(KTSG Online) - Các chủ nợ của FLC lên tiếng ‘trấn an’ về khoản tín dụng của FLC, được thế chấp bởi các loại tài sản đảm bảo và vẫn đang hoạt động bình thường.
Liên quan đến vụ việc ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC, bị bắt tạm giam để phục vụ công tác điều tra với cáo buộc "thao túng" và "che giấu thông tin chứng khoán", các ngân hàng rót ngàn tỉ cho FLC trong hai năm gần đây lần lượt lên tiếng.
Trên thực tế, tập đoàn FLC trong thời gian qua đẩy mạnh nhiều dự án ở nhiều địa phương trên cả nước. Đi cùng đó, áp lực vốn đầu tư cũng tăng mạnh. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quí 4-2021 (chưa kiểm toán), tổng nợ phải trả của FLC giảm nhẹ, chủ yếu do nợ ngắn hạn giảm nhưng nợ dài hạn lại tăng 27%, chủ yếu tăng là vì vay vốn từ các tổ chức tín dụng. Trên báo cáo, tài khoản hạng mục bất động sản dở dang tính đến cuối năm 2021 tăng mạnh hơn 36% so với hồi đầu năm.
Chẳng hạn, Sacombank chỉ mới bắt đầu rót vốn đầu tư dự án cho FLC trong năm 2021. Khoản nợ này theo thuyết minh chia làm hai khoản vay là 600 tỉ đồng với kỳ hạn 60 tháng, mục đích cho vay là đầu tư dự án với tài sản đảm bảo là tài sản hình thành từ vốn vay. Một khoản vay khác là 1.240 tỉ đồng kỳ hạn 10 năm với tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất và các tài sản khác.
Ngoài Sacombank, một ngân hàng khác cũng rót vốn dài hạn cho FLC là BIDV với dư nợ khoảng 1.342 tỉ đồng. Các khoản vay tại BIDV khá đa dạng về kỳ hạn, từ 36-194 tháng với mục đích đầu tư dự án.
Bên cạnh vay dài hạn, các khoản vay ngắn hạn để tài trợ cho vốn lưu động còn có sự xuất hiện của OCB (khoảng 573 tỉ dồng), Ngân hàng NCB (khoảng 584 tỉ đồng) và nhiều ngân hàng khác. Các khoản vay được thuyết minh là vay dài hạn đến hạn trả là BIDV (khoảng 228 tỉ đồng) hay Agribank (khoảng 60 tỉ đồng cùng dư nợ 80 tỉ đồng dài hạn). Không chỉ vay nợ, FLC còn huy động vốn từ việc phát hành trái phiếu cho các ngân hàng và công ty chứng khoán, kỳ hạn từ 12-36 tháng.
Nhìn chung, đa số tài sản đảm bảo được liệt kê là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, hoặc tài sản hình thành từ vốn vay, đặc biệt có cả cổ phần BAV, hãng hàng không Bamboo Airways.
Ngay sau đó, một số ngân hàng đã lên tiếng để trấn an về lo ngại của thị trường cho rằng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của các nhà băng này. Các “chủ nợ” này đều khẳng định việc cấp tín dụng cho nhóm khách hàng FLC Group được thực hiện đúng quy định pháp luật và quy định nội bộ, cũng như các khoản vay có đầy đủ tài sản đảm bảo.
Theo đại diện Sacombank, ngân hàng đã tham gia tài trợ vốn cho Tập đoàn FLC, bao gồm hãng hàng không Bamboo Airways để đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động kinh doanh của khách hàng. Việc cho vay này cũng phù hợp với chủ trương của Chính phủ đối với việc kích cầu du lịch và hỗ trợ các hãng hàng không sau đại dịch Covid–19.
Tại OCB, ngân hàng ký kết hợp tác toàn diện với FLC từ đầu năm 2019, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc ngân hàng, cho biết các khoản vay của FLC chủ yếu là vay đầu tư dự án, ngoài ra có cho vay ngắn hạn vốn lưu động với Bamboo Airways, nhưng không nhiều.
Liên quan đến khoản vay được thế chấp bằng cổ phiếu của Bamboo Airways, hiện tổng giá trị tài sản đảm bảo bằng bất động sản mà OCB nắm giữ khoảng hơn 2.000 tỉ đồng, lớn hơn rất nhiều so với khoản vay của FLC tại OCB.
Còn tổng số tài sản thế chấp bằng cổ phần BAV mà OCB nhận về đảm bảo cho khoản vay chỉ khoảng 100 tỉ đồng, chủ yếu bổ sung thêm tài sản đảm bảo cho khoản vay vốn lưu động và làm tăng trách nhiệm ràng buộc của doanh nghiệp.
“Chính vì vậy, nếu có rủi ro xảy ra, chỉ riêng xử lý tài sản đảm bảo là ngân hàng đã đảm bảo khả năng thu hồi nợ. Quan điểm của ngân hàng là bất động sản luôn là tài sản đảm bảo chủ chốt, cổ phần chỉ là tài sản bổ sung”, ông Tùng cho biết.
Các nhà băng cũng cho rằng sẽ tiếp tục theo dõi để đảm bảo an toàn vốn cho ngân hàng. Đại diện Sacombank cho biết tính đến thời điểm hiện tại, FLC Group đang hoạt động bình thường và thực hiện đầy đủ, đúng hạn nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng tín dụng đã ký với ngân hàng.
Ngoài ra, các lãnh đạo ngân hàng đều khẳng định rằng trong trường hợp có phát sinh rủi ro, ngân hàng sẽ chủ động áp dụng các biện pháp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định pháp luật để thu hồi nợ, đảm bảo an toàn cho hoạt động của ngân hàng.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng các khoản nợ của FLC có thể chưa được thống kê đầy đủ. Bên cạnh những công ty con của FLC được thể hiện trên báo cáo hợp nhất của tập đoàn, cũng có nhiều công ty có liên quan khác nằm ngoài “hệ sinh thái” trực tiếp của FLC Group. Những doanh nghiệp này cũng có thể vay nợ từ các tổ chức tín dụng và cũng sẽ tạo áp lực chung với tập đoàn.
Liên quan đến vụ việc ông Trịnh Văn Quyết, Tập đoàn FLC sau đó công bố thông tin nói rằng vụ việc “hoàn toàn không tác động” hoặc làm thay đổi các định hướng quan trọng về hoạt động đầu tư, kinh doanh trong thời gian tới, cũng như không ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng, cổ đông cũng như các đối tác đang có giao dịch, hợp tác với tập đoàn. Về nhân sự, thông tin mới nhất cho biết ông Đặng Tất Thắng, người đang là Phó chủ tịch FLC và Bamboo Airways, sẽ đảm nhiệm vai trò chủ tịch ở cả hai doanh nghiệp từ ngày 31-3.
Đại gia nào mà không có quan hệ thân thích với ngân hàng. Ngược lại, ngân hàng nào cũng có thể là bà đỡ cho các đại gia. Đó là quan hệ kinh doanh bình thường, pháp luật không cấm. Tuy nhiên về mặt chính thống, luôn có những giới hạn pháp lý mà mọi mối quan hệ gọi là “truyền thống” không thể vượt qua. Khi vượt qua điều đó một cách nghiêm trọng, “truyền thống” có thể trở thành “truyền kiếp”.