Thứ tư, 20/11/2024
25.6 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp dệt may báo lãi lớn trong quí đầu năm

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Đơn hàng xuất khẩu tới tấp và hoạt động sản xuất ổn định dẫn đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may tăng trưởng và lợi nhuận cao trong quí đầu tiên của năm 2022.

Thành quả của những tháng đầu năm đặt ra kỳ vọng toàn ngành có thể vượt mục tiêu cả năm là xuất khẩu đạt từ 42,5 – 43,5 tỉ đô la Mỹ...

Các doanh nghiệp dệt may báo lãi lớn trong quí đầu năm 2022. Ảnh minh họa: TTXVN

Nổi bật từ "ông lớn" trong ngành

Tuần vừa qua, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cho biết tổng doanh thu hợp nhất của tập đoàn trong quí 1 đạt gần 4.900 tỉ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lợi nhuận trước thuế đạt 376,7 tỉ đồng, tăng 74% so với cùng kỳ, bằng 39,6% kế hoạch cả năm. Trong đó, ngành sợi tăng 139% và ngành may tăng 167% so với cùng kỳ. Trừ đi các khoản chi phí và thuế, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ thu về gần 200 tỉ đồng, gấp đôi cùng kỳ 2021.

Kết quả tăng trưởng cao này theo Vinatex là nhờ tận dụng được các lợi thế của thị trường từ cuối năm 2021, hầu hết các đơn vị sợi của tập đoàn đã có được các đơn hàng với giá bán tốt, cộng thêm việc dự báo được sự tăng cao của giá bông, các đơn vị đã đưa ra những quyết sách phù hợp, dự trữ được lượng bông lớn với giá thành rẻ, nhờ đó thu được kết quả kinh doanh rất tích cực.

Ngoài ra, đầu năm 2022, các đơn vị may trong Tập đoàn đều có kết quả sản xuất kinh doanh khả quan, nhờ lao động ổn định do dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, đơn hàng đầy tải, thậm chí có nhiều đơn vị đã ký kết đơn hàng đến quí 3-2022.

Với kết quả kinh doanh khả quan của quí 1, hiện ngành sợi đã hoàn thành được 63% kế hoạch năm. Với ngành may, thị trường được đánh giá tương đối tốt, các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam đều được các đối tác quay trở lại đặt hàng với đơn hàng dài, số lượng lớn.

Theo thống kê, doanh thu trung bình của các đơn vị trong hệ thống ngành may của Vinatex tại khu vực phía Nam đều tăng trung bình 1,2 – 1,5 lần, có đơn vị tăng tới 2 lần doanh thu so với cùng kỳ.

Cụ thể, doanh thu quí 1 của Tổng công ty Việt Tiến tăng 10%, Nhà Bè tăng 20%, May Đồng Nai tăng 100%, Tổng công ty miền Nam có doanh thu tăng 100%, lao động tăng hơn 400 người; Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Vinatex tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái…

Đến những doanh nghiệp khác

Trước đó, Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại TNG cũng công bố doanh thu thuần quí 1-2022 đạt 1.260 tỉ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 38 tỉ đồng, tăng 74%.

Theo ban lãnh đạo TNG, trong kỳ, công ty đã bổ sung máy móc thiết bị tự động, kiểm soát sản xuất theo mốc giờ đến từng người lao động nên nhân sự lao động và số lượng sản phẩm cải thiện. Bên cạnh đó, nhu cầu mua hàng tăng, tình trạng khan hiếm container cải thiện và hàng hóa xuất khẩu không còn bị ách tắc ở cảng giúp doanh thu tăng.

Ngoài ra, công ty cũng áp dụng triệt để phần mềm trong công tác chuẩn bị sản xuất, máy móc thiết bị, cũng như kiểm soát điều kiện vào chuyền trước khi sản xuất. Vấn đề thu hồi công nợ khách hàng cũng được cải thiện, khách hàng thanh toán tốt hơn nên chi phí lãi vay giảm, chi phí bán hàng giảm.

Nhiều doanh nghiệp may mặc có đơn hàng để sản xuất đến hết quý 3. Ảnh minh họa: TL

Năm 2022, Dệt may TNG đặt mục tiêu doanh thu đạt 5.990 tỉ đồng, lãi sau thuế 279 tỉ đồng; lần lượt tăng 10% và 20,2% so với thực hiện 2021. Như vậy, hết quí 1, doanh nghiệp thực hiện được 21% mục tiêu doanh thu năm và 13,6% mục tiêu lợi nhuận năm.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Dệt may Đầu tư thương mại Thành công (TCM) công bố kết quả hoạt động kinh doanh 3 tháng đầu năm với doanh thu đạt 47,2 triệu đô la Mỹ, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt trên 3 triệu đô la, tăng 17%.

Trong năm 2022, TCM đạt kế hoạch doanh thu ở mức gần 4.183 tỉ đồng, tương đương khoảng 178 triệu đô la, tăng 20% so với năm 2021. Lợi nhuận sau thuế dự kiến 253,8 tỉ đồng, tương đương khoảng 10,8 triệu đô la (tăng 88% so với kết quả năm 2021). Hiện TCM đã nhận đơn hàng đến quí 3-2022 và chuẩn bị nhận đơn hàng cho quí 4-2022.

Tại Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ (STK), doanh thu bán hàng trong quí 1 đạt 640 tỉ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2021. Nhờ đó, Công ty hoàn thành 25% mục tiêu doanh thu kế hoạch năm 2022.

STK cho biết, trong quí 1, thị trường phục hồi tốt sau khi tình hình dịch bệnh đã được ổn định, các khách hàng tại thị trường trong nước và xuất khẩu đều đưa công suất hoạt động trở lại với mức trước dịch. Do đó, STK đã nắm bắt cơ hội đẩy mạnh các hoạt động nhận đơn hàng, sản xuất đơn hàng theo yêu cầu, đẩy mạnh bán hàng tồn kho và linh hoạt trong chính sách giá bán để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Ngoài ra, STK cũng tăng nhận lượng đơn hàng sợi tái chế trong quí 1-2022 với doanh thu tăng 78% so với quí 4-2021 và tỷ lệ sợi tái chế quí 1 đạt 51% trong tổng doanh thu so với kế hoạch đặt ra 54% trong 2022.

Trong quí 1, công ty tiếp tục duy trì mạng lưới khách hàng hiện hữu, phát triển thêm khách hàng mới để nhận thêm đơn hàng, đẩy mạnh hoạt động bán hàng tồn kho, linh hoạt thực hiện chính sách bán hàng và duy trì biên độ khoảng trống giá ổn định. Cụ thể, công ty có thêm 14 khách hàng mới trong quí 1-2022.

Nhờ đó, mặc dù chi phí nguyên vật liệu đầu vào và giá cước tàu biển có xu hướng tăng song công ty vẫn nỗ lực duy trì thực hiện các biện pháp quản lý chi phí tài chính, kiểm soát ngân sách chi phí bán hàng và tiết giảm tiêu hao lãng phí trong hoạt động sản xuất nhằm duy trì biên lợi nhuận ổn định.

Kết quả, lợi nhuận sau thuế trong kỳ đạt 76,3 tỉ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ, hoàn thành 25% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Nhưng vẫn chưa chắc chắn

Không chỉ những doanh nghiệp trên mà theo các doanh nghiệp trong ngành, phần lớn các doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng thực hiện đến quí 3 và khả năng năm 2022 này sẽ tăng trưởng cao.

Các doanh nghiệp nhành dệt may Việt Nam vẫn đang đứng trước những thách thức khác. Ảnh minh họa: TL

Theo số liệu báo cáo của Bộ Công Thương, trong quí 1-2022, trị giá xuất khẩu nhóm hàng này đạt 8,68 tỉ đô la, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng tăng 1,46 tỉ đô la. Đây là mức tăng so với cùng kỳ cao nhất kể từ năm 2012 đến nay.

Mặc dù vậy nhiều doanh nghiệp cho rằng chưa thể dự đoán được thị trường sẽ ra sao sau đó, vì phụ thuộc rất nhiều vào tình hình dịch bệnh. Song, tín hiệu tích cực là các thị trường lớn như Mỹ, EU… đã mở cửa trở lại, đặc biệt là Việt Nam đã có chính sách thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế.

Thêm vào đó, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đang phát huy hiệu quả, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ có thêm cơ hội mở rộng thị trường.

Mặt khác, xu hướng hiện nay các khách hàng đều muốn giảm bớt trung gian để làm trực tiếp với các đơn vị sản xuất nhằm giảm bớt chi phí. Đồng thời, với chính sách Zero Covid của Trung Quốc, nhiều khách hàng lo ngại sẽ ảnh hưởng tới nguồn cung, gián đoạn chuỗi cung ứng nên có xu hướng chuyển đơn hàng sang các nước lân cận và Việt Nam đang có lợi thế trong khu vực về ngành hàng dệt may.

Ngoài ra, theo nhận định của các chuyên gia, dù thị trường dệt may khởi sắc nhưng nhiều đối thủ của dệt may Việt Nam như Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ… cũng tăng tốc và có nhiều nỗ lực để bù đắp những thiếu hụt về kim ngạch trong năm 2021. Điều này đòi hỏi dệt may Việt Nam cần nỗ lực để không bị các đối thủ này vượt mặt.

Nhận định về tình hình thị trường trong quí 2 và những tháng cuối năm, các doanh nghiệp cho biết, nếu xung đột Nga – Ukaine còn căng thẳng, lạm phát, chi phí logistics còn leo thang, thị trường sẽ có nhiều diễn biến khó lường.

Lãnh đạo Vinatex yêu cầu lãnh đạo các phòng/ban chức năng tham mưu cần bám sát thị trường, linh hoạt thích ứng để hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh trong quí 2 và cả năm 2022.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới