(KTSG Online)- Tập đoàn Dầu khí quốc gia (PVN) - nơi thay mặt Chính phủ thực hiện cam kết bao tiêu và bù lỗ (nếu có) tại dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn - đã ban hành nghị quyết phê duyệt cơ chế thanh toán sớm (FPOA) đến hết tháng 5 cho Nghi Sơn để Nghi Sơn đủ điều kiện hoạt động ổn định đến cuối quí 2-2022.
Tin từ Bộ Công Thương hôm 4-5 cho biết, theo báo cáo của Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) từ 14-3 về việc báo cáo cập nhật tình hình sản xuất của nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, hiện NSRP đã làm việc với chi nhánh phân phối sản phẩm của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (PVNDP) về khối lượng hàng cam kết bán trong quí 2-2022 theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm xăng dầu (FPOA).
Theo đó, sản lượng NSRP cam kết cung cấp cả quí 2-2022 là 1,83 triệu m3, trong đó tháng 4 là 590.000 m3; tháng 5 là 630.000 m3; tháng 6 là 610.000 m3 (sản lượng thông báo này là sản lượng bao tiêu chính thức mang tính ràng buộc pháp lý với PVNDP). Tuy nhiên, việc thực hiện kế hoạch sản lượng nói trên phụ thuộc vào việc triển khai các giải pháp tài chính của NSRP. Hiện PVN đã ban hành nghị quyết phê duyệt cơ chế thanh toán sớm FPOA đến hết tháng 5-2022, do đó NSRP đã có đủ điều kiện để hoạt động ổn định đến cuối quí 2-2022.
“PVNDP đã có văn bản chính thức gửi NSRP yêu cầu NSRP có nghĩa vụ sản xuất và cung cấp sản lượng của quí 2-2022 cho PVNDP như đã cam kết và NSRP không được đưa ra bất kỳ điều kiện nào kèm theo”, Bộ Công Thương cho biết.
Trước đó, từ đầu năm 2022, NSRP gặp khó khăn về tài chính và một số vấn đề nội tại nên không có kinh phí nhập dầu thô để sản xuất xăng dầu thành phẩm. Báo cáo của NSRP cho biết, từ đầu tháng 1 năm 2022, nhà máy đã giảm công suất từ mức 100% xuống mức 80% và sau đó chỉ ở mức 55-60% công suất.
Do cắt giảm công suất sản xuất nên việc giao hàng thực tế cho các đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước trong tháng 2-2022 đã bị giảm 50% so với kế hoạch (tháng 2 kế hoạch giao là 739.900 m3, nhưng thực tế chỉ giao được 365.200 m3; trong đó xăng giảm 40% và dầu DO giảm 58%). Tháng 3 giảm 20% so với kế hoạch (kế hoạch giao 680.000 m3 nhưng dự kiến giao hàng chỉ là 556.000 m3 trong đó xăng giảm 5%, dầu giảm 30%).
Cũng ngay cuối tháng 1, PVN – một trong bốn bên liên doanh tại NSRP, đã thống nhất hỗ trợ nguồn lực tài chính ngắn hạn cho NSRP thông qua gia hạn cơ chế RPA và thanh toán sớm hợp đồng FPOA để giúp NSRP cải thiện dòng tiền, phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian hoàn thiện phương án tái cấu trúc dự án.
Trên thực tế, việc ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho dự án được ký kết từ nhiều năm nay, không tính đến quy luật của thị trường và khả năng chịu đựng của ngân sách nhà nước, đã gây ra những hệ lụy không ít trên thị trường xăng dầu trong vòng 3 năm kể từ khi NSRP đi vào vận hành đến nay, nhất là trong điều kiện giá xăng dầu trên thế giới biến động rất mạnh theo chiều hướng tăng trong năm 2022 và khả năng chịu đựng của ngân sách có hạn. Tuy nhiên, vì cam kết đã ký, PVN vẫn cố gắng để đảm bảo từng giai đoạn bù lỗ cho dự án như cam kết đã ký.
Hiện nay, PVNDP tiến hành triển khai kế hoạch chi tiết giao nhận hàng cho các đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước theo các hợp đồng đã ký trong tháng 4-2022 và chuẩn bị lịch giao hàng cho tháng 5-2022. Đối với việc giao hàng cho tháng 6-2022, PVNDP đang phối hợp với NSRP và các đầu mối kinh doanh xăng dầu để tiếp tục cập nhật kế hoạch sớm nhất.
Dự kiến nhu cầu xăng dầu quí 2-2022 khoảng 5,2 triệu m3. Tổng nhu cầu xăng dầu cho thị trường trong nước cả năm 2022 là khoảng 20,6 triệu m3.
Nguồn cung xăng dầu dự kiến quí 2-2022 khoảng 6,7 triệu m3 bao gồm nguồn cung từ các nhà máy sản xuất trong nước (Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn dự kiến là 1,8 triệu m3, Nhà máy lọc dầu Bình Sơn dự kiến là 1,9 triệu m3), nguồn nhập khẩu khoảng 1,5 triệu m3 (chưa tính đến việc doanh nghiệp phải thực hiện theo Quyết định số 242/QĐ-BCT là 800.000 m3/tháng, tương đương cả quí 2 là 2,4 triệu m3) và nguồn tồn kho từ quí 1 chuyển sang (1,5 triệu m3). Với nguồn cung như trên sẽ đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của quí 2 và tồn kho gối đầu sang quí 3 khoảng 1,5 triệu m3.
Các thương nhân đầu mối cũng đã đẩy mạnh việc nhập khẩu xăng dầu để bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ sản xuất trong nước (do Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm sản lượng giao hàng so với kế hoạch).Hiện Tổng công ty dầu Việt Nam (PVoil) đang nhập khẩu tăng thêm và lượng xăng dầu đã về cảng Việt Nam trong cuối tháng 2-2022 đầu tháng 3-2022 là 26.000 m3 xăng và 40.000 m3 dầu; Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã nhập khẩu trong tháng 2-2022 khoảng 100.000 m3 xăng và 200.000 m3 dầu; Công ty Hải Hà cũng nhập khẩu trong tháng 2 khoảng 90.000 m3 dầu; Công ty Xuyên Việt Oil nhập khẩu khoảng 20.000 m3 xăng và 60.000 m3 dầu; Công ty Nam Sông Hậu nhập khẩu khoảng 20.000 m3 xăng và 7.500 m3 dầu… để bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường theo đúng kế hoạch đã đăng ký.