Chủ Nhật, 24/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Thuốc chống lạm phát khó uống

Nguyễn Vũ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Cuối cùng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cũng nâng lãi suất thêm nửa điểm phần trăm sau khi cứ loay hoay giữa chuyện nâng lãi suất mạnh mới kiềm chế được lạm phát và nỗi lo đẩy kinh tế vào chỗ suy thoái. Vì sao có sự lưỡng lự này?

Đến nay có thể nói lạm phát đang là một hiện tượng toàn cầu. Ngoài mức lạm phát 8,5% ở Mỹ, 7,5% ở khu vực sử dụng đồng euro, tin tức cứ dồn dập nơi này nơi khác, lạm phát cao một cách dai dẳng. Lạm phát ở Canada lên mức 6,7%, cao nhất trong vòng 31 năm qua; ngay cả ở New Zealand, lạm phát cũng đạt mức 6,9%, một mức nước này chưa từng chứng kiến trong vòng 32 năm qua. Đây là những nước mấy năm gần đây cứ e ngại lãi suất có khi phải về mức âm vì chỉ số giá cả nhiều năm liền không tăng; còn những nước kinh tế bất ổn hơn thì lạm phát đang cao dữ dội: ở Thổ Nhĩ Kỳ là 61,14%, Argentina là 55,1%...

Điều kỳ lạ nằm ở chỗ cho đến nay các nhà kinh tế vẫn không thống nhất với nhau nguyên nhân gây ra lạm phát. Đa phần cho là đại dịch Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng, hàng hóa tắc nghẽn gây thiếu hụt nguồn cung; nay lại thêm xung đột quân sự ở Ukraine càng làm nguồn cung, nhất là lương thực, phân bón và năng lượng thêm thiếu hụt. Hàng thiếu thì giá phải tăng.

Trước nay mỗi khi thấy nước nào rơi vào vòng xoáy lạm phát các nhà kinh tế thường nhắc lại câu nói của nhà kinh tế Milton Friedman: lạm phát luôn luôn và bất kỳ nơi đâu cũng là một hiện tượng tiền tệ; ý nói lạm phát xảy ra là do in tiền nhiều hơn mức tăng hàng hóa. Nói câu này là để dẫn tới lời khuyên phải nâng lãi suất lên thật cao, cao hơn mức lạm phát mới mong kiềm chế được nó. Nâng lãi suất ắt dẫn tới đình đốn kinh tế nên lời khuyên kế tiếp cũng thường là thắt lưng buộc bụng, giảm chi tiêu để giảm cung tiền.

Nay đến lượt nước của các chuyên gia kinh tế đó bị rơi vào lạm phát, thay vì khuyến cáo nâng lãi suất, họ lại nhắm vào bên cung để tìm giải pháp như xả kho dự trữ xăng dầu để giảm giá dầu, tìm cách tăng cung hàng hóa và khuyên người dân hai việc: thứ nhất là giảm bớt mua sắm và thứ hai là đừng gây áp lực đòi tăng lương! Hai lời khuyên đi ngược lại với các nguyên tắc kinh tế thị trường và rất khó trở thành hiện thực.

Đó là bởi nếu cứ khuyên như thông lệ, tức nâng lãi suất nhanh và dứt khoát, ắt sẽ dẫn tới tình trạng kinh tế đình đốn, nạn thất nghiệp tăng, doanh nghiệp giảm hoạt động kéo theo vòng luẩn quẩn thiếu hụt hàng hóa - tức lạm phát kiềm chế đâu chưa thấy mà kinh tế suy thoái là điều chắn chắn. Không một chính khách nào ở các nước, nhất là sắp tới mùa bầu cử, lại dám liều lĩnh cho thuốc nặng đô trong trường hợp này. Ngược lại, có nhiều ý kiến cho rằng chính sách tiền tệ không làm được gì để giảm giá xăng dầu, giá con chip, giá lúa mì... nên có nâng lãi suất cũng bó tay với lạm phát “chi phí đẩy”.

Chính vì thế các phân tích đều nói lạm phát hiện nay là do kinh tế phục hồi nhanh sau đại dịch, cứ chờ cho các chuỗi cung ứng hoạt động đều đặn trở lại thì lạm phát cũng sẽ biến mất. Ít ai chịu thừa nhận con voi ở trong phòng: các nước đã tung ra những khoản tiền khổng lồ để giải cứu nền kinh tế trong đại dịch, nay chính nguồn cung tiền tăng vọt đó gây ra lạm phát. Chẳng hạn ở Mỹ, tổng cộng Quốc hội nước này đã phê chuẩn 6.000 tỉ đô la tiền phát cho dân hay trợ cấp cho doanh nghiệp - chính nguồn tiền này đã bơm thổi thị trường chứng khoán vẫn tăng mạnh bất kể doanh nghiệp niêm yết lỗ lã đến đâu.

Suốt năm 2021, Fed cứ nhấn mạnh lạm phát chỉ là “hiện tượng nhất thời” (transitory) và mãi đến đầu năm nay mới thừa nhận lạm phát là nghiêm trọng hơn họ nghĩ. Thừa nhận là thế nhưng Fed vẫn hành động chậm chạp: tháng 3-2022 chỉ dám nâng lãi suất lên 0,25 điểm phần trăm và nay là 0,5 điểm phần trăm nữa. Chưa gì, các nước chỉ mới nâng lãi suất chút ít, chi phí vay tiền mua nhà đã tăng kéo theo khả năng đình trệ thị trường địa ốc. Cũng vậy, chưa gì thị trường chứng khoán các nước đã giảm mạnh; dòng tiền chảy từ các thị trường mới nổi về lại Mỹ hay khu vực đồng euro.

Như vậy vấn đề là khả năng in tiền thoải mái của các nước có nguồn ngoại tệ mạnh như Mỹ và khu vực đồng euro đã bị lạm dụng quá mức trong đại dịch nay phải trả giá. Chính sách của các nước này ắt phải chấm dứt lạm dụng đặc quyền phát hành tiền và phải nhanh chóng nâng lãi suất lên tương ứng với mức lạm phát. Có như thế họ mới không xuất khẩu lạm phát sang các nước khác như thực tế hiện nay.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới