(KTSG Online) - Bên cạnh những chính sách hỗ trợ về tài chính, thuế,... thì sự cam kết của nhà nước để sẵn sàng trở thành người tiêu dùng mua sản phẩm xanh, sản phẩm dán nhãn xanh sẽ khuyến khích và thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất xanh và tăng trưởng xanh của nền kinh tế.
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Trần Đình Thiên đã có ý kiến như trên trong phiên thảo luận thứ ba của Diễn đàn Kinh tế xanh 2022 – Thích ứng và phát triển hậu đại dịch với chủ đề “Sống xanh – tiêu dùng xanh” do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức vào ngày 22-4.
Nhà nước là khách hàng đầu tiên của sản phẩm xanh
Trong những năm gần đây, sự quan tâm của người dân đối với môi trường đã được cải thiện. Chính phủ đã đầu tư không ít trong việc bảo vệ, cải thiện môi trường và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, triển khai các hoạt động và chương trình gắn nhãn sinh thái cho các sản phẩm. Đến nay, trong hệ thống chứng nhận sản phẩm xanh trong nước đã có nhiều chủng loại, như thực phẩm, đồ uống, hàng dệt may, vật liệu xây dựng, đồ gia dụng, đèn chiếu sáng, nội thất, ô tô và nhiều mặt hàng khác.
Theo quy định, các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm thân thiện với môi trường, được gắn nhãn xanh Việt Nam sẽ được hưởng những ưu đãi, hỗ trợ về đất đai, vốn; miễn, giảm thuế, phí về bảo vệ môi trường. Các ưu đãi này sẽ khuyến khích doanh nghiệp tích cực trong việc gắn nhãn sinh thái trên các sản phẩm của mình tạo ra lợi ích kép cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, với những chính sách đó theo các chuyên gia vẫn là chưa đủ.
Ở góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, tại phiên thảo luận, PGS.TS. Trần Đình Thiên đặt vấn đề khác đi, tức là người tiêu dùng sản phẩm dán nhãn xanh được lợi, có cần được khuyến khích không, vì đó cũng là lợi ích cho người sản xuất khi bán được hàng, tiêu thụ được sản phẩm tích cực. Khi đó lợi ích của nhà sản xuất là rất rõ chứ không phải chỉ có lợi ích đầu vào.
"Chúng ta đang chuyển đổi từ nâu sang xanh, một quá trình cực kỳ khó khăn, thậm chí càng phát triển thì càng khó khăn. Và chúng ta phải thoát khỏi nền tảng, hành lý nâu nặng nề đó", ông Thiên nói, và cho rằng: "Để chuyển đổi được bước chuyển này, chắc chắn rất khó khăn và cần phải có sự ủng hộ cao của nhà nước, đặc biệt là hỗ trợ về thể chế".
Lâu nay sự hỗ trợ về phát triển xanh là từ thuế, tài chính, lãi suất vay... với nhà sản xuất, nhưng theo ông Thiên sự hỗ trợ của nhà nước cần mở rộng thêm khía cạnh thị trường, người tiêu dùng.
Theo đó, ngoài hỗ trợ tài chính, thì phía nhà nước có thể là giải pháp hỗ trợ mang tính thị trường. Tức Nhà nước sẵn sàng là người mua sản phẩm xanh, sản phẩm dán nhãn xanh. "Nhà nước cần cam kết như người mua hàng để hỗ trợ thúc đẩy nhà sản xuất sản phẩm xanh", ông Thiên nói, và cho rằng: "Đây là giải pháo rất ý nghĩa, sức khuyến khích rất cao với doanh nghiệp, nhà sản xuất. Nhà nước phải tiên phong mua sản phẩm xanh".
Về phía thị trường, ông Thiên đặt câu hỏi: "Người mua sản phẩm với tư cách là sản phẩm bảo vệ môi trường thì Nhà nước có cần hỗ trợ thêm không?". Bởi lẽ theo ông, lợi ích kinh tế xanh là lợi ích phát triển chứ không phải lợi ích đo bằng tiền của doanh nghiệp. "Cách tiếp cận ưu đãi cho thị trường như thế nào? Nên có luật mua sắm xanh để làm sao thị trường được hưởng lợi, qua đó khuyến khích người sản xuất", chuyên gia kinh tế Thiên đề xuất.
Mặt khác, tiêu dùng xanh không chỉ là tiêu thụ sản phẩm mà cả việc xử lý hệ quả của tiêu thụ đó sau này như rác thải, tái chế... Cách tiếp cận như Nhật Bản và nhiều nước phát triển là phải có chính sách thúc đẩy các hoạt động này, PGS.TS. Trần Đình Thiên nói và ông cho rằng: "Tác động từ phía thị trường có gắn với vai trò của nhà nước để thúc đẩy doanh nghiệp giải pháp tài chính thì rất quan trọng vì cung cấp đầu vào cho doanh nghiệp".
Chuyên gia Thiên cũng đặt vấn đề rằng Nhà nước có cần hỗ trợ cho ngân hàng trong việc hỗ trợ tài chính cho vay sản xuất xanh? Theo ông, nếu dư nợ vay cho kinh tế xanh khó khăn thì nhà nước có thể hỗ trợ thêm về cơ chế, giúp hệ thống tài chính để đảm bảo doanh nghiệp sản xuất sản phẩm xanh có thể hưởng những lợi ích tài chính thực sự. "Làm được điều này sẽ thúc đẩy kinh tế xanh về tiêu dùng rõ rệt hơn", ông nói.
Liên quan đến nhãn xanh, theo ông các tiêu chí rất quan trọng, và cơ chế đưa ra cần để doanh nghiệp tự quản trị và bảo đảm các tiêu chí đó. Còn nếu tiêu chí theo cơ chế xin - cho nhiều khi lại là bi kịch cho doanh nghiệp, dẫn đến tiêu chuẩn giả, không hiệu quả, ông Thiên nói.
Yêu cầu "xanh hóa" từ môi trường sống đến nơi làm việc
Trên thực tế, tăng trưởng xanh xuất phát từ nhu cầu của thị trường, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19, người tiêu dùng ngày càng quan tâm, chú trọng đến yếu tố sống xanh và tiêu dùng xanh hơn. Số lượng người sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm sinh thái thân thiện gần đây cho thấy thị trường của các sản phẩm thân thiện môi trường đang mở rộng và là xu hướng.
Trong khuôn khổ phiên thảo luận với sự chia sẻ của 2 doanh nghiệp lớn trong ngành bất động sản là Tập đoàn Kepple Land và Tập đoàn Hưng Thịnh cho thấy rõ rằng một bộ phận không nhỏ từ phía người tiêu dùng, người lao động yêu cầu môi trường sống và không gian làm việc phải xanh, thân thiện và an toàn hơn.
Tại phiên thảo luận, ông Võ Văn Khang, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh, cho biết bất động sản xanh là nhu cầu thật sự hiện nay trên thị trường, đặc biệt là sau dịch Covid-19 yêu cầu đó của người dùng tăng lên rõ rệt. "Chúng tôi có lượng khách hàng, có phân khúc riêng về bất động sản xanh. Và đây là một trong những tiêu chí được Hưng Thịnh xác định tập trung phát triển trong thời gian tới", ông Khang chia sẻ.
Trong những năm qua Hưng Thịnh cũng tập trung phát triển các dự án bất động sản xanh với môi trường và cảnh quang gắn liền với thiên nhiên, biển, thời tiết ôn hòa,…"Trong thiết kế chúng tôi luôn đưa yếu tố xanh hoặc tạo cảnh quang xanh, không gian sống và làm việc tốt nhằm giảm căng thẳng,..." ông Khang nói và cho biết "Trong 2 năm qua, Hưng Thịnh tìm kiếm các công ty tạo cảnh quang có chất lượng để thực hiện M&A hoặc hợp tác phát triển, đầu tư".
Ngoài ra, các công trình phát triển của Hưng Thịnh cũng phải tính đến yếu tố tiết kiệm nặng lượng, giảm rác thải, sử dụng ánh sáng tự nhiên, mặt trời, năng lượng gió, đối lưu không khí…
Trong khi đó, theo ông Joseph Low, Chủ tịch Keppel Land Việt Nam, là công ty thành viên thuộc sở hữu của Tập đoàn Keppel, một công ty đa quốc gia hàng đầu của Singapore, Keppel Land Việt Nam cũng đã vận dụng sức mạnh và năng lực toàn diện của Tập đoàn để đem đến các giải pháp sáng tạo cho cộng đồng, các giá trị bền vững, cung cấp sản phẩm chất lượng và giá trị cao.
Keppel Land cam kết lượng phát thải carbon về mức 0 ròng vào năm 2050. "Phương pháp tiếp cận bền vững của chúng tôi bắt đầu với mục tiêu là điều hành một doanh nghiệp có lợi nhuận, an toàn và có trách nhiệm, cung cấp đề xuất giá trị tốt nhất cho khách hàng, tạo ra sự khác biệt cho cộng đồng rộng lớn hơn và đóng góp vào một tương lai bền vững", ông nói, và cho biết Keppel Land Việt Nam sẽ tái tạo đô thị bền vững, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn; làm xanh các tòa nhà, sử dụng công nghệ tiên tiến, phát triển các dự án bền vững và đáng sống.
Các doanh nghiệp, chuyên gia cũng trao đổi các giải pháp nhằm chuyển đổi sang tăng trưởng xanh mà vẫn giải quyết được bài toán chi phí vốn, chi phí đầu tư, doanh thu và lợi nhuận; cách thức nắm bắt các xu hướng kinh tế xanh và tăng trưởng xanh, đón đầu, phục vụ đúng yêu cầu người tiêu dùng trong giai đoạn mới.
Quảng Nam là một trong những địa phương đang có hướng đi phát triển bền vững, du lịch tuần hoàn. Theo ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam, ngành du lịch có thể dẫn dắt tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn bởi đây là ngành tổng hợp của nhiều ngành khác.
“Thị trường về du lịch xanh và du lịch tuần hoàn là hoàn toàn có. Quảng Nam nói riêng và Việt Nam nói chung có nguồn lực và cơ hội để tạo ra thị trường này”, ông Thanh nói.
Tuy nhiên làm sao để doanh nghiệp và xã hội cùng tham gia thì không dễ dàng, nếu không nói là rất khó khăn. Khó về tài chính là chuyện đã rõ nhưng khó hơn nữa theo ông Thanh là văn hóa của con người. Bởi đa số người Việt trong kinh doanh nhìn cái lợi trước mắt hơn là nghĩ về lâu dài. Mặt khác để tuyển dụng nhân sự cho du lịch xanh thì cũng rất khó vì không đủ nguồn lực để đào tạo cho lực lượng này.
Do đó, vấn đề hiện tại theo ông Thanh đó là doanh nghiệp cần phải cân bằng được nguồn lực trước mắt và tính đến lâu dài.
Nhiều doanh nghiệp ở các lĩnh vực khác đang chuyển hướng sang kinh tế xanh và tăng trưởng xanh, xem đây là cơ hội để nâng cao sức cạnh tranh, bắt kịp xu thế phát triển của thị trường trong nước và thế giới.