Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp nước ngoài ‘nghẹt thở’ tại Trung Quốc

Lạc Diệp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

 

(KTSG) - Các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc đang phải đối mặt với những thách thức ở mức độ chưa từng có từ chính sách chống dịch zero Covid cho tới những rủi ro địa chính trị.

Nghẹt thở với zero Covid

Theo Financial Times, trong suốt một thời gian dài, sự “thực dụng” của Chính phủ Trung Quốc là yếu tố được nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài ưa thích. Bắc Kinh được cho là sẽ không làm bất cứ điều gì có thể gây tổn hại đến lợi ích của nền kinh tế, và vì vậy, những trục trặc ngắn hạn trong chính sách sẽ luôn được giải quyết trước khi có thể gây ra những tác động lớn đến tăng trưởng.

Tuy nhiên, mọi thứ đang dần đổi khác trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại Trung Quốc. Ngày 5-5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có bài phát biểu đầu tiên kể từ khi xuất hiện đợt bùng phát dịch ở Thượng Hải. Ông nói rằng Trung Quốc “sẽ đứng vững trước phép thử của thời gian” và cam kết chống lại bất kỳ nỗ lực nào nhằm “bóp méo, chất vấn hay thách thức” chính sách của đất nước.

Các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài giờ đây đang dần nhận ra rằng, Bắc Kinh đã sẵn sàng chấp nhận một cú sốc kinh tế lớn, thay vì phải từ bỏ chính sách chống dịch nghiêm ngặt của mình.

Một cuộc khảo sát nhanh, được thực hiện bởi EurocCham và Công ty tư vấn quản lý Roland Berger cho thấy, 78% số công ty được hỏi cho rằng Trung Quốc đang trở thành một điểm đến đầu tư kém hấp dẫn hơn do đường lối ngăn chặn đại dịch cứng rắn. 23% số công ty được hỏi cho biết, đang cân nhắc chuyển các hoạt động đầu tư hiện tại hoặc tương lai ra khỏi thị trường Trung Quốc do lo ngại tác động từ các biện pháp phòng dịch. Tỷ lệ này cao gấp đôi so với hồi đầu năm và là mức cao nhất trong vòng một thập kỷ trở lại đây.

Gần như tất cả các công ty châu Âu đã bị ảnh hưởng bởi hoạt động vận tải đình trệ tại các cảng biển, sự sụt giảm của vận tải đường bộ và chi phí vận chuyển tăng cao. Khoảng 60% số công ty được khảo sát đã phải cắt giảm dự báo doanh thu cho năm 2022 và một phần ba đang rơi vào tình trạng thiếu hụt lao động, do các biện pháp phong tỏa.

Ông Wuttke cảnh báo rằng, nếu tình hình tiếp tục diễn biến như hiện nay các công ty châu Âu sẽ phải cân nhắc tìm kiếm những sự lựa chọn thay thế cho Trung Quốc. “Một thị trường hoạt động tốt và có thể dự đoán được sẽ tốt hơn một thị trường, mặc dù có tiềm năng tăng trưởng cao, nhưng lại dễ biến động và bị tê liệt chuỗi cung ứng. Cuộc khảo sát của chúng tôi chỉ ra rằng, sẽ có ít hoạt động đầu tư vào Trung Quốc hơn, và điểm đến thay thế sẽ là các nước Đông Nam Á. Điều này có thể xảy ra rất dễ dàng”, ông nói.

Tình hình tương tự cũng xảy ra với các doanh nghiệp Mỹ. Trả lời phỏng vấn của tạp chí Forbes hôm 26-4, Chủ tịch Phòng thương mại Mỹ (AmCham) tại Trung Quốc Michael Hart đã bày tỏ những lo ngại về chính sách chống dịch của Trung Quốc. Ông cho biết, thậm chí trước cả khi làn sóng dịch Covid-19 bùng phát trong năm 2022, khoảng 70% số doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc đã gặp khó khăn do các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt. Ông nói rằng: “Việc đi lại trở nên đắt đỏ vì không có đủ số chuyến bay. Các giám đốc điều hành không thể di chuyển và đích thân kiểm tra các dự án vì khó khăn trong việc nhập cảnh”.

Những lo ngại về rủi ro địa chính trị

Bên cạnh những rủi ro từ chính sách chống dịch cứng rắn, các vấn đề địa chính trị, bao gồm cuộc xung đột Nga - Ukraine và căng thẳng Mỹ - Trung cũng đang ảnh hưởng đáng kể đến tâm lý giới đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc.

Theo EuroCham, một phần ba số doanh nghiệp châu Âu được khảo sát cho biết cuộc chiến ở Ukraine khiến cho Trung Quốc trở thành một điểm đến kinh doanh kém hấp dẫn hơn bởi Bắc Kinh hiện đang là đối tác gần gũi của Moscow. Khoảng 7% số công ty được thăm dò ý kiến cho biết ​​đang xem xét chuyển bớt hoạt động kinh doanh khỏi Trung Quốc do lo ngại những rủi ro địa chính trị khi các biện pháp trừng phạt của phương Tây có thể ảnh hưởng tới cả nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc cũng ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp đa quốc gia. Theo SCMP, trong suốt thời gian qua, mối quan hệ giữa hai bên bờ Thái Bình Dương đã tiếp tục rạn nứt, do sự gia tăng của chủ nghĩa dân tộc cứng rắn ở cả Washington và Bắc Kinh.

“Một rủi ro nữa… và đó là rủi ro lớn, là nguy cơ sụp đổ thảm khốc trong quan hệ Mỹ - Trung”, ông Robert Daly, Giám đốc Viện Kissinger của Trung tâm Wilson và là một cựu quan chức ngoại giao Mỹ tại Trung Quốc, nhận định. “Tôi không nghĩ đây là một nguy cơ có xác suất cao vào thời điểm hiện tại, nhưng nó không hề bình thường và đang có xu hướng ngày càng gia tăng”.

Đại dịch không chỉ làm tê liệt các chuỗi cung ứng, sản xuất, mà còn làm đình trệ các chuyến thăm chính thức, các hoạt động giao lưu, trao đổi văn hóa, kinh doanh, vốn đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu sai lệch thông tin giữa hai bên, và giúp giải quyết các khúc mắc, trước khi chúng phát triển thành vấn đề nghiêm trọng.

“Bây giờ là thời điểm rủi ro lớn nhất trong hoạt động kinh doanh với Trung Quốc. Và tôi nghĩ chúng ta nên lường trước được rằng mọi thứ có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn”, ông Craig Allen, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Trung và là một cựu quan chức ngoại giao Mỹ tại Trung Quốc cho biết “rủi ro chính trị đã thực sự trở thành yếu tố quan trọng nhất, tác động qua lại giữa hai chính phủ, vốn ngày càng có thái độ cứng rắn và thù địch”.

Bên cạnh đó, sự thắt chặt các quy định quản lý của giới chức hai nước cũng là một vấn đề lớn. Tại Trung Quốc, các công ty phương Tây ngày càng phải đối mặt với sức ép tuân thủ những quy định nghiêm ngặt về trao đổi, lưu trữ dữ liệu. Ở chiều ngược lại, một loạt dự luật đang được Quốc hội Mỹ thông qua có nguy cơ cắt đứt hơn nữa các mối quan hệ kinh tế, bằng việc áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc, thắt chặt kiểm soát xuất khẩu và hạn chế các khoản đầu tư của Mỹ vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Trung Quốc vẫn tự tin vào khả năng thu hút nhà đầu tư

Tuy nhiên, theo Thời báo Hoàn cầu, mặc dù tỷ lệ các công ty đang cân nhắc dịch chuyển hoạt động đầu tư khỏi Trung Quốc đã tăng lên đáng kể so với những năm trước, con số này vẫn tương đối nhỏ so với các doanh nghiệp tiếp tục đặt niềm tin vào thị trường khổng lồ này.

Ổn định đầu tư nước ngoài hiện đang được coi là một trong những nhiệm vụ chính của Trung Quốc nhằm ổn định tăng trưởng kinh tế trong năm nay.

Bộ Thương mại Trung Quốc (MOFCOM) đã thành lập một nhóm công tác đặc biệt về các dự án đầu tư nước ngoài quan trọng để giúp các công ty nước ngoài điều phối và giải quyết các vấn đề cụ thể như nối lại sản xuất, nhân sự, hậu cần và vận tải trong thời kỳ dịch bệnh. Bộ này cũng cam kết trong thời gian tới sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phối hợp với các sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương, ứng phó nhanh chóng khi có sự cố mới xảy ra với các công ty nước ngoài.

Dữ liệu gần đây từ MOFCOM cho thấy đầu tư trực tiếp nước ngoài chảy vào Trung Quốc trong quí đầu tiên của năm nay đã tăng 25,6% so với cùng kỳ năm trước, lên 379,87 tỉ nhân dân tệ (59,09 tỉ đô la Mỹ).

Đối mặt với những thách thức lớn hiện nay, giới chức Trung Quốc dự kiến ​​sẽ thực thi nhiều chiến lược để ổn định đầu tư nước ngoài trong suốt cả năm, bao gồm việc tiếp tục áp dụng các biện pháp như quản lý khép kín và danh sách trắng để thúc đẩy việc nối lại hoạt động kinh doanh, sản xuất một cách có trật tự nhằm ổn định chuỗi cung ứng nhưng đồng thời cũng đảm bảo phòng ngừa dịch bệnh. Bắc Kinh cũng kỳ vọng khi Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực trong năm nay, nước này có thể tận dụng tốt các lợi thế do khuôn khổ này mang lại để khuyến khích các công ty nước ngoài mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế mới nổi.

Theo các chuyên gia, những chiến lược như vậy sẽ là cần thiết nhằm giúp nền kinh tế lớn thứ hai thế giới duy trì vị thế trong mắt các nhà đầu tư. “Một chiến lược thoát khỏi khủng hoảng rõ ràng hơn sẽ giúp duy trì niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài với thị trường Trung Quốc”, ông Denis Depoux, giám đốc điều hành toàn cầu của Roland Berger nhận định.

Nguồn: SCMP, Forbes, Global Times, Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới