Chủ Nhật, 5/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Sau 30 năm tái lập, quy mô kinh tế tỉnh Sóc Trăng tăng 38 lần

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Sau 30 năm tái lập tỉnh (tháng 4-1992 đến tháng 4-2022), nền kinh tế của tỉnh Sóc Trăng đã có bước phát triển theo hướng giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng công nghiệp và thương mại dịch vụ.

Thủ tướng Chính phủ trao quyết định công nhận TP Sóc Trăng là đô thị loại II trực thuộc tỉnh. Ảnh: Trung Chánh

Tại lễ kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh, công nhận TP Sóc Trăng là đô thị loại II trực thuộc tỉnh diễn ra vào tối 27-4, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho rằng sau 30 năm tái lập, kinh tế của tỉnh Sóc Trăng đã có bước phát triển vượt bậc.

Cụ thể, thời điểm mới tái lập, Sóc Trăng là một tỉnh nghèo của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), thu ngân sách hàng năm chỉ khoảng 45 tỉ đồng và thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 1,3 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, sau 30 năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt trên 13%; quy mô kinh tế của tỉnh năm 2021 tăng 38 lần và thu nhập bình quân đầu người tăng 35 lần so với năm 1992; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng khu vực I, tăng dần khu vực II và III.

Ngoài ra, theo ông Lâu, sản lượng lúa năm 2021 của địa phương đạt trên 2 triệu tấn, là 1 trong 5 tỉnh có sản lượng cao nhất cả nước; tổng sản lượng thủy sản tăng gần 13 lần so với năm 1992.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, sau 30 năm tái lập tỉnh, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân của Sóc Trăng đạt 10,18%/năm; cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hoá hiện đại hoá. “Năm 2021, quy mô nền kinh tế của Sóc Trăng tăng 38 lần so với 1992; nông lâm ngư nghiệp giảm từ 68,3% xuống còn 44,7%, công nghiệp xây dựng tăng từ 9,68% lên 15,11% và dịch vụ tăng từ 22,02% lên 40,11%”, ông Chính nói.

Theo Thủ tướng, công nghiệp đang dần trở thành ngành phát triển chủ đạo của tỉnh Sóc Trăng khi địa phương đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo với nhiều dự án điện gió được triển khai; công nghiệp chế biến nông thuỷ sản, sản xuất hàng tiêu dùng, may mặc đã có những bước phát triển mạnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, giải quyết việc làm, tăng năng suất và thu nhập cho nhân dân.

Bên cạnh những thách tích đã đạt được sau 30 năm tái lập tỉnh, Thủ tướng cho rằng, tốc độ phát triển kinh tế của Sóc Trăng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng; kết cấu hạ tầng kinh tế chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; môi trường đầu tư kinh doanh còn hạn chế, các chỉ số về hiệu quả quản trị hành chính công và năng lực cạnh tranh cấp tỉnh vẫn ở mức thấp. “Ví dụ, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm nay xếp thứ 54/63 tỉnh thành và chỉ số PAPI xếp 61/63 tỉnh thành”, Thủ tướng dẫn chứng.

Trước vấn đề nêu trên, Thủ tướng cho rằng, Sóc Trăng cần phải xác định rõ tiềm năng khác biệt; cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để phát triển nhanh bền vững với tinh thần “dựa vào nội lực là quyết định, là chiến lược cơ bản lâu dài và nguồn lực bên ngoài là quan trọng và đột phá”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới