cách bất đắc dĩ. Nếu không họ lại nhanh chóng quên và quay lại “”đường xưa lối cũ””, thậm chí có khi còn tệ hơn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới