(KTSG Online) – Áp dụng cơ chế cho chỉ định thầu trong triển khai công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) được đại diện các bộ, ngành, chính quyền thành phố Hà Nội và TPHCM xác định là giải pháp hàng đầu để đẩy nhanh tiến độ dự án vành đai 3 TPHCM và vành đai 4 - vùng thủ đô Hà Nội.
Ông Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) cho biết GPMB luôn là khó khăn xuất hiện hàng đầu trong tất cả các báo cáo đánh giá về những khó khăn, vướng mắc của các dự án đầu tư công.
Điều này, theo ông Phương, cho thấy công tác giải GPMB rất phức tạp, tồn tại nhiều vướng mắc và khiến các dự án chậm tiến độ, tỷ lệ giải ngân thấp.
Với dự án vành đai 3 TPHCM và vành đai 4 - vùng thủ đô Hà Nội, vị này dự báo công tác GPMB khó hơn nhiều dự án đầu tư công khác do quy mô xây dựng và giá trị đầu tư rất lớn.
Về dự án vành đai 4 - vùng thủ đô Hà Nội, ông Dương Đức Tuấn - Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội - cho biết GPMB là phần việc khó khăn lớn nhất của dự án này.
Cụ thể, quy mô GPMB của dự án là 1.341 ha tại 3 tỉnh, thành phố. Chi phí cho công tác này khoảng 19.000 tỉ đồng, bằng 22% tổng mức đầu tư toàn dự án. Riêng thành phố Hà Nội phải xây dựng phương án bồi thường tái định cư cho 14.647 hộ và tái định cư cho 2.203 hộ.
Ngoài ra, chủ đầu tư và các đơn thị thực hiện dự án phải GPMB dự trữ cho hành lang phát triển đường sắt 30 m trong tổng lộ giới dao động từ 90-135 m, trung bình là 125 m.
“Kinh phí giải phóng mặt bằng của vành đai 4 chiếm chưa tới 25% tổng mức đầu tư, nhưng với dự án vành đai 3 TPHCM thì có khả năng chiếm trên 50%. Vì vậy, việc giải phóng mặt bằng càng để chậm thì nguy cơ càng gặp nhiều khó khăn”, ông Tuấn nói.
Về dự án vành đai 3 TPHCM, ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM – cũng khẳng định việc tổ chức bồi thường, GPMB là vấn đề khó khăn nhất khi thực hiện dự án.
Để giải quyết vấn đề mặt bằng cho 2 dự án, ông Trần Quốc Phương cho biết các bộ, ngành, địa phương đã đề xuất cơ chế cho phép chỉ định thầu một số nội dung thuộc công tác GPMB, bên cạnh việc tách công tác này thành một dự án độc lập và ưu tiên thực hiện trước, sớm.
Với cơ chế chỉ định thầu, ông Phương cho biết có 2 công việc chủ chốt.
Thứ nhất, di dời các hạ tầng kỹ thuật tại khu vực cần phải giải phóng, gồm hạ tầng về điện, nước, viễn thông.
“Tất cả hạ tầng này yêu cầu về mặt chuyên ngành rất cao, thường các đơn vị liên quan trực tiếp đến ngành, lĩnh vực đó mới có thể thực hiện được. Nếu chúng ta đấu thầu để làm việc này đôi khi chỉ là hình thức và chỉ có 1 nhà thầu có thể thực hiện được việc này”, ông Phương nói.
Thứ hai, tái định cư. Để di dời các hộ gia đình, phải xây dựng các khu tái định cư. “Việc xây dựng khu tái định cư bắt buộc phải làm rất nhanh để người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống. Nếu làm chậm công tác này, đất đã lấy của người dân rồi mà người dân vẫn chưa có nơi ở ổn định thì rất bất cập. Đó là điều hết sức quan tâm trong giải phóng mặt bằng”, ông Phương phân tích.
Với những cơ sở này, Thứ trưởng Bộ KHĐT cho rằng đề xuất cho phép chỉ định thầu trong GPMB sẽ giúp rút ngắn thời gian thực hiện công tác này.
Về phía các địa phương, ông Trần Quang Lâm cho biết sẽ triển khai ngay việc GPMB sau khi Quốc hội thông qua.
“TPHCM và các tỉnh đã thống nhất chủ trương tách bồi thường, giải phóng mặt bằng thành các dự án riêng để thể hiện quyết tâm triển khai bằng được. Theo tiến độ, giải phóng mặt bằng dự kiến cuối năm nay sẽ bắt đầu và cuối năm sau sẽ khởi công”, ông Lâm nói.
Còn ông Dương Đức Tuấn kiến nghị việc giải phóng mặt bằng không nên chia thành nhiều lần do các thời kỳ bồi thường, hỗ trợ tái định cư khác nhau sẽ tạo ra hiệu ứng bất khả thi.
Về phía chuyên gia, PGS. TS Trần Đình Thiên – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam- kiến nghị cần đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền các cho địa phương trong quá trình triển khai các dự án.
“Theo nguyên tắc phân cấp, phân quyền thì cấp nào thực hiện chức năng này tốt nhất thì nên để cấp đó thực hiện”, ông Thiên nói và tin tưởng các địa phương sẽ triển khai tốt phần việc đầu tư – xây dựng 2 dự án này.
Lý giải điều này, ông Thiên cho rằng việc làm đường liên quan đến người dân, địa bàn - những công việc phải xử lý tại chỗ hằng ngày và liên quan đến những bức xúc của xã hội. Vì vậy, các địa phương buộc phải nỗ lực để giải quyết nhanh chóng.
“Lâu nay chúng ta thấy rằng các đường vành đai theo nghĩa chiến lược quốc gia, sự tham gia của cấp địa phương rất ít. Có thể đó là lý do gây ra chậm, từ đó gây lãng phí và làm chậm bước tiến của đất nước. Vì vậy giao cho địa phương các quyền thì tất cả các lợi ích và khó khăn vừa đề cập đều có thể tập trung xử lý được”, ông Thiên phân tích.
Trước đó, UBND thành phố Hà Nội đã có tờ trình với nội dung đề nghị Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu trong giai đoạn triển khai đến khi hoàn thành dự án đối với các gói thầu, gồm tư vấn; di dời hạ tầng kỹ thuật; thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư; xây lắp thuộc các dự án thành phần chỉ sử dụng nguồn vốn đầu tư công để đẩy nhanh tiến độ triển khai trong bối cảnh khối lượng GPMB, thi công lớn, dàn trải ở nhiều địa phương.
Tương tự, Chính phủ cũng kiến nghị Quốc hội cho phép Thủ tướng xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình triển khai thực hiện dự án đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, gói thầu xây lắp của các dự án thành phần.