(KTSG Online) - Mỹ gia hạn thời gian ban hành kết luận cuối cùng vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế, chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với gỗ dán cứng từ Việt Nam.
Mới đây, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã thông báo gia hạn thời gian ban hành kết luận cuối cùng vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế, chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với gỗ dán cứng từ Việt Nam. Theo đó, DOC dự kiến ban hành kết luận cuối cùng vào ngày 17-10-2022 thay vì ngày 20-4-2022 như thông báo trước đây. Đây là lần gia hạn thứ ba của DOC đối với nội dung này.
Vụ việc được DOC khởi xướng điều tra vào ngày 17-6-2020 trên cơ sở đề nghị của Cơ quan Hải quan Hoa Kỳ (CBP) với:
(1) Điều tra về phạm vi sản phẩm (scope inquiry): Để xác định gỗ dán cứng nhập khẩu từ Việt Nam vào Hoa Kỳ có thuộc phạm vi sản phẩm bị áp thuế hay không, DOC sẽ xem xét 5 yếu tố trong quá trình sản xuất gỗ dán cứng của các nhà xuất khẩu, bao gồm: (i) mức độ đầu tư của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu; (ii) mức độ đầu tư vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm; (iii) quá trình sản xuất tại Việt Nam; (iv) quy mô của các cơ sở sản xuất tại Việt Nam; và (v) phần giá trị gia tăng của sản phẩm được thực hiện ở Việt Nam.
(2) Điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (anticircumvention): Mục tiêu điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ là để đảm bảo hiệu lực thực thi các biện pháp phòng vệ thương mại đang áp dụng với gỗ dán cứng của Trung Quốc. Do đó, trong trường hợp các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu gỗ dán của Việt Nam chứng minh được mình không lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại mà Hoa Kỳ đang áp dụng đối với Trung Quốc sẽ không bị áp dụng thuế chống lẩn tránh.
Trong thời gian vừa qua, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan đã phối hợp trả lời các bản câu hỏi do DOC đưa ra để xác minh làm rõ vụ việc, đồng thời cũng có các hình thức trao đổi, đối thoại để phía Hoa Kỳ hiểu rõ về ngành sản xuất, chế biến gỗ của Việt Nam. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cũng đã hợp tác với DOC để chứng minh hoạt động sản xuất, xuất khẩu của mình không nhằm lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ.
Để đảm bảo lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sản phẩm gỗ dán cứng sang Hoa Kỳ, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị các doanh nghiệp tiếp tục theo dõi sát diễn biến vụ việc, thường xuyên cập nhật thông tin từ DOC, Cục Phòng vệ thương mại và đối tác nhập khẩu tại Hoa Kỳ; hợp tác đầy đủ với DOC trong quá trình điều tra
Trong một diễn biến khác, các doanh nghiệp hoạt động trong ngành chế biến đồ gỗ xuất khẩu đang trải qua những biến động rất lớn do giá cả mặt hàng gỗ nguyên liệu tăng mạnh, tăng từ trên 35% đến hơn 50% chỉ trong một khoảng thời gian ngắn.
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), cho biết ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam đang trải qua những biến động rất lớn trong thời gian vừa qua. Đại dịch Covid-19 và gần đây là xung đột giữa Nga và Ukraina làm cho cước vận chuyển tăng phi mã, giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu tăng cao.
Dẫn số liệu thống kê gỗ nhập khẩu từ Tổng cục Hải quan, ông Lập cho biết chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm 2022, giá gỗ thông tròn nhập khẩu đã tăng 52%, gỗ thông xẻ nhập khẩu tăng 38%, gỗ sồi xẻ tăng 36%.
Bên cạnh đó, thời gian nhập khẩu kéo dài dẫn đến các doanh nghiệp phải chậm các hoạt động sản xuất. Các yếu tố này đang trực tiếp làm giảm lợi thế cạnh tranh của ngành, Chủ tịch Vifores nói.
Bài toán cần thiết hơn bao giờ hết đặt ra cho ngành hiện nay là làm thế nào Việt Nam cần chủ động được nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào, tiến tới thay thế nguồn gỗ nhập khẩu đang ở con số 5-6 triệu mét khối mỗi năm như hiện nay.