(KTSG Online) - Sáng 1-4, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã làm việc tại Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (Đạm Hà Bắc), nghe các phương án tháo gỡ khó khăn cho Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc - một trong 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành Công Thương, phải xử lý theo Quyết định số 1468/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Tại buổi làm việc, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) Phùng Quang Hiệp cho biết, những năm qua, Tập đoàn đã quyết liệt thực hiện tái cơ cấu Công ty, đổi mới công tác quản trị, tổ chức lại sản xuất và quản lý sản xuất theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối trực thuộc. Việc làm và thu nhập của người lao động được đảm bảo, bình quân năm 2021 đạt 8 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm làm ra đều tiêu thụ hết.
Tuy nhiên, cho đến năm 2020, đạm Hà Bắc vẫn lỗ lũy kế 4.760 tỉ đồng, tương đương 793 tỉ đồng/năm. Nguyên nhân chính là do giá nguyên vật liệu tăng, chi phí tài chính rất lớn, tăng hơn 2,33 lần. Hiện đạm Hà Bắc đang vay của Ngân hàng Phát triển (VDB) và ngân hàng thương mại, phải chịu mức lãi suất cao, bình quân chung là 10,78%/năm và lãi phạt (do gốc và lãi đến hạn không trả được) lên đến 16,7%/năm. Có thời điểm, chi phí tài chính của Công ty chiếm 42,5% doanh thu, lãi chồng lãi, dẫn đến rất khó khăn.
Tại buổi làm việc, Vinachem đề xuất 4 phương án xử lý vấn đề tài chính của Đạm Hà Bắc, gồm: chuyển vốn vay thành vốn góp; tái cơ cấu tài chính; bán vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; cho phá sản doanh nghiệp.
Lãnh đạo Vinachem cho biết khoản lỗ lũy kế của Đạm Hà Bắc trong 5 năm qua còn rất lớn do giá nguyên vật liệu đầu vào tăng và chi phí tài chính lớn. Ngoài ra, doanh nghiệp đang vay của các ngân hàng với lãi suất cao và phải chịu lãi phạt do không trả đúng hạn, dẫn đến lãi chồng lãi.
"Nếu không tái cơ cấu tài chính thì Đạm Hà Bắc khó có thể phát triển ổn định, bền vững", lãnh đạo Vinachem bày tỏ và cho biết Đạm Hà Bắc sẽ lãi khoảng 828 tỉ đồng mỗi năm nếu được tái cơ cấu.
Để đạt được mục tiêu này, Vinachem đã xây dựng 4 phương án, gồm: chuyển vốn vay thành vốn góp; tái cơ cấu tài chính; bán vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; cho phá sản doanh nghiệp.
Trên cơ sở đánh giá ưu, nhược điểm của từng phương án, Vinachem đề xuất lựa chọn phương án tái cơ cấu lại các khoản nợ ngân hàng của Đạm Hà Bắc với những giải pháp, gồm: khoanh nợ; giãn nợ; dừng tính phạt trên số tiền gốc và tiền lãi chậm trả.
Tương tự, lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp bày tỏ sự đồng thuận với đề xuất lựa chọn phương án tái có cấu tài chính của Vinachem. Đồng thời, mong muốn các cơ quan liên quan và cấp có thẩm quyền sớm quyết định để tháo gỡ khó khăn cho Đạm Hà Bắc.
Còn đại diện các bộ, ngành, ngân hàng cho rằng nếu không cơ cấu lại, để tiếp tục lãi chồng lãi, phạt chồng phạt, lãi mẹ đẻ lại con, thì Đạm Hà Bắc "suốt đời gánh nợ" và không thể thoát khỏi tình trạng khó khăn hiện tại. Vì vậy, các ý kiến đều thống nhất lựa chọn phương án tái cơ cấu tài chính Đạm Hà Bắc vì đây là phương án tốt nhất cho tất cả các bên.
Ngoài ra, đại diện các bộ, ngành đề nghị Đạm Hà Bắc tiếp tục thực hiện các phần việc, gồm: sắp xếp lại bộ máy, nâng cao chất lượng quản trị, đẩy mạnh phát triển thị trường; xây dựng chương trình tổ chức sản xuất kinh doanh gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; đa dạng hóa sản phẩm gắn với các cây trồng chủ lực, vùng thổ nhưỡng cụ thể để nhà máy hoạt động hiệu quả, bảo đảm lợi ích lâu dài, bền vững.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh việc tìm giải pháp để xử lý yếu kém của Đạm Hà Bắc là yêu cầu cấp bách. Ông cho rằng dự án gặp nhiều khó khăn do xây dựng dự án chưa sát tình hình thực tế, nhiều nội dung chưa khả thi. Bên cạnh đó, giá nguyên, vật liệu đánh giá chưa sát thị trường. Còn cơ cấu vốn chưa đánh giá hết, vốn vay quá lớn.
“Công ty đang nợ số tiền lớn. Nếu để lâu, vốn ngày càng mất đi, lỗ nhiều hơn, do đó phải có giải pháp khả thi, xử lý dứt điểm, không để kéo dài”, Phó thủ tướng lưu ý và đề nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tiếp tục chỉ đạo Đạm Hà Bắc hoàn thiện phương án tái cơ cấu để báo cáo Bộ Chính trị, chậm nhất phải có đề án hoàn chỉnh vào tháng 9-2022.
Theo Phó thủ tướng, phương án khả thi nhất là tái cơ cấu tài chính. Vì vậy, cần đưa đây là phương án đầu tiên trong Đề án tái cơ cấu, tiếp đến là phương án bán cổ phần, chuyển vốn vay thành vốn góp và cuối cùng là phá sản.
“Nếu chọn phương án tái cơ cấu tài chính, phải làm rõ từng cơ chế, giải pháp khả thi, từ việc khoanh nợ, điều chỉnh lãi suất cho vay, kéo dài thời hạn vay, dừng tính lãi phạt trả chậm, đến thời hạn cơ cấu lại, phải xác định đến thời hạn nào xử lý được âm vốn chủ sở hữu. Đồng thời, phải làm rõ về mặt thẩm quyền, cơ chế, giải pháp tài chính, rà soát tình hình thị trường, dự báo dài hạn giá bình quân”, Phó thủ tướng lưu ý.