Thứ bảy, 11/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Không dễ thao túng nếu có giám sát

Nguyễn Vũ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Ở nước ngoài, không dễ thao túng chứng khoán vì các cơ quan giám sát thị trường xem chuyện theo dõi để phát hiện mọi dấu hiệu gian lận chứng khoán là nhiệm vụ hàng đầu của họ.

Năm 2018 chỉ cần Elon Musk lên Twitter viết rằng đã tìm ra nguồn tiền để đưa hãng Tesla từ chỗ niêm yết trên thị trường chứng khoán trở lại thành công ty tư nhân với giá mỗi cổ phiếu lên đến 420 đô la Mỹ, Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC) ngay lập tức kiện anh này ra tòa vì cho rằng thông tin đưa như vậy là sai, làm nhà đầu tư hiểu nhầm, gây thiệt hại cho thị trường. Dù ức lắm nhưng Musk ngay sau đó phải nhượng bộ, chịu nộp phạt 20 triệu đô la cho cá nhân, thêm 20 triệu đô la cho hãng Tesla, rồi từ chức không được làm chủ tịch HĐQT Tesla trong vòng ba năm.

Đó là bởi SEC theo dõi mọi động thái của các công ty niêm yết, kể cả các nhân sự chủ chốt phát ngôn gì trên mạng xã hội. Sau khi có câu khoe của Elon Musk làm giá cổ phiếu Tesla tăng mạnh, SEC mở cuộc điều tra, rồi kết luận mặc dù Musk có tiếp xúc với một quỹ đầu tư của Saudi Arabia, hai bên không hề bàn đến chuyện mua lại Tesla với giá 420 đô la mỗi cổ phiếu để hủy niêm yết. Phải có bằng chứng rõ ràng như thế Musk mới chịu nhượng bộ. Chỉ một câu viết trên mạng xã hội mà đã thế, huống gì các hình thức gian lận khác như giao dịch nội bộ trái phép, bơm thổi giá, CEO mà bán chui không thông báo... làm sao qua mặt các cơ quan giám sát như SEC được.

Theo Investopedia, SEC giám sát để phát hiện các vụ giao dịch nội gián bằng nhiều cách, trước tiên là theo dõi mọi hoạt động của thị trường, nhất là vào thời điểm công bố kết quả kinh doanh định kỳ hay công bố thông tin bất thường của doanh nghiệp. Một đặc điểm của giao dịch nội gián là khối lượng lớn bất thường, kiểu như đánh một quả cho đáng đồng tiền nên SEC thường tập trung vào các giao dịch loại này, thấy bất thường thì mở cuộc điều tra.

Thực tế hơn, SEC dựa vào quy luật, nếu có bên thắng, ắt sẽ có bên thua. Họ tổ chức các kênh sẵn sàng lắng nghe, tiếp nhận và điều tra các khiếu nại, than phiền, cáo buộc chung quanh một giao dịch nào đó. Cho dù trong hàng chục cuộc khiếu nại vì thua lỗ đó, chỉ có một tỷ lệ nhỏ dẫn tới một vụ điều tra và phát hiện thành công chuyện thao túng giá chứng khoán, kênh tiếp nhận thông tin như thế vẫn tỏ ra hiệu quả hơn hết. Một công cụ giám sát khác của SEC là khuyến khích mọi người vạch trần các gian lận chứng khoán bằng phần thưởng có thể lên đến 10-30% số tiền thu được từ chuyện gian lận. Kênh thông tin trên báo chí cũng là nguồn tham khảo quan trọng để SEC giám sát thị trường.

Sau khi xác định có dấu hiệu gian lận chứng khoán SEC sẽ phải tổ chức điều tra, thường là rất công phu, mất nhiều thời gian và cần nhiều nhân lực. Họ phải phỏng vấn nhân chứng, xem xét kỹ các hồ sơ giao dịch, có lúc phải phối hợp xin lệnh truy xuất dữ liệu các cuộc điện thoại của các nhân vật liên quan. Chẳng hạn trong một vụ giao dịch nội gián năm 2011, SEC phát hiện lãnh đạo một công ty niêm yết chuyển thông tin riêng tư cho một người bạn về vụ sắp sửa sáp nhập hai công ty dược vào công ty niêm yết này. Người bạn mua ngay một lượng lớn cổ phiếu của hai công ty được sáp nhập và sau đó lãi được 2,6 triệu đô la, có chia lại cho ông kia tiền công cung cấp thông tin. SEC phải chứng minh hai bên có gặp nhau, có trao đổi nội dung và có chuyển tiền cho nhau.

Thông thường sau điều tra, SEC có thể đưa ra một biện pháp xử phạt hành chính hay chuyển sang kiện tại tòa liên bang. Chẳng hạn trong vụ quỹ đầu tư SAC Capital năm 2013, người sáng lập là Steve Cohen chịu nộp phạt đến 1,8 tỉ đô la vì tội giao dịch nội gián. Ngoài ra, nhiều nhân viên giao dịch của SAC Capital bị đưa ra tòa như Matthew Martoma, bị kêu án 9 năm tù giam vì giao dịch dựa trên thông tin chưa tiết lộ về một loại thuốc chữa bệnh Alzheimer. Hay vụ quỹ đầu tư Galleon Group cũng bị cáo buộc tội giao dịch nội gián, tỉ phú sáng lập và điều hành quỹ Raj Rajaratnam bị kêu án đến 11 năm, mức án cao nhất cho tội này.

SEC còn chú ý đến một hình thức thao túng giá chứng khoán phổ biến là “bơm và bán tháo” (pump and dump). Chiêu thức này thường bắt đầu bằng cách sở hữu một lượng lớn cổ phiếu muốn bơm. Sau đó kẻ lừa đảo dùng các thủ thuật, kể cả tin đồn trên mạng xã hội, thông cáo báo chí giả để tạo ra một mối quan tâm đến công ty này, thậm chí họ có thể dùng những nhân vật nổi tiếng trên mạng xã hội úp mở rằng đây là cổ phiếu nên mua... Sau khi đẩy giá cổ phiếu lên cao đến một mức nào đó, kể cả dùng chiêu thức vừa mua vừa bán để thao túng giá (wash sales), kẻ lừa đảo tung hết cổ phiếu chúng sở hữu ra bán, thu lãi để những nhà đầu tư đến sau ôm một mớ cổ phiếu giá cao không người mua. Chỉ có điều hầu hết kẻ bơm giá sau rốt phải ngồi tù, tiền lãi bất chính bị thu hồi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới