(KTSG Online) – Dự án nâng cấp kênh Chợ Gạo giai đoạn II nối khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với TPHCM đã được khởi công xây dựng cách nay hơn 3 tháng (ngày 19-12-2021). Thế nhưng, đến nay ngoài hạng mục cầu Bình Phan, thì dự án vẫn đang trong trạng thái “trùm mền”. Vì sao?
Trao đổi với KTSG Online, ông Cao Tấn Hưởng, Phó chủ tịch UBND huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, xác nhận tính đến thời điểm hiện tại, ngoài hạng mục cầu Bình Phan thì dự án nâng cấp kênh Chợ Gạo vẫn trong trạng thái “trùm mền” sau hơn ba tháng kể từ ngày khởi công xây dựng.
Theo ông Hưởng, về việc bàn giao mặt bằng thì dự án hiện chưa bàn giao toàn tuyến nhưng từng đoạn đã được đơn vị thi công tiếp nhận. “Tuy nhiên, sở dĩ dự án chưa triển khai ra thực địa được là do vướng di dời đường điện và nước sinh hoạt”, ông Hưởng giải thích.
Ông Hưởng cho rằng, khi thực hiện giải toả, đền bù, những hộ dân bị ảnh hưởng xây dựng nhà mới ngay sau lưng nhà hiện hữu, cho nên nhà hiện hữu chưa tháo dỡ vì nhà mới phía trong xây chưa xong. “Đường điện di dời đi ngang dãy nhà hiện hữu và đường ống nước cũng bị vướng nên chưa thực hiện được”, ông giải thích và cho biết tuần này sẽ bắt đầu di dời để có mặt bằng sạch triển khai dự án.
Báo cáo của UBND huyện Chợ Gạo cho biết tổng kinh phí Ban quản lý các dự án đường thuỷ thuộc Bộ Giao thông Vận tải phân bổ cho huyện để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng là trên 556 tỉ đồng. Trong đó, tổng số hồ sơ đã đồng ý nhận tiền là 503/704 hồ sơ (còn lại 201 hồ sơ) với tổng kinh phí đã chi trả trên 354,5 (còn lại trên 201,4 tỉ đồng).
Theo UBND huyện Chợ Gạo, trong tổng số 201 hồ sơ chưa chi tiền, có 46 hồ sơ đã phê duyệt kinh phí bồi thường nhưng các hộ dân chưa nhận với số tiền trên 42,8 tỉ đồng vì các lý do: khiếu nại đơn giá bồi thường thấp (11 hồ sơ); tranh chấp nội bộ gia đình (6 hồ sơ); Chi cục thi hành án dân sự đề nghị tạm dừng (3 hồ sơ); toà án đề nghị tạm dừng (1 hồ sơ) và các lý do khác có 25 hồ sơ.
Còn lại 155 hồ sơ, UBND huyện Chợ Gạo đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý và Phát triển quỹ đất hoàn chỉnh 80 hồ sơ để phê duyệt kinh phí và chi trả với số tiền khoảng 70 tỉ đồng và còn lại 75 hồ sơ dự kiến trong tháng 4-2022 sẽ hoàn thành việc chi trả bồi thường.
Trong khi đó, về công tác hỗ trợ tái định cư, trao đổi với KTSG Online, ông Hưởng cho rằng trước đây địa phương gửi phương án về chủ đầu tư là Ban quản lý dự án đường thuỷ của Bộ Giao thông Vận tải xin đầu tư 5 khu tái định cư. “Nhưng ra ngoài đó, họ không duyệt, mà chỉ hỗ trợ tái định cư 100 triệu đồng/hộ đủ điều kiện”, ông Hưởng nói.
Tuy nhiên, theo ông Hưởng, khi triển khai, UBND tỉnh Tiền Giang “tuýt còi” vì cho rằng không đúng quy định của pháp luật, bởi quy định là phải có khu tái định cư.
“Chính vì phải thay đổi nên việc bố trí tái định cư bị chậm trễ”, ông Hưởng cho biết và thông tin hiện địa phương chuyển sang làm tái định cư tập trung và đang thực hiện các thủ tục xây dựng hai khu ở Bình Phục Nhất (70 hộ) và Bình Phan (28 hộ).
Trước đó, dự án nâng cấp kênh Chợ Gạo giai đoạn II đã được tổ chức khởi công xây dựng với tổng mức đầu tư hơn 1.335 tỉ đồng.
Dự án sẽ thực hiện các hạng mục chính bao gồm nạo vét mở rộng luồng đường thủy dài gần 10 km; xây dựng công trình bảo vệ bờ Nam kênh Chợ Gạo; xây dựng cầu và đường dân sinh đi qua địa bàn các xã bờ Nam, gồm Bình Phục Nhứt, Bình Phan và thị trấn Chợ Gạo.
Sau khi cải tạo và nâng cấp, đoạn luồng trên sẽ đạt quy chuẩn luồng đường thủy cấp II, có độ sâu hơn 3,5 mét, rộng hơn 50 mét…, giúp tàu thuyền lưu thông thuận lợi hơn.
Dự án nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo được thi công và dự kiến hoàn thành vào năm 2023.
Theo tìm hiểu của KTSG Online, tuyến kênh Chợ Gạo dài hơn 28 km, từ rạch Lá đến rạch Kỳ Hôn, giúp kết nối giữa sông Tiền và sông Vàm Cỏ. Đây là tuyến giao thông thủy huyết mạch nối vùng ĐBSCL với TPHCM.
Theo đó, tuyến kênh Chợ Gạo hiện có khoảng hơn 2.000 phương tiện thủy có trọng tải lớn chở hàng hóa qua lại mỗi ngày đêm.
Trước đó, vào năm 2004, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã đầu tư hoàn thành dự án nâng cấp kênh Chợ Gạo giai đoạn I phía bờ Bắc.