Đọc Khói trời lộng lẫy (*)
Thư Hoài
![]() |
(TBKTSG) - Đọc Khói trời lộng lẫy, ta lại gặp Nguyễn Ngọc Tư với những cảnh đời dang dở, bi kịch mất mát, những nỗi niềm u uẩn và nghịch cảnh bất công đè trên phận người khốn khó vùng sông nước - nhất là thân phận người phụ nữ trong Khói trời lộng lẫy. Và lấp lánh trong những phận người khốn khó ấy, những nghịch cảnh xót xa ấy là những vẻ đẹp sáng trong đến nghẹn ngào.
Nếu để ý quan sát như Nho, bạn sẽ nhận ra Bế - một cô gái quá thì đi giúp việc nhà - đang làm dáng “thong dong thành thị”, đủng đa đủng đỉnh lên xuống mấy vòng chợ ở nơi “chộn rộn nửa quê nửa tỉnh”, để rồi hoảng hốt khi thấy bé gái con người đàn ông lam lũ ngồi bán thớt mù u đang sốt đến đờ đẫn. Ngay lập tức một cô Bế hào hiệp, nhân hậu vọt ra khỏi cái vỏ “học làm sang”, “thị dân nửa mùa”: cô xốc con nhỏ tới tiệm thuốc bên kia đường mua thuốc và cho nó chén cháo ấm lòng.
Vậy mà xao xuyến dọc đường về; vậy mà buồn xót xa cho một hình ảnh vừa thân thuộc vừa xa tít mịt mờ: “Cây mù u ở góc ao mà chị với ảnh hay hẹn ra ngồi nói chuyện, ảnh cũng đốn rồi, thì chị còn nhớ thương chi nữa…” (Có con thuyền đã buông bờ).
Hoặc, lắng lòng, bạn sẽ cảm thấu nỗi đau của người chị trong Mộ gió. Năm ấy em mười một tuổi, một buổi cha mẹ vắng nhà, em dành phần đi mua gạo ở tiệm bà Tư Mốt và sau đó không trở về.
Từ ấy chị gánh hết mọi dằn vặt, mọi đau đớn, chỉ bởi chị là chị, là phụ nữ, dù chị vẫn tin rằng em mình chỉ đi chơi đâu đó. Ám ảnh lớn đến nỗi “mỗi khi định cười giòn thì chợt nhớ mình đã để mất đứa em. Mỗi khi định lấy ai đó làm chồng thì nhớ trong cơn mê sảng mẹ thảng thốt kêu Võ, Võ ơi…”. Rồi bỗng nhiên ngày nọ em lừng lững xuất hiện: “Em Võ nè, chị Hai”. Chị quỵ xuống, lưng khum khum như cái mộ - cái mộ gió trống không thường đắp lên dành cho người (em) ngỡ đã mất hoặc sắp mất hóa ra đã chôn chặt đời chị suốt bao nhiêu năm. Sống mà như chết rồi…
Vậy đó, ta lại gặp Nguyễn Ngọc Tư với những cảnh đời dang dở, bi kịch mất mát, những nỗi niềm u uẩn và nghịch cảnh bất công đè trên phận người khốn khó vùng sông nước - nhất là thân phận người phụ nữ trong Khói trời lộng lẫy. Và lấp lánh trong những phận người khốn khó ấy, những nghịch cảnh xót xa ấy là những vẻ đẹp sáng trong đến nghẹn ngào. Ta cũng gặp lại Nguyễn Ngọc Tư với một giọng kể ngắn gọn, bình dị, nhiều khi “làm ra vẻ” tỉnh khô nhưng cảm xúc cứ lặng lẽ nhói lên đằng sau những chi tiết, những câu thoại, sau cái nhìn lẩn khuất tinh tế của một cây bút nặng tình đất, tình người.
Nhưng Khói trời lộng lẫy vừa rất thân quen mà cũng chứa đựng nhiều nét mới, lạ. Như cái tứ và cách kể chuyện Osho và bồ. Có ông Osho nào đó bên Ấn Độ mà cô gái “đời gọi là bồ” của Vĩnh cứ trích dẫn lời nói của ông ấy để an ủi, để đắp vào những nỗi đau, những mặc cảm, thất vọng đang giằng xé Vĩnh. Osho ngoài đời thật trở thành nhân vật chính của truyện và cô gái hay đọc và dẫn lời Osho đã thành hiện thân của trí huệ, của tình yêu thương giữa đời.
Ở hai thiên truyện Nước như nước mắt và Khói trời lộng lẫy, tác giả mở thêm những cánh cửa khác, kể về những trải nghiệm khác. Không gian câu chuyện rộng hơn, cuộc sống hiện ra với những xung đột đan xen khá phức tạp mà con đường đi đến sự hóa giải không dễ tìm thấy.
Nhà văn kể về những mất mát lớn hơn, những tai họa đáng sợ hơn, cả thiên tai và nhân tai: tình trạng “nước đuổi” ngày càng ăn sâu vào ruộng vườn, sông rạch - một cách diễn đạt thảm họa nước biển dâng làm người dân điêu linh khốn đốn, tình trạng tàn phá thiên nhiên và những vẻ đẹp hằng có của cuộc sống, sự lộng hành của cái ác, tâm lý trả thù và những nỗ lực gần như tuyệt vọng để cứu vãn cái đẹp và sự an bình… Và những vấn nạn đó lại được đặt lồng trong những mối ràng buộc dây tình cảm ngang trái, nhiều trắc trở.
Ở đây, điểm sáng của tác phẩm là sự phản chiếu cuộc sống thực, là mối quan tâm đến độ day dứt, thành mối ám ảnh của tác giả trước các vấn nạn thời nay. Có điều, để chuyển tải những nội dung như vậy trong đời sống văn chương hiện tại, bút pháp tả thực vốn là thế mạnh của nhà văn nhiều khi tỏ ra không thích dụng, mà cần đến thủ pháp tượng trưng (lối sống “đúng điệu” của chồng Sáo, cá Sầu ngư, bè rau Đại Thanh, những hình ảnh cuối truyện Nước như nước mắt, và nhóm cư dân đặc biệt ở cồn Bần, Viện di sản thiên nhiên và con người với các cuộc khảo sát, sưu tầm mẫu,… làn khói “món quà cuối cùng tặng em tôi” cuối truyện Khói trời lộng lẫy).
Và, như thường thấy, thách thức đặt ra cho phong cách kết hợp tả thực - tượng trưng là không nhỏ: làm sao để kết hợp nhuần nhuyễn, để hình tượng văn chương không mang tính ước lệ mà là sống động điển hình, để xóa bỏ cảm giác sắp đặt thiếu tự nhiên? Những thách thức sáng tạo như vậy luôn thôi thúc nhà văn vượt qua và đi tới.
__________________________________________
(*) Tuyển tập 10 truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, NXB Thời Đại và Saigon Media mới xuất bản, 180 trang, giá bìa 36.000 đồng.