Chủ Nhật, 5/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Vinamilk có lý hay không?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vinamilk có lý hay không?

Nếu Vinamilk phát hành thêm cổ phiếu thì có quyền giữ lại toàn bộ số tiền thu được nhờ vào việc phát hành này. Còn nếu là chuyển nhượng cổ phiếu thuộc sở hữu nhà nước thì phải trả lại cho Nhà nước như kiến nghị của đoàn thanh tra.

Theo thông tin báo chí (Tuổi Trẻ ngày 6-9-2007): Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) vừa gửi đơn đến Thủ tướng Chính phủ kiến nghị được giữ lại hơn 11,8 tỉ đồng (tiền gốc và lãi) khi thực hiện cổ phần hóa mà Vinamilk chưa nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (theo kết quả thanh tra của Thanh tra Chính phủ). Theo bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vinamilk, số tiền này là khoản thặng dư vốn khi Vinamilk phát hành thêm cổ phần, vì vậy theo luật, Vinamilk có quyền giữ lại và ghi vào vốn chủ sở hữu.

Ý kiến của Vinamilk là có lý nếu số tiền trên đúng là thu được nhờ đấu giá những cổ phiếu mới được phát hành thêm khi Vinamilk thực hiện cổ phần hóa, như bà Mai Kiều Liên cho biết, vì mục đích của việc phát hành thêm cổ phiếu là để tăng vốn. Cho nên sẽ là vô lý và cũng là vi phạm quyền sở hữu tài sản của dân và doanh nghiệp, nếu số vốn huy động được nhờ phát hành thêm cổ phiếu lại bị Nhà nước thu vào ngân sách hay bị điều động ra khỏi doanh nghiệp để đưa vào một quỹ công nào đó, như kiến nghị của đoàn thanh tra.

Mọi người đều biết, trong một công ty cổ phần, trừ một số cổ phiếu ưu đãi đã được định rõ trong điều lệ công ty, mọi cổ phiếu đều có mệnh giá (hay giá trị danh nghĩa) ngang nhau, do đó người sở hữu mỗi cổ phiếu, dù là cổ phiếu cũ hay vừa mới phát hành thêm, đều có quyền lợi và nghĩa vụ ngang nhau. Nhưng thị giá của cổ phiếu phát hành thêm, có thể coi là giá trị thực (hay giá trị nội tại) của cổ phiếu vào thời điểm phát hành thêm này, thường lớn hơn mệnh giá. Điều này đặc biệt rõ trong trường hợp Vinamilk, khi giá cổ phiếu hình thành qua đấu giá lớn hơn mệnh giá nhiều lần, tạo nên chênh lệch, thường quen miệng gọi là “lãi”, giữa thị giá (cũng là giá trị thực lúc đó) với mệnh giá cổ phiếu . Toàn bộ số tiền thu được qua đấu giá cổ phiếu mới phát hành này (gồm cả “tiền gốc” và “lãi”) mới là giá trị của vốn thực tế được đầu tư thêm. Cho nên nó phải được giữ lại doanh nghiệp, trở thành vốn chủ sở hữu mới tăng thêm, tuy rằng nghiệp vụ kế toán quy định chỉ ghi tăng vốn điều lệ theo mệnh giá, còn khoản “lãi” ghi là thặng dư cổ phần, như là phần vốn các cổ đông mới phải góp thêm cho ngang bằng với giá trị thực của mọi cổ phiếu khác, ngõ hầu có được quyền bình đẳng với các cổ đông cũ.

Tuy nhiên vấn đề sẽ hoàn toàn khác nếu Vinamilk chỉ chuyển nhượng một số cổ phiếu cũ nhằm rút bớt một phần vốn của Nhà nước ra khỏi Vinamilk, không có cổ phiếu mới phát hành thêm. Trong trường hợp này, với tư cách người sở hữu những cổ phiếu được chuyển nhượng, Nhà nước có quyền tùy ý sử dụng toàn bộ số tiền thu được qua việc chuyển nhượng này mà không ảnh hưởng gì tới vốn liếng, tài sản của Vinamilk. Kết quả của chuyển nhượng chỉ là thay đổi chủ sở hữu cổ phiếu. Nhà nước từ chỗ là chủ sở hữu duy nhất trở thành một đồng sở hữu, kể cả khi nắm được số cổ phiếu chi phối. Sự thay đổi chỉ được ghi nhận trên sổ cổ đông, bằng việc ghi thêm tên những cổ đông mới với số cổ phiếu họ đã được chuyển nhượng, đồng thời ghi giảm số lượng cổ phiếu thuộc sở hữu nhà nước.

Tóm lại, nếu Vinamilk phát hành thêm cổ phiếu thì có quyền giữ lại toàn bộ số tiền thu được nhờ vào việc phát hành này. Còn nếu là chuyển nhượng cổ phiếu thuộc sở hữu nhà nước thì phải trả lại cho Nhà nước như kiến nghị của đoàn thanh tra.

Lê Văn Tứ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới