(KTSG Online) – Ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ tái cơ cấu cây sắn theo hướng tránh phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc, tăng chế biến sâu các sản phẩm sắn cùng nhân rộng diện tích giống sắn mới để nâng cao sản lượng bên cạnh các giải pháp khác để phát triển cây sắn bên vững.
Tiến đến không “bỏ trứng vào một rổ”
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND tỉnh Gia Lai hôm nay, 8-4, tổ chức hội nghị “Thực trạng và định hướng phát triển sắn bền vững tại Việt Nam” tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.
Tại sự kiện, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, thông tin đến năm 2021 Việt Nam có 528.000 ha sắn.
Trên địa bàn cả nước có 27 tỉnh có nhà máy chế biến tinh bột sắn và có khoảng 120 nhà máy chế biến tinh bột sắn quy mô công nghiệp với tổng công suất thiết kết 11,3 triệu tấn củ tươi/năm.
Trong đó, có khoảng 26% số cơ sở có gắn kết chặt chẽ với vùng nguyên liệu, có nhà máy nguyên liệu sinh học sản xuất cồn E100 đặt tại Bình Phước, Đồng Nai, Quảng Nam và Quảng Ngãi.
Về mặt xuất khẩu, Việt Nam xuất khẩu thứ 3 thế giới, trong đó xuất sang Trung Quốc chiếm 90-95% bên cạnh các thị trường còn lại là Đài Loan, Papua New Guinea, Philippines và Hàn Quốc. Theo thống kê mới nhất, xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2022 ước đạt 970.000 tấn và 420 triệu đô la. Thị trường Trung Quốc chiến hơn 94%.
“Đây là một điều rủi ro cho thị trường”, ông Cường nói và cho hay trong tương lai gần vẫn phải phụ thuộc nhiều thị trường Trung Quốc. Dẫn dự báo của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, ông Cường cho biết năm 2022 Trung Quốc sẽ có nhu cầu nhập khẩu lớn hơn nữa và sẽ nhập khẩu nhiều hơn sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam do điều kiện địa lý thuận lợi.
Tuy nhiên, rủi ro cho người nông dân ở chỗ xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc sắp tới sẽ gặp nhiều khó khăn vì hàng loạt quy định, tiêu chuẩn mới được Cục Hải quan Trung Quốc ban hành và áp dụng từ năm 2022.
Vì vậy, theo ông Cường, đa dạng hóa sản phẩm và thị trường trong nhiều năm sắp tới là điều bắt buộc.
Có cùng quan điểm, ông Nghiêm Minh Tiến, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Sắn Việt Nam, chia sẻ phải sớm tránh tình trạng “bỏ trứng vào một rổ”.
“Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng cơ quan chức năng và Hiệp hội Sắn Việt Nam đang nghiên cứu để nâng cao chất lượng sắn xuất khẩu sang các thị trường khác, đặc biệt là thị trường EU tiềm năng”, ông Tiến nói. Ông cho rằng vấn đề đặt ra là phải phát triển quy mô chế biến sâu, chế biến sản phẩm sau tinh bột để đa dạng hóa sản phẩm, lúc đó mới có thể đa dạng hóa thị trường.
Ông Tiến cũng thông tin một số doanh nghiệp thành viên của hiệp hội đã đưa sản phẩm tới một số quốc gia khác ngoài Trung Quốc như Belarus, Nga, Nhật Bản, Đài Loan, Indonesia, Philippines, Trung Đông và châu Phi thông qua tận dụng các hiệp định thương mại tự do. Vì vậy đây là kinh nghiệm để các địa phương và doanh nghiệp nghiên cứu để phát triển, đa dạng sản phẩm sắn.
Tái cơ cấu ngành sắn
Phát biểu tại cuộc họp, ông Lê Thanh Hòa, Phó cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cho biết sắn và sản phẩm sắn là một trong 13 sản phẩm nông sản chủ lực xuất khẩu của Việt Nam và là nước xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn đứng thứ ba thế giới sau Thái Lan, Campuchia và đứng thứ hai về kim ngạch xuất khẩu sau Thái Lan.
Xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn chiếm khoảng 70% tổng sản lượng. Năm 2021, xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn đạt 2,87 triệu tấn về sản lượng và 1,16 tỉ đô la Mỹ. Trong đó tinh bột sắn đạt 2,06 triệu tấn với giá trị 949,6 triệu đô la Mỹ còn lại là sắn lát với 805.000 tấn và giá trị xuất khẩu là 210,4 triệu đô la Mỹ.
Tuy nhiên, theo ông Hòa chất lượng tiêu thụ sắn và sản phẩm sắn của Việt Nam có nhiều vấn đề.
Đầu tiên là thị trường tiêu thụ sắn và sản phẩm sắn của Việt Nam có nhiều khâu trung gian, cạnh tranh quốc gia thấp do chi phí logistics của Việt Nam cao, hiện nay đang gặp cạnh tranh gay gắt về thị trường xuất khẩu từ các nước Thái lan, Campuchia và Lào.
Bên cạnh đó, đa số công nghệ chế biến tinh bột sắn đang được sử dụng ở Việt Nam toàn bộ bột sau khi nghiền ra sẽ được ngâm trong nước rồi sau nhiều lần lắng lọc, bột sẽ được tác ra, như vậy lượng nước thải ra lớn là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường.
Công nghệ chế biến sắn ở mức độ trung bình, chưa nhiều nhà máy chế biến sâu, mất cân đối giữa công suất chế biến và vùng nguyên liệu. Khi giá nguyên liệu cao thì thương lái thu gom xuất sắn lát khô và sắn củ tươi cho Trung Quốc dẫn đến nguồn cung cho chế biến bị cạnh tranh mạnh.
“Đầu tư công nghệ mới để chế biến tinh bột sắn, không dùng hình thức lắng lọc tự nhiên mà dùng hệ thống máy ly tâm, máy tách để rút ngắn khoảng thời gian tách bột xuống còn vài chục phút, các chất thải như nước, bã đều được tập trung gom sạch rồi xử lý theo quy trình”, ông Hòa gợi ý giải pháp và cho biết thêm giảm dần và tiến tới loại bỏ xuất khẩu sắn lát khô và củ sắn tươi bên cạnh khuyến khích hợp tác đầu tư phát triển, mở rộng vùng nguyên liệu là những điều cần làm để nâng cao chất lượng cho củ sắn.
Về vấn đề này, theo ông Nghiêm Minh Tiến, một trong những giải pháp là xem lại vấn đề liên kết sản xuất giữa người nông dân và nhà máy hiện nay còn yếu.
Theo đó, quy mô đầu tư vùng nguyên liệu của nhà máy chỉ đạt 30% công suất của nhà máy. 40-50% sản lượng là các nhà máy tự do thu mua ở các vùng khác nhau nên hàng năm đều có hiện tượng xâm lấn vùng, cạnh tranh gay gắt giữa các nhà máy trong khu vực và thậm chí cả ngoải khu vực.
Còn lại, các nhà máy có cơ chế liên kết khác là hợp đồng thu mua với người dân có ruộng sắn, bảo lãnh giá cho người dân trồng sắn với mức giá tối thiểu để người dân yên tâm trồng sắn và cung cấp cho các nhà máy. Nhưng do cơ chế và tài chính của hình thức thu mua bảo lãnh giá này còn yếu nên mức độ liên kết còn thấp.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho hay để có thể phát triển sắn bền vững tại Việt Nam thì phải xem đây là hàng hóa có hàm lượng chất xám cao chứ không chỉ là cây nông nghiệp xóa nghèo và đang trồng tràn lan, manh mún hiện nay.
“Tôi đề nghị các bên hợp tác mở rộng, liên kết và chuyên nghiệp hóa vùng nguyên liệu, hợp tác với chuyên gia để tăng giá trị công nghệ trong cây sắn, tăng chế biến sâu”, ông Doanh nói và chia sẻ thêm vấn đề môi trường và tiêu chuẩn nước thải tại các nhà máy cũng cần được coi trọng vì đây là tiêu chuẩn có thể xuất khẩu sang được các thị trường khó tính như EU hay không.
Ông Doanh cũng tiết lộ sẽ có đề án phát triển sắn bền vững đến năm 2030 trong năm nay để tạo cơ sở phát triển giống, vùng nguyên liệu, giải pháp cho thị trường và kêu gọi đầu tư.