Thứ ba, 5/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Mỹ tăng cung cấp khí đốt cho EU để giảm sự phụ thuộc vào Nga

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Nhà Trắng cho biết Mỹ sẽ làm việc với các đối tác quốc tế để cung cấp thêm ít nhất 15 tỉ mét khối khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho châu Âu trong năm nay trong bối cảnh khu vực này tìm cách chấm dứt sự phụ thuộc nguồn cung năng lượng từ Nga sau khi Moscow phát động cuộc tấn công quân sự ở Ukraine.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Ursula von der Leyen phát biểu tại cuộc họp báo chung với Tổng thống Joe Biden ở Brussels, Bỉ hôm 25-3. Ảnh: Twitter

Thỏa thuận trên đạt được sau khi Tổng thống Mỹ, Joe Biden đến Brussels (Bỉ) để dự ba hội nghị thượng đỉnh của Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và nhóm các nước công nghiệp G7.

Hôm 25-3, Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Ursula von der Leyen thông báo thành lập nhóm chuyên trách về an ninh năng lượng để giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung nhiên liệu hóa thạch từ Nga.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Brussels, Tổng thống Biden nói: “Hôm nay, chúng tôi nhất trí một chiến lược chung vì mục tiêu đó, đồng thời tăng tốc tiến độ hướng tới một tương lai năng lượng sạch, an toàn”.

Bà Ursula von der Leyen cho biết EU đang đi đúng hướng để thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Nga và “hướng đến những người bạn và đối tác, những nhà cung cấp đáng tin cậy”.

Nhiệm vụ trước mắt của nhóm chuyên trách là củng cố nguồn cung năng lượng EU trong mùa đông sắp tới và mùa đông tiếp theo. Nhóm này sẽ giám sát việc triển khai thỏa thuận cung cấp thêm 15 tỉ mét khối LNG cho châu Âu.

Về lâu dài, các mục tiêu chính của nhóm là đa dạng hóa nguồn cung LNG phù hợp với các mục tiêu khí hậu và giảm nhu cầu về khí đốt tự nhiên.

EU hiện nhập khẩu khoảng 22 tỉ mét khối LNG của Mỹ mỗi năm. EU cho biết sẽ làm việc với các nước thành viên để mua thêm của Mỹ 50 tỉ mét khối LNG mỗi năm cho đến ít nhất là năm 2030.

Bloomberg dẫn lời một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết các dự án LNG đã được cấp phép ở Mỹ có thể đáp ứng nhu cầu 50 tỉ mét khối mỗi năm của châu Âu. Việc EU cam kết mức nhu cầu đó có thể tạo có huých để các dự án này triển khai nhanh hơn.

Châu Âu đang nỗ lực đa dạng hóa các nguồn năng lượng nhằm thoát khỏi sự phụ thuộc vào Nga. Nhưng đó là một nhiệm vụ khó khăn vì Nga cung cấp 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu mỗi năm, gồm khoảng 150 tỉ mét khối khí đốt và 14-18 tỉ mét khối LNG. Điều đó có nghĩa là bất kỳ sự gián đoạn nào đối với dòng khí đốt từ Nga sẽ khó có thể bù đắp nhanh chóng từ các nhà cung cấp khác.

EU đang lên kế hoạch chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch của Nga vào năm 2027. Riêng trong năm nay, EU muốn thay thế gần 2/3 tổng lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga. Đức cũng công bố kế hoạch riêng để gần như độc lập khỏi nguồn cung khí đốt của Nga vào năm 2024.

“Đó là một bước khởi đầu, nhưng tương đối nhỏ so với nguồn cung tổng thể từ Nga”, Jonathan Stern, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford (Anh), nhận định về thỏa thuận cung cấp khí đốt giữa Mỹ và EU.

Chi tiết về cách thức thực hiện thỏa thuận trên phụ thuộc vào các công ty năng lượng liên quan. Các công ty xuất khẩu LNG của Mỹ và đối tác mua LNG của Đức sẽ gặp nhau vào tuần tới tại Berlin để tìm kiếm các thương vụ khả thi

Mỹ đang đẩy mạnh xuất khẩu LNG sang châu Âu, với các lô hàng tăng gấp đôi, lên mức kỷ lục 4,4 tỉ mét khối trong tháng 1 và mức tương tự vào tháng 2. Việc cung cấp thêm 15 tỉ mét khối LNG có thể khả thi miễn là châu Âu tiếp tục trả giá cao hơn so với các khách hàng châu Á.

Vì các nhà máy LNG của Mỹ đang vận hành hết công suất, các nhà phân tích cho rằng hầu hết lượng LNG bổ sung cho châu Âu sẽ phải đến từ các nguồn LNG mà lẽ ra xuất khẩu sang các khu vực khác trên thế giới.

Đến năm 2025, khi các dự án LNG mới đi vào hoạt động, nguồn cung LNG toàn cầu mới có thể tăng lên đáng kể.

Nguồn cung LNG của Mỹ đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực phá vỡ sự chi phối của Nga trên thị trường năng lượng châu Âu, theo nhận định của Amos Hochstein, cố vấn cấp cao về an ninh năng lượng của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Simone Tagliapietra, nhà nghiên cứu năng lượng ở tổ chức tư vấn Bruegel, có trụ sở tại Brussels, nói: “Nếu xảy ra sự cố gián đoạn nguồn cung khí đốt của Nga, thách thức chính đối với châu Âu sẽ là nạp đầy các cơ sở lưu trữ khí đốt của mình trước mùa đông năm nay. Vì vậy, với tư cách là nhà xuất khẩu LNG lớn nhất trên thế giới (tính từ đầu năm đến nay),  Mỹ đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ châu Âu cho nỗ lực lịch sử này”.

Theo Reuters, Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới