Thứ hai, 25/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

‘Chủ nhật buồn’ (*)

Quỳnh Thư

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Hôm nay là Chủ nhật, ngày đầu tiên của tháng 5 và là một ngày vui. Chắc hẳn nhiều người trong số chúng ta vẫn giữ tâm lý thoải mái vì còn hai ngày nghỉ bù nữa để tận hưởng một dịp lễ lớn trước khi bước vào đợt làm việc kéo dài gần bốn tháng cho đến Quốc khánh 2-9 mà không có một ngày nghỉ toàn quốc nào.

Nhưng không biết Sơn Tùng M-TP, 28 tuổi, một ca sĩ rất được giới trẻ ưa chuộng hiện nay, có được sự thoải mái như vậy hay không bởi vì MV (music video, đoạn video ca nhạc) mới nhất của anh, There’s no one at all (ca khúc bằng tiếng Anh), đã gây ra một làn sóng tranh cãi dữ dội về nội dung của nó, buộc các cơ quan chức năng phải vào cuộc.

Hai ngày trước, ngày 29-4, qua fanpage (trang người hâm mộ), Sơn Tùng đã chính thức thông báo quyết định tạm ngưng phát hành MV này trên YouTube. Đồng thời, ca sĩ cũng xin lỗi khán giả vì “những cảm giác không thoải mái sau khi xem video này”(1). Tuy nhiên, theo các báo, MV đó chỉ ngừng phát hành ở Việt Nam trong khi vẫn có thể truy cập từ nước ngoài.

MV của Sơn Tùng diễn tả một nhân vật vừa chào đời đã bị bỏ rơi; lớn lên bị hắt hủi, bắt nạt đến nỗi trở nên lãnh đạm với mọi thứ trong cuộc đời, luôn tìm cách gây tổn thương mọi người chung quanh. Bài hát có nhiều cảnh mô tả nội tâm giằng xé của nhân vật. Cuối cùng, nhân vật chọn cách nhảy lầu tự tử.

Trước khi bàn thêm về ảnh hưởng có thể có của MV này lên giới trẻ, chúng ta hãy tìm hiểu thêm vài câu chuyện về một bài hát khác được cho là một trong những bài hát gây tranh cãi nhất mọi thời đại. Bài này có nhan đề tiếng Anh là Gloomy Sunday (Chủ nhật buồn).

Nhạc sĩ người Hungary Rezso Seress, tác giả bài hát Gloomy Sunday. (Ảnh từ Internet)

Vì sao bài hát gây tranh cãi nhất?

Năm 1933, nhạc sĩ và nghệ sĩ dương cầm người Hungary Rezso Seress sáng tác một nhạc phẩm và bài hát được bạn ông, nhà thơ László Jávor, viết lời bằng tiếng Hungary. Theo một tài liệu trên mạng, Seress ban đầu đặt tên cho bài hát của mình là Vége a világnak (The World Is Ending, tạm dịch, “Thế giới đang kết thúc”), với ca từ mô tả thời gian một người gốc Do Thái như ông phải ở trong trại tập trung, cũng như về người mẹ của ông chết trong đó(2).

Jávor viết lại lời cho bài hát này và đặt tên là Szomorú Vasárnap (Sad Sunday, tạm dịch “Chủ nhật buồn”), trong đó mô tả một nhân vật mong chờ người yêu đã mất dự đám tang sắp đến của mình. Lời bài hát có hơi hướm tự tử khi nhân vật chính muốn được hội ngộ với người yêu ở thế giới bên kia và tự sắp đặt cuộc hội ngộ đó.

Đến năm 1936, khi phiên bản tiếng Anh ra đời với tên là Gloomy Sunday, chuyện tự tử trong bài hát đã rõ ràng hơn với đoạn ca từ như sau: “Ngày Chủ nhật với những nỗi buồn tôi phải trải qua / Từ trong thâm tâm, tôi nguyện kết thúc tất cả / Sẽ có ngay những ngọn nến và những lời cầu nguyện mà tôi biết rất buồn / Nhưng đừng than khóc mà hãy biết rằng tôi rất vui lòng được ra đi”.

Nhưng những gì diễn ra sau khi bài hát Gloomy Sunday được phát hành ra công chúng mới thật là kỳ lạ. Chỉ vài tháng sau ngày phát hành bài hát, ở Hungary xảy ra 18 trường hợp tự tử được cho là do bài hát này. Một bài báo đăng năm 1936 trên tờ báo Mỹ Time mô tả một số trường hợp tự sát liên quan đến bài hát. Chẳng hạn, một người thợ đóng giày tên Joseph Keller tìm đến cái chết, để lại thư tuyệt mệnh trích lời bài hát. Tờ Time cũng viết về một nhóm người trầm mình trong dòng sông Danube mang theo cùng họ bản nhạc Gloomy Sunday.

Dù không có bằng chứng hoàn toàn xác thực, người ta cho rằng có từ 100 đến 200 trường hợp tự tử ở các nước phương Tây liên quan đến giai điệu buồn của bài hát, đến nỗi Gloomy Sunday được đặt cho cái tên không chính thức là “Bài hát tự tử Hungary”. Khi ấy, bài hát bị cấm ở nước này, rồi sau đó trên đài phát thanh BBC của Anh Quốc. Ở Mỹ, mặc dù luật pháp chưa bao giờ chính thức cấm Gloomy Sunday, rất nhiều đài phát thanh từ chối phát nó. Cũng vào năm 1936, tờ New York Times đăng bài viết tường thuật vụ tự sát của một thiếu niên Mỹ 13 tuổi. Trong ví của cậu bé, người ta tìm thấy bản nhạc Gloomy Sunday.

Gloomy Sunday có phải là tội đồ?

Khó có câu trả lời hoàn toàn xác đáng cho câu hỏi này. Theo trang mạng www.ranker.com(3), một số rất đáng kể những vụ tự tử được cho rằng có liên quan đến bài hát xảy ra ở Budapest, thủ đô Hungary, quốc gia khi ấy dẫn đầu thế giới về tỷ lệ người tìm cái chết. Tỷ lệ này ở Hungary là 48 vụ trên 100.000 dân so với 12 trên 100.000 dân ở Mỹ.

Theo trang mạng này, có lẽ người trầm cảm tìm đến những nhạc khúc buồn là vì họ có thể tìm thấy tâm trạng của mình trong đó, và có lẽ bài hát không liên quan trực tiếp đến cái chết của họ. Tuy nhiên, mặt khác, biết đâu bài hát gieo nỗi sợ hãi này lại thực sự tạo ra hiệu ứng cộng hưởng đủ lớn đẩy một số người khỏi giới hạn chịu đựng, khiến họ tìm đến cái chết.

Trên thực tế, ban đầu những lời cáo buộc bài hát Gloomy Sunday gây ra các vụ tự tử ngày càng nhiều. Nhiều nước ban hành lệnh cấm bài hát này. Nhưng càng cấm, nó càng nổi tiếng trong khi nạn nhân được cho là do nó gây ra càng nhiều. Seress, tác giả bài hát, bị 15 quốc gia đâm đơn kiện, buộc tội ông có liên quan đến các vụ tự tử ở nước họ.

Còn There’s no one at all thì sao?

Trong một văn bản gần đây, Cục Nghệ thuật biểu diễn cho rằng MV của Sơn Tùng có “nhiều cảnh đuổi bắt, đập phá, bạo lực (…) tác động mạnh đến tâm lý người xem, dễ gây ảnh hưởng, định hướng hành vi tiêu cực của xã hội, đặc biệt là trẻ em”(4).

Nhưng có lẽ, đáng ngại nhất đối với dư luận là hình ảnh nhân vật nhảy từ lầu cao xuống đất. Nhiều người cho rằng hình ảnh tự tử này rất dễ tác động xấu đến giới trẻ, đặc biệt là khi xuất phát từ một người nổi tiếng, có ảnh hưởng lớn đến công chúng hâm mộ như Sơn Tùng.

Như đã nói ở trên, trong thời kỳ Gloomy Sunday bị cho là gây ra các vụ tự tử ở phương Tây, xã hội đang bị khủng hoảng trầm trọng với chiến tranh, kinh tế suy sụp, thất nghiệp gia tăng. Trong bối cảnh như vậy, giai điệu và ca từ bi thương của bài hát có thể trở thành “giọt nước tràn ly”.

Thực tế cho thấy, sau Chiến tranh thế giới thứ hai, không còn hiện tượng tự tử vì bài hát nữa. Lệnh cấm bài hát này cũng bị bãi bỏ từ lâu. Ở Việt Nam, trước 1975, Gloomy Sunday được cố nhạc sĩ Phạm Duy viết lời Việt với tựa đề Chủ nhật buồn. Sau 1975, bài hát cũng đã được thu âm.

Còn trước khi MV There’s no one at all tạm ngưng phát hành cách đây mấy ngày, đã có gần tám triệu lượt xem. Cho đến giờ, chưa có sự việc đáng tiếc nào xảy ra. Dù sao thì ca sĩ Sơn Tùng cũng đã lắng nghe dư luận và các cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, có lẽ cũng cần lưu ý việc sau đây. Thời điểm tung ra MV với kết cục “nhảy lầu” dường như không thích hợp cho lắm vì trước đó không lâu, đã có một số sự việc đáng tiếc với những nạn nhân trẻ tuổi tìm đến cái chết tương tự như đoạn kết của MV. Sự tình cờ đó khiến công chúng, nhất là các bậc phụ huynh, không thể không lo lắng.

Cho đến nay, Chủ nhật buồn vẫn lưu hành trong làng âm nhạc thế giới, bất kỳ ai cũng có thể nghe bài hát này qua mạng. Nhưng tác giả bài hát thì không may mắn như vậy. Seress bị trầm cảm suốt cả cuộc đời và nhiều lần tự tử không thành. Ngày 13-1-1968, ông nhảy qua cửa sổ một tòa nhà định kết liễu đời mình, nhưng vẫn chưa chết. Sau đó trong bệnh viện, ông treo cổ bằng dây điện. Lần này thì không còn ai có thể cứu được ông.

Với một số người, việc ngưng hay không ngưng một MV gây tranh cãi loại này cũng thuộc phạm trù đạo đức. Tuy nhiên, chắc không thể loại trừ hoàn toàn một trong những nguyên nhân đưa đến kết cục bi thảm của Seress là ý nghĩ để đạt đến vinh quang mà phải trả giá bằng mạng người, dù chỉ một người, thì liệu có nên hay không? Và nếu điều này thực sự xảy ra, liệu sự hối hận có theo ta cho đến khi nhắm mắt lìa đời?

---------------

(*) Tựa bài hát của bản tiếng Anh Gloomy Sunday, được cố nhạc sĩ Phạm Duy viết lời Việt

(1)https://tuoitre.vn/son-tung-m-tp-xin-loi-mv-theres-no-one-at-all-chi-ngung-phat-hanh-tai-viet-nam-20220429194838929.htm

(2),(3)https://www.ranker.com/list/gloomy-sunday-song-curse/jessika-gilbert

(4)https://vnexpress.net/son-tung-m-tp-xin-loi-khan-gia-4457893.html

1 BÌNH LUẬN

  1. Với nghệ thuật, mọi điều đều có thể xảy ra. Đủ thứ cung bậc của cuộc sống, vui, buồn, sống, chết, đau, khổ… đều được thể hiện, biến tấu tùy theo tài năng và kỹ năng của ca nhạc sỹ. Nếu ta chấp nhận sự phản ánh như là sứ mệnh bản năng của nghệ thuật thì không có vấn đề gì để bàn. Nhưng nếu ta chỉ chấp nhận những gì ta thích, ta hiểu, hoặc cho phép thì vấn đề sẽ đi vào một phạm trù khác, phạm trù của ý thức hệ. Con người có quyền thưởng thức nghệ thuật dưới mọi góc độ khác nhau. Nhưng giữa nhận thức và hành vi sẽ luôn tồn tại một khoảng cách, không thể xóa bỏ. Khổ thay, chính khoảng cách tạo ra sự thăng hoa và hấp dẫn của nghệ thuật.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới