Thứ sáu, 3/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Sài Gòn là món lẩu ngon

Trần Thanh Tâm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

LTS: Bài viết dưới đây gồm hai phần đăng hai số liên tiếp trên KTSG ghi lại một số tản mạn về văn hóa, đời sống ở Sài Gòn - TPHCM. Bởi văn hóa địa phương là một trong những khía cạnh phức tạp nhất của con người, nếu bài viết có điểm nào mang tính chủ quan, xin độc giả lượng thứ.

Phần một của bài viết kể vài ngộ nhận vui về thành phố này trước khi giải thích vì sao Sài Gòn có thể là món lẩu ngon với nhiều người tứ xứ.

Sài Gòn - TPHCM có môi trường văn hóa đa dạng mà ai cũng có thể tìm thấy phần mình trong đó: Một lễ hội thể thao ở quận 1, TPHCM, tổ chức trước Covid-19. Ảnh: Thành Hoa

Dù bạn có sinh ra tại Sài Gòn hay không, hoặc đã sống ở thành phố này bao lâu, một khi bạn đã quyết định chọn nó làm nơi lập nghiệp, bạn đã là người Sài Gòn rồi đó!

Vài ngộ nhận vui về Sài Gòn

Đố bạn biết, ngày trước có một câu rất ngắn chỉ gồm sáu từ, nhưng có thể nêu được hai nơi đặc trưng của Sài Gòn để bạn khoe với du khách thăm thú thành phố này, câu đó là gì?

“Ăn quận 5, nằm quận 3” là trả lời của người viết bài này. Tuy ngắn nhưng nó nêu được hai ý, đó là “ăn” và “ở”. Có lẽ trước ngày đất nước thống nhất, ẩm thực khu Chợ Lớn (tiêu biểu là quận 5) nổi tiếng nhất Sài Gòn với các nhà hàng món Hoa. Còn tại sao nhà quận 3 là số 1 trên đất này? Có lẽ là vì các biệt thự trên các con đường tuyệt đẹp trong quận mà người thường chỉ dám nhìn thôi chứ không dám mơ.

Nhưng đó là ngày trước, còn hiện giờ thì sao? Về ẩm thực, tuy quận 5 vẫn còn là số 1 nếu nói về ẩm thực Hoa ở Sài Gòn, chuyện ăn ngon ở Sài Gòn đã thành “đa cực” khi giờ đây nếu kể đến sự sầm uất và sự đa dạng, quận 5 đã có “đối trọng” nhiều nơi khác nặng ký không kém, nếu không nói là hơn.

Chuyện “nằm” thì sao? Các biệt thự ở quận 3 vẫn còn nguyên sự hấp dẫn của chúng. Tuy nhiên, liên quan đến giá trị địa ốc, có phải đất quận 3 là đắt nhất Sài Gòn? Khó nói, vì thời giá thay đổi, lắm lúc không ngờ chỉ sau một thời gian ngắn.

Có dạo, nghe đồn giá một mét vuông đất cao nhất mấy chục lượng vàng thuộc về đường Đồng Khởi ở quận 1. Bất ngờ hồi cuối năm ngoái, trong một cuộc đấu giá, đất ở Thủ Thiêm (thành phố Thủ Đức, quận 2 trước đây) đã lập kỷ lục lên đến 2,4 tỉ đồng một mét vuông. Nhưng chẳng bao lâu sau, kết quả cuộc đấu giá tai tiếng đó đã bị hủy bỏ.

Bạn có biết rằng trong số năm thành phố trực thuộc trung ương, TPHCM là nơi duy nhất có tên các quận được gọi cả số lẫn chữ (ở các nơi khác tên chỉ toàn bằng chữ không thôi). Thành ra, nếu bạn ngụ tại một quận có tên bằng số ở Sài Gòn (quận 3 càng tốt), đó cũng là một điều đặc biệt ở Việt Nam rồi. TPHCM hiện có 10 quận số, từ một đến 12 (khuyết vị trí số 2 và số 9). Trong số này, vài quận có những câu chuyện mà chẳng ai giải thích nổi.

Chẳng hạn, cách gọi tên các quận bằng số từ 1 đến 4. Trước năm 1975, chẳng hiểu tại sao các quận này được gọi bằng số thứ tự: quận nhất, quận nhì, quận ba, quận tư. Sau đó, không hiểu sao người ta lại chuyển tên các quận này thành số đếm: quận 1, quận 2, quận 3; và cũng chẳng hiểu sao, quận tư thì vẫn cứ là quận tư mà không chuyển thành quận bốn. Cho đến giờ, ai nói “quận bốn”, biết ngay cha này hổng phải dân Sài Gòn.

Số phận về tên gọi của một số quận ở TPHCM xem ra cũng long đong. Trước 1975, Sài Gòn có quận nhì. Sau 1975, quận nhì bị sát nhập vào quận nhất thành quận 1. Rồi đến năm 1997, quận 2 trở lại cùng với quận 9 và quận Thủ Đức - giúp TPHCM lần đầu tiên sau ngày thống nhất có hệ thống các quận tên số được liên tục.

Nhưng xem ra tên gọi quận 2 cũng vắn số vì quận này đã được nhập vào thành phố Thủ Đức mới được thành lập hồi năm ngoái. Tương tự, trước 1975, một vở cải lương có nhân vật chính được tác giả đặt tên là “Ông cò quận chín” (cảnh sát trưởng) - rất an toàn không sợ phạm húy vì Sài Gòn khi ấy không có quận nào là quận 9. Nhưng đến năm 1997, quận 9 xuất hiện. Đến nay, tên gọi này có cùng số phận với quận 2.

Tên một vài quận số cũng có thể gây ngộ nhận về vị trí của của chúng đối với người mới đến đây. Quận 1 gần quận 2, gần quận 3. Có nhiều quận chỉ cách nhau một con đường, như quận 5 và quận 6, hay quận 10 và quận 11.

Nhưng đừng ngộ nhận rằng các số gần nhau là đương nhiên nằm gần nhau. Ví dụ, trên mạng đã lan truyền giai thoại một “ma mới” ở Sài Gòn mừng hụt vì bé cái lầm khi đang ở quận 9 (cũ) mà biết mình “chỉ phải” đi làm ở quận 10, “gần xịt”. Trên thực tế, muốn đi từ quận 9 (cũ) đến quận 10, phải vượt qua quãng đường trải qua… sáu quận, trên hai mươi cây số là chuyện thường!

Ai là “người Sài Gòn gốc”?

So với Hà Nội thì Sài Gòn “trẻ” hơn rất nhiều. Thủ đô Việt Nam đã hơn một ngàn tuổi, trong khi thành phố lớn nhất phương Nam chỉ hơn 300 (thực ra, Sài Gòn - TPHCM như đã định hình hiện nay trẻ hơn nhiều so với số tuổi chính thức của nó). Có lẽ cũng vì lý do lịch sử này mà quan điểm của một số người về “người gốc” cũng có phần khác nhau ở hai thành phố này.

Còn so với Thăng Long thời khởi thủy, Hà Nội giờ đã rộng lớn hơn rất nhiều. Tuy nhiên, có quan điểm cho rằng cái nôi địa lý của Hà Nội chỉ là bốn quận nội thành đầu tiên của Hà Nội (xếp theo thứ tự chữ cái, gồm Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm).

Một vài ý kiến cho rằng những người cư ngụ lâu đời ở bốn quận này là “người Hà Nội gốc”, hay nói một cách ví von là “hậu duệ của những thần dân từ thời Rồng bay lên” theo cách nói của tác giả Nguyễn Phương đã viết trên Tuần Việt Nam(1).

Họa sĩ Lê Thiết Cương, trong một bài viết nhan đề “Sài Gòn - Vùng văn hóa đa văn hóa”(2), đã có một nhận xét, mà người viết bài này cho là rất tinh tế. Ông viết như sau: “Thổ chủ tĩnh, thủy chủ động. Người Hà Nội, người của đô thị trong sông khác với người Huế, người của đô thị vườn và khác với người Sài Gòn, người của đô thị kênh rạch”.

Họa sĩ - một “người Hà Nội gốc” chiếu theo “lý thuyết bốn quận nội thành đầu tiên” nói trên vì ông ở phố Lý Quốc Sư thuộc quận Hoàn Kiếm - viết tiếp: “Hà Nội là cục nam châm hút tinh hoa của mọi miền. Cái riêng của Hà Nội là riêng của nhiều chung. Sài Gòn không là cục nam châm. Chất mở của Sài Gòn làm cho mọi người từ khắp nơi tự đến với Sài Gòn”.

Theo họa sĩ, “người Sài Gòn cởi mở”. Không biết nhận xét này của ông đúng đến đâu, nhưng dường như ở Sài Gòn người ta không quan tâm lắm đến chuyện thế nào là “người Sài Gòn gốc”. Người sống đã lâu ở Sài Gòn không nói “tôi là người Sài Gòn gốc” mà chỉ nói “tôi là dân Sài Gòn”.

Có lẽ vì thế ở TPHCM, không có lý thuyết “bốn quận nội thành đầu tiên” như Hà Nội. Thông thường, với người Sài Gòn, ai sinh ra ở đây đều có thể tự xem mình là “dân Sài Gòn”. Nhưng nếu một người không sinh ra ở đây mà cư ngụ ở thành phố này sau một thời gian thì cũng trở thành “dân Sài Gòn” ngay và luôn, chả sao cả.

Cũng theo họa sĩ Lê Thiết Cương, một trong những “chất đa văn hóa” của người Sài Gòn điển hình là món lẩu. Theo ông, lẩu là món nóng lại rất được ưa chuộng ở thành phố nóng này đã chứng tỏ món ăn đó chuyên chở được văn hóa của người Sài Gòn chứ không còn là chuyện ẩm thực đơn thuần.

Khả năng dung nạp người từ phương xa, đa văn hóa của Sài Gòn khiến thành phố này giống như một cái “lẩu thập cẩm” nơi mọi thứ hòa quyện bổ sung, điểm xuyết cho nhau để bức tranh nơi mình sống trở nên đẹp hơn, hoàn chỉnh hơn.

Như một nhận xét cực kỳ tinh tế của họa sĩ Lê Thiết Cương - một lần nữa, xem ra ngòi bút của ông cũng đẹp không thua gì nét cọ của ông - không chỉ những người thành công đến đây, hay đến đây để thành công, mà ngay cả những người thất bại cũng tìm đến Sài Gòn để bắt đầu lại.

Sài Gòn là một cái lẩu đa văn hóa mà trong đó ai cũng có thể chọn ra và thưởng thức món mình ưng ý nhất.

----------

(1) https://vietnamnet.vn/nguoi-ha-noi-goc-101326.html

(2) Không gian tiệm nước - Sài Gòn tạp văn, nhiều tác giả, Nhà xuất bản Thời đại, 2011

(Mời xem tiếp trong số ra kỳ tới: Phần hai - Lẩu Sài Gòn có còn hấp dẫn?)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới