Thứ năm, 13/02/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Ai như cây chuối miền Tây…

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ai như cây chuối miền Tây...

TS. Dương Văn Ni

(TBKTSG) - LTS: Trong một lần nói về nông thôn và nông nghiệp, Tiến sĩ Dương Văn Ni, Giám đốc Trung tâm Đa dạng sinh học Hòa An (Đại học Cần Thơ), ví von: “Thân phận người nông dân giống như cây chuối vậy đó!”. Ông viết bài này, về người nông dân ở ĐBSCL...

Miền Tây Nam bộ - đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được thiên nhiên ưu đãi về điều kiện đất, nước, khí hậu, nên từ lâu nơi đây là cái nôi của cây ăn trái trong cả nước. Dân gian gọi nơi trồng cây ăn trái là vườn, vùng tập trung nhiều vườn cây ăn trái gọi là miệt vườn.

Miệt vườn nổi tiếng ở ĐBSCL thường gắn với một loại trái cây ngon như quít tiều Lai Vung, bưởi năm roi Bình Minh, cam mật Phong Điền, chôm chôm Cái Mơn, dừa Bến Tre... Ta chỉ cần “phanh phui” số phận của một loại cây ăn trái nào đó là có thể hiểu được thân phận lao đao của người nông dân trong mối quan hệ nông thôn - nông nghiệp - nông dân.

Chuối trong vườn nhà, và trong đời sống nông thôn - nông nghiệp ĐBSCL

Ngày trước, khi mới được ra riêng, những cặp vợ chồng trẻ ở ĐBSCL thường bắt đầu chăm chút cho miếng vườn xung quanh nhà. Trước tiên họ trồng chuối, vì chuối mau cho trái.

Trái chuối chín thơm ngọt, dinh dưỡng cao nên trẻ em rất thích; trái chuối sống có thể nấu để ăn thay cho cơm gạo; hoa chuối làm gỏi là thứ không thể thiếu khi ăn mắm; lá chuối vừa để gói bánh, trải bàn, lót chuồng, úm heo và nhúm lửa; bẹ chuối thì làm dây lợp nhà, gói bánh, bó rau, bó lúa và thân chuối thì để nuôi heo, nuôi cá.

Cây chuối không cao lại có lá to nên được trồng gần nhà do có nhiều bóng mát và ít nguy hiểm khi đổ ngã. Nông dân còn ghi nhận việc trồng chuối sẽ làm xốp đất, tăng chất hữu cơ, cải tạo đất xấu nên sau đó trồng lại cây gì cũng mau tốt.

Tuổi thơ của nhiều người vẫn còn nhớ cái cảm giác hồi hộp, lo sợ, sung sướng đan xen nhau khi ôm thân cây chuối lần đầu tiên bì bõm trước ao nhà để tập lội; hay phập phồng, nhấp nhổm ngồi trên chiếc bè chuối chông chênh chống ngang qua con rạch để cắp sách đến trường.

Và cũng lắm lần xuýt xoa nhìn con vịt, con cá ốp bẹ chuối nướng lên vàng rực và thơm phức; hay cùng nhau cất chòi lợp bằng lá chuối tươi, lá khô làm nệm, bẹ chuối cắt ra làm mâm, làm chén với đủ loại thức ăn xanh đỏ từ các loài hoa dại quanh nhà. Lớn lên, còn được học cách dùng thân, bẹ, hoa chuối để trang trí đình chùa khi có lễ lộc hay làm cổng, làm rạp cho các đám cưới, đám hỏi của thanh niên trong làng.

Bấy nhiêu đủ thấy người xưa trồng cây ăn trái đã có mục đích rất cụ thể, đó là bảo đảm an toàn lương thực, thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng hàng ngày và cải thiện môi trường đất, nước. Và trong sự tương tác qua lại đó, giữa con người và cây ăn trái, đã hình thành nên yếu tố văn hóa đặc thù của ĐBSCL.

Trái cây được đặt trang trọng trên các bàn thờ để dâng cúng ông bà, tổ tiên, đất trời, từ trong nhà đến các chùa chiền; trái cây còn được quy định là một trong những lễ vật không thể thiếu khi cưới hỏi: rượu - trà - bánh-trái (mâm trái cây), ma chay, năm mới (mâm ngũ quả); khi thăm viếng họ hàng hay người đau ốm. Tóm lại, trái cây là hiện thân sinh động nhất của nền văn hóa ở ĐBSCL.

Khi chuối bị quên đi nguồn gốc, môi trường...

Nhưng rồi mọi việc đã thay đổi, có lẽ quá trình thay đổi bắt đầu bằng sự thay thế vai trò thỏa mãn tiêu dùng hàng ngày của từng loại cây ăn trái. Ví như việc sử dụng túi nylon, giấy, dây nhựa đã làm lu mờ vai trò của cây chuối. Để rồi người dân cắt lá chuối, dây chuối đem ra chợ bán thưa dần do không có ai mua. Dần dà mọi người không còn thấy cây chuối quan trọng như trước đây nữa.

Điều này làm thay đổi nhận thức của nông dân và các nhà quản lý về vai trò của cây chuối. Họ sẵn sàng đốn hết vườn chuối để thay bằng cây trồng khác, miễn là có thị trường. Và khi một cây ăn trái nào đó không cho giá trị kinh tế cao thì bị xem như là cây tạp. Vườn không có thu nhập kinh tế cao bị xem là vườn tạp. Nỗ lực cải tạo, thay đổi vườn tạp hiện còn đang xảy ra mãnh liệt ở ĐBSCL.

Việc chuyển đổi này còn do yếu tố dịch bệnh tác động. Do trước đây người dân trồng xen nhiều loại cây ăn trái trong một khu vườn, nên sâu bệnh không có cơ hội tập trung. Nay chuyển sang trồng chỉ một loại cây ăn trái nên dễ dàng xảy ra dịch bệnh. Bệnh vàng lá gân xanh trên cây có múi xảy ra lâu nay là một ví dụ.

Vì không có giá trên thị trường, người dân không quan tâm chăm sóc, nên giá trị trái cây càng thấp. Từ lúc trồng đến thu hoạch, vận chuyển, tồn trữ không được đầu tư đúng kỹ thuật, phương pháp, nên khi trái cây đến chợ đã không còn phẩm chất như ban đầu, nhìn cũng không bắt mắt. Không như những loại trái cây ngoại nhập, chúng được bao bọc cẩn thận nên không bị úng, dập nên hấp dẫn người tiêu dùng.

Việc mất dần diện tích vườn cây ăn trái còn do các chính sách ưu tiên như vay vốn ngân hàng để cải tạo vườn tạp; việc quy hoạch các khu dân cư, khu công nghiệp, vui chơi giải trí vào các vùng đất mầu mỡ vốn là nơi thích hợp cho cây ăn trái. Vì vậy, cây ăn trái phải dịch chuyển vào những nơi không thuận lợi như ngập sâu, đất nhiễm phèn, mặn... càng làm cho chất lượng giảm thêm và chi phí sản xuất, vận chuyển lại tăng cao.

Xã hội đã dốc sức vực dậy sức cạnh tranh của cây ăn trái trong thời gian qua như tuyển chọn giống tốt, sạch bệnh; áp dụng quy trình sản xuất sạch, an toàn; cải tiến khâu chăm sóc, vận chuyển, bảo quản; và tiếp thị rộng rãi qua các phương tiện truyền thông, các hội chợ trái cây ngon, hội chợ nông nghiệp...

Nhưng xem ra các nỗ lực này chỉ tập trung sức cạnh tranh cho phần trái (sản lượng, chất lượng) mà không quan tâm nhiều đến những phần còn lại như thân, lá, hoa, vốn là các giá trị tiêu dùng hàng ngày của người dân; hay như phần rễ của cây có giá trị môi trường như hấp thu chất thải, làm xốp đất, cung cấp chất hữu cơ... cũng ít được đề cập đến. Quan trọng nhất là các giá trị văn hóa của cây ăn trái chưa được gìn giữ và đầu tư khai thác đúng mức.

Có thể kiểm tra điều này bằng cách hỏi xem các cháu thiếu nhi biết được gì về cây chuối. Câu trả lời có thể đoán trước là “Trái chuối ăn được!”. Và nếu vậy, chuối nào cũng ăn được, đâu phải chỉ có chuối Việt Nam. Mâm ngũ quả cúng trên bàn thờ vào đầu xuân đã có lê, táo, nho thay cho các trái cây truyền thống như sung, dừa, đu đủ. Thăm người ốm đau thì có ký đường cát hay hộp sữa thay cho giỏ cam.

Các panô, áp phích quảng cáo về cây ăn trái cũng chỉ cố gắng khai thác phần to trái, trắng thịt, dầy cơm. Hướng dẫn viên du lịch dẫn khách vào vườn cây ăn trái thì ráng thuyết minh xoay quanh chất lượng ngon, bùi, bổ, rẻ; hay họa hoằn lắm mới thêm phần dược tính như xổ độc, mát gan, giảm mụn. Lo nhất là khi chúng ta bắt đầu thực hiện các cam kết về thương mại trong khu vực (AFTA) và trên thế giới (WTO), trong đó hàng rào thuế quan cho mặt hàng nông sản gần như không còn, thì việc trái cây nước ngoài “hạ đo ván” trái cây nội địa là điều khó tránh khỏi.

...thì số phận nông dân cũng lao đao

Nói tóm lại, vai trò và số phận của cây chuối cũng giống như sự lao đao, lận đận của người nông dân hiện nay. Nếu cây chuối đi tiên phong trong việc gầy dựng cơ nghiệp của một gia đình, thì nông dân là người khai sinh ra ĐBSCL! Rồi họ còn phải giữ vai trò sản xuất và bảo đảm an toàn lương thực cho cả nước; gìn giữ bờ cõi và nền văn hóa truyền thống của cha ông; cứu nguy cho nền kinh tế những lúc lao đao. Nhưng họ lại là nhóm người có thu nhập thấp nhất hiện nay và con cái ít được học hành nhất! Vì vậy, nếu nông dân vẫn tiếp tục bị tụt hậu như hiện nay thì mục tiêu phát triển bền vững của chúng ta sẽ còn là thách thức lâu dài.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới