Thứ hai, 30/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Ứng phó với ‘bão giá’ phân bón bằng cách nào?

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Giá phân bón tăng cao tác động khá lớn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp nói chung và lúa gạo nói riêng, nhưng việc can thiệp vào giá của mặt hàng này bằng biện pháp hành chính là không thể. Vậy, có cách nào giúp người nông dân ứng phó với “bão giá” phân bón hay không?

Giá phân tăng "ăn" mòn hết lợi nhuận của nông dân trồng lúa. Ảnh: Trung Chánh

Giá phân bón leo thang “ăn” mòn lợi nhuận nông dân trồng lúa

Trao đổi với KTSG Online, các đại lý chuyên kinh doanh phân bón ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cho biết, giá loại sản phẩm này tiếp tục “leo thang” trong bối cảnh nguồn nguyên liệu sản xuất tiếp tục bị tác động mạnh bởi cuộc chiến Ukraine- Nga.

Theo đó, phân đạm (ure) Cà Mau ở khu vực ĐBSCL hiện có giá 870.000-920.000 đồng/bao 50 kg, tăng 130.000-150.000 đồng/bao 50 kg so với thời điểm tháng 11 năm ngoái; đạm Phú Mỹ có giá 860.000-900.000 đồng/bao 50 kg, tăng 120.000 đồng/bao; đạm Ninh Bình có giá 850.000-900.000 đồng/bao 50 kg, tăng 120.000-130.000 đồng/bao; đạm Trung Quốc tăng 160.000 đồng/bao 50 kg để vượt lên mức giá 880.000-920.000 đồng/bao 50 kg so với tháng 11 năm ngoái.

Trong khi đó, giá các loại phân DAP hiện cũng tiếp tục tăng trên dưới 100.000 đồng/bao 50 kg so với thời điểm tháng 11 năm ngoái.

Theo đó, DAP Hồng Hà hiện có giá 1,35-1,4 triệu đồng/bao 50 kg; DAP Đình Vũ có giá 1,05-1,15 triệu đồng/bao 50 kg; DAP Philippines có giá 1,25-1,35 triệu đồng/bao 50 kg; DAP Hàn Quốc có giá 1,39-1,49 triệu đồng/bao 50 kg và DAP Nga đen 64% có giá 1,35-1,45 triệu đồng/bao.

Giá các loại phân Kali, tất cả đều vượt ngưỡng 1 triệu đồng/bao 50 kg, trong khi cách đây hai năm phân Kali có giá chỉ 360.000-500.000 đồng/bao.

Cụ thể, Kali Cà Mau và Phú Mỹ có cùng mức giá bán là 1,05-1,1 triệu đồng/bao 50 kg; Kali Con Cò có giá 1,15-1,2 triệu đồng/bao 50 kg; kali Canada là 1,05-1,1 triệu đồng/bao 50 kg; Kali Israel là 1,1-1,2 triệu đồng/bao 50 kg; kali Belarus và Jordan có cùng giá bán là 1,05-1,1 triệu đồng/bao 50 kg.

Giá các loại phân NPK hiện cũng vượt lên mức giá rất cao, đạt từ 780.000-970.000 đồng/bao 50 kg, tuỳ loại và công ty. Trong đó, NPK Hàn Quốc 16-16-8+9S có giá thấp nhất là 780.000-820.000 đồng/bao 50 kg; NPK 16-16-8+TE Việt Nhật có giá cao nhất đạt mức 920.000-970.000 đồng/bao 50 kg.

Thông tin từ Cục trồng trọt cho biết, phân bón là yếu tố chiếm đến gần 1/4 (22%) trong tổng chi phí cấu thành nên giá thành sản xuất lúa ở ĐBSCL (chưa kể thuốc bảo vệ thực vật chiếm khoảng 16%). Vì vậy, với việc giá phân bón tăng mạnh thời gian qua, đã ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận người nông dân thu được từ hoạt động sản xuất lúa.

Trao đổi với KTSG Online mới đây, bà Đặng Thị Liên, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thực phẩm Long An- đơn vị có thực hiện liên kết, cung ứng vật tư và bao tiêu sản phẩm cho nông dân- cho biết, so với vụ đông xuân 2019-2020, giá thành sản xuất vụ đông xuân 2021-2022 tăng thêm khoảng 10 triệu đồng/héc ta, tức khoảng 1 triệu đồng/công (1.000 m2). “Lúc trước, một bao phân urê có giá chỉ 350.000 đồng, một bao phân DAP là 580.000 đồng. Thế nhưng, bây giờ urê là 800.000 đồng/bao; DAP 1,2 triệu đồng/bao”, bà Liên dẫn chứng và cho biết thêm, tất cả các khoản chi phí thuê nhân công, phun xịt thuốc, chi phí làm đất… cũng đều tăng cao.

Với mức chi phí sản xuất tăng khoảng 10 triệu đồng/héc ta, tương đương 1 triệu đồng/công, trong khi đó, Cục Trồng trọt công bố bình quân năng suất lúa vụ đông xuân 2021-2022 ở ĐBSCL ước đạt gần 7,2 tấn/héc ta, tức mỗi công lúa bình quân ở ĐBSCL sẽ cho năng suất 720 kg. Điều này có nghĩa, giá thành sản xuất lúa vụ đông xuân 2021-2022 tăng thêm trên 1.300 đồng/kg so với vụ đông xuân 2020-2021 (giá thành vụ đông xuân 2020-2021 là 3.068 đồng/kg), tức giá thành sản xuất vụ đông xuân 2021-2022 rơi vào khoảng 4.400 đồng/kg.

Giá bán lúa bình quân theo ước tính của Cục trồng trọt là 5.500 đồng/kg, trong khi chi phí sản xuất là 4.400 đồng/kg, tức lợi nhuận nông dân thu được chỉ khoảng 1.100 đồng/kg lúa. Như vậy, với năng suất lúa bình quân đạt 720 kg/công (7,2 tấn/héc ta), nông dân thu được mức lợi nhuận chưa đến 800.000 đồng/công hay 8 triệu/héc ta.

Kéo giảm chi phí phân bón bằng cách nào?

Liên quan đến giá phân bón tăng cao “ăn” mòn lợi nhuận của người nông dân, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng vào tuần rồi đã nhấn mạnh: “Nhà nước không thể nào can thiệp vô giá thị trường được (phân bón- PV)”.

Theo người đứng đầu ngành nông nghiệp, chiến tranh Ukraine-Nga đã làm đứt gãy hàng loạt nguyên liệu sản xuất phân bón dẫn đến giá tăng cao, trong khi đó, nhà nước không thể can thiệp được về mặt giá cả, cho nên, phải can thiệp bằng cách khác, tức hướng dẫn bà con nông dân làm sao giảm chi phí. “Mô hình khuyến nông đã làm rồi, dự án VnSAT (dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững - PV) đã làm rồi, giúp giảm 40% chi phí đầu vào”, ông Hoan nói và cho rằng, giảm 40% chi phí sản xuất là rất lớn.

Bộ trưởng nông nghiệp kể lại câu chuyện về mô hình sản xuất lúa ở Ninh Bình mà ông đã đi thăm, nông dân tại đây khi gieo sạ chỉ dùng 2,7 kg giống/sào, trong khi nông dân ĐBSCL gieo sạ dùng 15-20 kg, thậm chí trên 20 kg giống/công. “Bà con miền Tây mình quen tư duy “chắc ăn”, vì sợ rủi ro (mưa, thiên tai, dịch hại... - PV) nên sạ dày cho chắc ăn, dẫn đến phân thêm cho chắc ăn, thuốc thêm cho chắc ăn, thành ra chi phí sản xuất lúa của chúng ta gấp đổi so với chi phí sản xuất lúa ở Đồng bằng sông Hồng”, ông nói.

Ngành nông nghiệp các địa phương hoàn toàn có thể can thiệp để giúp nông dân "kéo" giảm chi phí sản xuất lúa thông qua giảm lượng giống, phân bón và thuốc trừ sâu. “Tại sao chúng ta không đeo đuổi theo cái chúng ta có thể can thiệp được?”, ông nêu câu hỏi.

Một vấn đề khác cũng giúp kéo giảm chi phí sản xuất, đó là thành lập hợp tác xã, bởi điều quan trọng của hợp tác xã là “hợp sức lại” để mua chung, bán chung. “Mua chung là mua sỉ, mà mua sỉ thì giá vật tư sẽ giảm, tức đầu vào sẽ giảm”, ông Hoan nói và cho rằng, ứng dụng VnSAT là giảm về lượng, còn liên kết mua chung (hợp tác xã) sẽ giảm về giá. “Cộng giữa lượng và giá, thì nó sẽ giúp giảm chi phí sản xuất rất nhiều”, ông nói và cho rằng, ngược lại bán chung, thì nông dân sẽ bán được giá cao hơn.

Để hiện thực hóa việc giảm chi phí đầu vào cho người nông dân, ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đơn vị này đã cho triển khai thực hiện quy trình kỹ thuật giảm chi phí trồng lúa cho các địa phương ĐBSCL.

Quy trình kỹ thuật giảm chi phí trồng lúa cho các địa phương ĐBSCL được thực hiện gồm nhiều công đoạn như: làm đất, chuẩn bị giống, phân bón, quản lý nước tiết kiệm, quản lý dịch hại, thu hoạch, xử lý sau thu hoạch…

Theo đó, tuỳ theo từng vụ và điều kiện sinh thái, thời tiết và từng nhóm giống, lượng giống gieo sạ không quá 80 kg/héc ta đối với sạ lan (sạ bằng tay, máy phun hạt giống) và không quá 60 kg giống/héc ta đối với phương pháp sạ hàng.

Đối chiếu với thực tế gieo sạ lúa ở ĐBSCL hiện nay, thì với quy trình kỹ thuật nêu trên, lượng giống gieo sạ giảm khoảng 50%. Lượng giống gieo sạ giảm sẽ giúp kéo giảm lượng phân, thuốc phải sử dụng trên đồng ruộng hay nói cách khác chi phí đầu vào sản xuất lúa cũng sẽ được kéo giảm.

Thực tế, đối với quy trình kỹ thuật nêu trên, Cục trồng trọt khuyến cáo đối với vụ hè thu, chỉ nên sử dụng khoảng 90-100 kg phân đạm; 40-50 kg phân DAP và 30 kg phân Kali cho mỗi héc ta, tức mỗi héc ta chỉ sử dụng tối đa 180 kg phân bón, tương đương chỉ hơn 3,5 bao phân loại 50 kg/héc ta.

Trong khi đó, thực tế sản xuất lúa ở ĐBSCL hiện nay, mỗi héc ta trong vụ hè thu nông dân sử dụng lên đến khoảng 8 bao phân loại 50 kg, tức cao hơn quy trình nêu trên khoảng 4,5 bao hay nói cách khác, nếu áp dụng quy trình nêu trên, nông dân sẽ giảm được khoảng 4,5 bao phân cho mỗi héc ta.

Như vậy, với giá phân bình quân khoảng 1 triệu đồng/bao như hiện nay, thì chỉ riêng chi phí phân bón, nông dân đã tiết kiệm được khoảng 4,5 triệu đồng/héc ta.

2 BÌNH LUẬN

  1. Chỉ cần tập trung hỗ trợ cho những dự án đầu tư nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ quy mô lớn với nguồn nguyên liệu đầu vào là chất thải trang trại, phế phẩm trồng trọt, bùn đáy thủy sản…thì bài toán nguồn cung sẽ được giải quyết một phần giúp giảm giá phân bón vô cơ xuống. Chúng tôi đang triển khai những dự án như vậy tập trung cho khu vực ĐBSCL và Đông Nam bộ với mục tiêu 5 triệu tấn chất thải hữu cơ = 1.5 triệu tấn phân bón hữu cơ chuyên dụng cho cây trồng.

  2. Quá đơn giản. Nên chuyển từ công thức “Vô Cơ” sang “Hữu Cơ”. Từ “nghiện” những gì thuộc về hóa học, sang “ghiền” những gì thuộc về tự nhiên. Tóm lại, chỉ cần thay đổi từ “Tham Thâm” (chạy theo năng suất cao bằng mọi giá, dẫn đến kiệt quệ đất đai, kiệt sức cộng đồng, cạn kiệt lãng phí tài nguyên) sang “Thân Tâm” (thân thiện môi trường, tâm an lạc nghiệp).

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới