Thứ năm, 23/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thời của những siêu thị “đo ni đóng giày”

Quốc Hùng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Bên cạnh việc đẩy mạnh các kênh bán hàng trực tuyến, các nhà bán lẻ cũng đang mạnh tay đóng cửa những cửa hàng kém hiệu qủa để tập trung vào các cửa hàng mới có chọn lọc hàng hóa, trưng bày theo hướng “đo ni đóng giày” nhu cầu tiêu thụ của từng khu dân cư.

Thời gian giãn cách xã hội kéo dài nên tâm lý và thói quen tiêu dùng của người dân đã thay đổi rất nhiều. Bên cạnh mua hàng trên kênh thương mại điện tử, nhiều người tiêu dùng chọn lựa mua ở các siêu thị nhỏ, các cửa hàng gần nhà nhiều hơn và tăng thanh toán không tiền mặt... Ảnh: Quốc Hùng

Những siêu thị quy mô vừa và nhỏ, có vừa đủ lượng mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, có vẻ như đang thu hút được sự chú ý của người tiêu dùng bận rộn ở thành thị hơn là các trung tâm thương mại (TTTM) hay các đại siêu thị. Dịch bệnh kéo dài khiến hầu hết người dân chuyển dần thói quen mua sắm từ trực tiếp sang trực tuyến, từ TTTM lớn sang các cửa hàng nhỏ lẻ; từ trả tiền mặt sang hình thức chuyển khoản... Trên thực tế, các cửa hàng, siêu thị mini đã và đang chứng minh tính hiệu quả trong bối cảnh dịch bệnh và sau dịch.

Xoay theo sở thích của khách hàng

Theo ông Furusawa Yasuyuki, Tổng giám đốc AEON Việt Nam, nhịp sống nhanh tại khu vực thành thị cùng với những ảnh hưởng của dịch Covid-19 tác động không nhỏ đến hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Khách hàng ngày càng chú trọng hơn về sự tiện lợi và lựa chọn các siêu thị nhỏ và vừa, có vị trí gần nhà đối với các mặt hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày.

Theo ông, trước đây khách hàng đến TTTM ăn uống tại nhà hàng hay xem phim chiếu rạp đến tận khuya, nhưng ngày nay lượng khách vào buổi tối rất ít. Tần suất mua sắm của khách hàng giảm đi rất nhiều. Đáng chú ý, lượng khách hàng muốn mua sắm ở các địa điểm gần nhà cũng ngày càng nhiều, họ cũng chuộng mua sắm trực tuyến và thanh toán không tiền mặt.

Đó cũng là lý do mà AEON Việt Nam muốn tiếp tục mở thêm các siêu thị AEON MaxValu sau gần một năm loại hình này được vận hành ở Việt Nam. MaxValu là siêu thị quy mô vừa và nhỏ - có diện tích khoảng 300-500 mét vuông - kinh doanh đa dạng sản phẩm, đặt ở những vị trí thuận tiện hay nằm trong các khu dân cư. AEON Việt Nam cho hay số lượt khách và doanh thu ở những MaxValu này tăng lên rõ rệt, trong khi lượng khách tại các TTTM như AEON Mall bị sụt giảm nhiều.

Dự kiến trong năm 2022 này, chuỗi MaxValu sẽ được mở thêm, từ con số 7 hiện nay thành 20 và lên 100 điểm vào năm 2025, chủ yếu mở ở khu vực phía Bắc. Ở TPHCM, nhà bán lẻ này nâng cấp, đổi mới chuỗi bán lẻ AEON Citimart - cũng có diện tích tương tự - đồng thời tiếp tục tìm địa điểm để mở mới.

Liên hiệp HTX thương mại TPHCM (Saigon Co.op) và Tổng công ty thương mại TPHCM (Satra) gần đây đã mạnh tay khai tử không ít điểm bán hàng không hiệu quả như một cách sắp xếp lại chuỗi cửa hàng bán lẻ trong khu dân cư.

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op, cho biết sẽ mở thêm 80-100 điểm bán nhỏ trong năm nay, nhưng sẽ sắp xếp theo phân khúc thị trường của từng chuỗi Co.op Food, Co.opSmile, Cheers. Tùy theo nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của từng khu vực dân cư mà mỗi cửa hàng Co.op Food sẽ linh hoạt chọn lọc từ 8.000 đến 10.000 mặt hàng trong danh mục hơn 30.000 mặt hàng của các siêu thị, đại siêu thị thuộc Saigon Co.op để phục vụ. Trong khi đó, WinCommerce (WCM - đơn vị sở hữu hệ thống WinMart/WinMart+) sẽ tiếp tục trổ cửa hàng trong khu dân cư với mục tiêu trong năm 2022 này có hơn 4.000 cửa hàng và 170 siêu thị hoạt động.

Nhiều thuận lợi

Nếu việc mở TTTM cần nhiều thời gian để tìm địa điểm, xây dựng và cần nhiều vốn thì việc mở các chuỗi cửa hàng, siêu thị nhỏ dễ hơn nhiều. Việc tìm thuê mặt bằng có diện tích 300-1.000 mét vuông để mở cửa hàng hiện nay không khó vì cỡ mặt bằng này cũng tương đương với các mặt bằng trống - nơi từng là nhà hàng, quán cà phê đã đóng cửa do dịch. Mặt khác, việc xin giấy phép mở cửa hàng cũng đơn giản hơn nhiều.

Tuy nhiên, để có giá bán sản phẩm cạnh tranh thì các chuỗi bán lẻ loại này phải đảm bảo số lượng điểm bán đủ lớn để được quyền thương lượng giá với nhà cung cấp cũng như gia tăng sự nhận diện thương hiệu nơi người tiêu dùng. Ví dụ, AEON phải có ít nhất 100 cửa hàng MaxValue mới có được các đặc quyền như vậy. Người đứng đầu AEON Việt Nam Yasuyuki nói rằng họ cũng tìm những mặt bằng để mở cửa hàng nhỏ phù hợp trong khu dân cư hay trong những tòa nhà để giảm bớt phần nào chi phí.

Còn nhà bán lẻ WCM cho biết sẽ phát triển mô hình nhượng quyền WinMart+ có từ cuối năm 2021. Cách này sẽ giúp WCM nhanh chóng nhân rộng mạng lưới bán lẻ theo mô hình đa tiện ích (mini-mall) tại các vị trí đắc địa lên khoảng 200 cửa hàng nhượng quyền trong năm nay.

Cải tiến và nâng cao trải nghiệm cho khách hàng

Tuy nhiên, để cạnh tranh và thu hút người tiêu dùng thì việc phát triển điểm bán không chưa đủ mà đòi hỏi các nhà bán lẻ phải cải tiến rất nhiều cũng như tăng trải nghiệm cho khách hàng.

Đầu năm 2022, Thế Giới Di Động (MWG) tuyên bố tạm dừng mở Bách Hóa Xanh để cải thiện nền tảng vận hành và tối ưu hóa lợi nhuận, tập trung cho các chuỗi mới hơn. Chủ tịch MWG Nguyễn Đức Tài, người phụ trách Bách Hóa Xanh, nói: “Năm nay Bách Hóa Xanh sẽ tập trung rất lớn vào tăng trải nghiệm và chất lượng sản phẩm để tăng số lượng khách hàng, tăng doanh thu trên mỗi shop. Chuỗi không tập trung quá nhiều vào việc tìm kiếm lợi nhuận, tuy nhiên khi doanh thu đủ lớn thì điểm hòa vốn có thể xuất hiện”.

Song song với việc nhân rộng số lượng cửa hàng, WCM áp dụng cách bài trí mới, tập trung vào sản phẩm tươi sống và tăng tốc mô hình mini-mall. Đây được coi là động lực tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai. Ngoài ra, WCM cũng đặt mục tiêu gia tăng lợi nhuận thông qua tăng cường đàm phán với các nhà cung cấp, cắt giảm chi phí hậu cần và cải thiện khả năng phân phối.

Còn theo người dẫn dắt AEON Việt Nam, những cửa hàng nhỏ của AEON sẽ được chú trọng đến việc cung cấp sản phẩm chất lượng tươi ngon, tốt nhất, với giá cả phù hợp với khả năng mua sắm của khách hàng khu vực xung quanh. “Cho nên kinh doanh những cửa hàng vừa và nhỏ lợi nhuận không cao”, ông nói. Tại đây, khách hàng có thể lựa chọn đa dạng sản phẩm đạt chất lượng tiêu chuẩn. Khoảng 95% số mặt hàng thực phẩm (chế biến sẵn, sơ chế sẵn, đồ tươi sống, khô...) tương đồng với sản phẩm bày bán ở trung tâm AEON. Ngoài ra còn có hóa mỹ phẩm, hàng gia dụng và đồ phục vụ nhu cầu thường nhật…

Siêu thị nhỏ và vừa này cũng mang đến đầy đủ dịch vụ, tiện ích cho khách hàng như trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị lớn của tập đoàn, gồm giao hàng tận nơi, mua sắm qua điện thoại... Người dùng được hưởng mọi đặc quyền như: tích hợp cùng hệ thống thẻ thành viên, áp dụng loạt chương trình ưu đãi và thanh toán không tiền mặt qua thẻ ngân hàng, ví điện tử, mã QR...

“Những thay đổi thói quen hành vi tiêu dùng của khách hàng là thách thức rất lớn cho tất cả nhà bán lẻ nói chung và AEON nói riêng, do đó nếu không có biện pháp để đáp ứng thì chắc chắn sẽ chậm trễ trong kinh doanh”, ông Yasuyuki lưu ý, và cho rằng: “2022 là một năm rất quan trọng và sẽ chứng kiến sự cạnh tranh rất gắt gao giữa các nhà bán lẻ. Những thay đổi của người tiêu dùng buộc ngành bán lẻ phải có những thay đổi để đáp ứng và phát triển”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới