(KTSG Online) - Khách hàng ngày càng yêu cầu về tính bền vững, an toàn và thân thiện với môi trường của các cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch. Xu hướng này thúc đẩy nhiều ngân hàng cung cấp các "khoản vay xanh" cho khách sạn ở châu Á - Thái Bình Dương, nâng cao tính bền vững trong hoạt động của doanh nghiệp.
Công ty kinh doanh dịch vụ bất động sản CBRE vừa phát hành báo cáo Triển vọng ngành khách sạn khu vực châu Á – Thái Bình Dương: Những xu hướng chính trong năm 2022, đề cập đến một số xu hướng mới trong mảng khách sạn.
Theo đó, khách hàng tiếp tục xu hướng đổ đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương để kinh doanh và nghỉ dưỡng nhưng sẽ có sự thay đổi về hành vi. Khách hàng gia tăng niềm tin với thương hiệu, thực hiện các chuyến đi dài hơn và có yêu cầu cao hơn về hiệu suất ESG, tức là các tiêu chí về môi trường, xã hội và quản trị.
Theo CBRE, do khách hàng đã có nhận thức và yêu cầu về tính bền vững, an toàn, thân thiện với môi trường tại các khách sạn, cơ sở cung cấp dịch vụ cho du lịch nên những doanh nghiệp này sẽ ứng dụng ESG nhiều hơn, chặt chẽ hơn.
Trên cơ sở này, những "khoản vay xanh", tức khoản vay hỗ trợ tài chính cho hoạt động nâng cao tính bền vững trong doanh nghiệp đang trở nên phổ biến hơn với các ngân hàng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Chẳng hạn, tại Singapore, ngân hàng UOB đã triển khai chính sách tài chính bền vững bất động sản vào năm 2019. Trong đó, đưa ra một loạt các tiêu chí như chiến lược phát triển bền vững và các mục tiêu mà doanh nghiệp phải đạt được để đủ điều kiện đăng ký các khoản vay xanh.
Vào năm 2020, Park Hotel Group cũng đã nhận được khoản vay xanh trị giá 176,1 triệu đô la Mỹ từ UOB cho hoạt động phát triển mới.
Nhiều tập đoàn khách sạn trong khu vực cũng thường xuyên có những khoản vay tương tự. Theo CBRE, nhiều tập đoàn khách sạn nổi tiếng như Hong Kong & Shanghai Hotels, Worldwide Hotels Group... đã công bố các "khoản vay xanh" từ ngân hàng cho các hoạt động đầu tư, phát triển của doanh nghiệp.