Thứ bảy, 23/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nhếch nhác cơi nới: đâu phải do nghèo?

Song Nghi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Một số cư dân ở hai khu đô thị đắt tiền, với giá biệt thự từ vài chục đến hàng trăm tỉ đồng mỗi căn ở Hà Nội và Hải Phòng, ngán ngẩm trước tình trạng nhếch nhác lan nhanh như dịch bệnh trong khu dân cư do cơi nới tùy tiện.

Thật ngạc nhiên khi tỷ lệ vi phạm như vậy lại lên đến hơn một nửa số nhà trong khu vực sang trọng như thế, thậm chí số căn hộ tuân thủ thiết kế không cơi nới lại trở thành… thiểu số.

Người dân sống khu đô thị này thất vọng và bức xúc vì giá trị của khu đô thị nằm ở sự đồng bộ. Vậy mà giờ đây, nhiều nhà cơi nới nhìn lôm côm và nhếch nhác, làm giảm giá trị bất động sản tại đây. Do không bị ngăn chặn, tình trạng cơi nới tùy tiện lan ra khắp nơi như một căn bệnh dịch. Đây là lỗi của cả chủ đầu tư lẫn chính quyền địa phương và người mua nhà đắt tiền trong các khu đô thị này lãnh đủ.

Theo thông tin trên báo chí tuần qua, khu BT5-BT6 ở Bắc Từ Liêm (Hà Nội) được quy hoạch là những biệt thự hạng sang có tổng diện tích gần 30.000 mét vuông. Cả khu rộng lớn này chỉ có 79 căn biệt thự với diện tích mỗi căn khoảng từ 240-460 mét vuông và giá thị trường từ vài chục tỉ đến hơn 100 tỉ đồng một căn.

Dù sang trọng và rộng rãi như vậy nhưng chủ sở hữu của những căn biệt thự này liên tục dựng thêm “chuồng cọp”, cơi nới diện tích sử dụng, gây mất mỹ quan đô thị và tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ vì các “chuồng cọp” ở đây đang bịt kín lối thoát hiểm hỏa hoạn lên mái nhà.

Tình trạng vi phạm này phổ biến đến mức, theo ghi nhận của chính quyền địa phương thì “cứ 10 nhà lại có từ 5-7 trường hợp vi phạm”. Cũng có một số chủ nhà lúc đầu tuân thủ nghiêm túc thiết kế nhưng sau đó cũng bị cuốn theo làn sóng cơi nới vì thấy nhiều người làm và không bị xử phạt gì(1).

Một khu dân cư sang trọng khác cũng mắc “bệnh nhếch nhác” là khu đô thị ven sông Lạch Tray - Waterfront City (Hải Phòng) có tổng diện tích 25 héc ta với mức đầu tư 375 triệu đô la Mỹ, theo quy hoạch là một khu đô thị kiểu mẫu. Tương tự như khu biệt thự BT5-BT6 ở Hà Nội, cư dân trong khu đô thị cao cấp này cũng đua nhau cơi nới, phá vỡ quy hoạch chung. Theo ghi nhận của chính quyền địa phương, hầu hết các nhà thuộc dãy liền kề đều cơi nới, nhà thì làm “chuồng cọp”, nhà làm thêm tầng mới bằng khung sắt với lý do “chống trộm”.

Không chỉ khu nhà phố, bệnh cơi nới lan đến cả trong khu biệt thự. Dù quy định trong thiết kế chỉ được xây ba tầng theo quy hoạch chung và phải đúng theo thiết kế đã được phê duyệt nhưng có nhà vẫn xây năm tầng và khác với thiết kế chung mà chủ đầu tư làm ngơ. Chỉ đến khi cư dân chung quanh phản ứng gay gắt thì việc xây dựng sai thiết kế này mới ngưng lại. Nhưng đây không phải là trường hợp cá biệt vì theo trả lời báo chí của đại diện chính quyền địa phương thì “rất nhiều căn nhà trong khu đô thị Waterfront City vi phạm thiết kế đã được cơ quan chức năng phê duyệt”(2).

Việc quy hoạch đô thị là quan trọng nhưng quan trọng hơn là việc quản lý thực hiện quy hoạch đó. Thực tế cho thấy không ít khu dân cư lúc mới hình thành và mở bán thì rất sạch đẹp, văn minh nhưng chỉ vài năm là xuống cấp, nhếch nhác và quy hoạch chung bị phá vỡ, không còn giữ được như thiết kế ban đầu, thậm chí là lập dị “chỏi” với thiết kế chung. Tiếp theo là rác và nước thải xuất hiện, đường xuống cấp, vỉa hè bị lấn chiếm, người bán hàng rong đi khắp phố thị, hiện tượng mất an ninh trật tự, trộm cắp, đua xe, nhậu nhẹt xuất hiện.

Để xảy ra những việc trái khoáy như vậy, trách nhiệm thuộc về cả chủ đầu tư lẫn chính quyền địa phương. Một khi chính quyền địa phương và chủ đầu tư khu đô thị kiên quyết duy trì thiết kế theo quy hoạch chung thì không dễ gì dân cư trong khu vực có thể vi phạm. Một minh họa cho mô hình quản lý hiệu quả này có thể dẫn chứng là khu đô thị Phú Mỹ Hưng (TPHCM). Sau gần 30 năm phát triển, khu này vẫn duy trì được một không gian sống văn minh, trật tự và tôn trọng luật pháp. Không chỉ là quản lý tốt, không có nạn xây dựng tùy tiện, phá vỡ thiết kế quy hoạch chung, ở khu đô thị này đường phố, vỉa hè, các khu vực công cộng khá sạch sẽ và ít có nạn trộm cắp(3).

Bài học từ Phú Mỹ Hưng cho thấy, đây là việc hoàn toàn có thể quản lý được nếu có sự kiên quyết và đồng lòng. Ý thức không thể chỉ dựa trên tinh thần tự giác mà đôi khi phải kèm theo biện pháp chế tài cứng rắn.

------------

(1) https://thanhnien.vn/ky-la-khu-biet-thu-tram-ti-o-ha-noi-nhung-tran-lan-chuong-cop-post1460168.html

(2) https://thanhnien.vn/khu-do-thi-kieu-mau-cua-hai-phong-nhech-nhac-vi-coi-noi-tran-lan-post1458884.html

(3) https://thanhnien.vn/phu-my-hung-tong-ket-kinh-nghiem-bien-dam-lay-thanh-khu-do-thi-hien-dai-post397360.html

3 BÌNH LUẬN

  1. Xây dựng văn hóa đô thị/ văn hóa chung cư… là vấn đề rất nhức nhối hiện nay. Nhưng trước khi tạo ra nề nếp, văn hóa, văn minh thì trước hết phải đảm báo sự tuân thủ pháp luật, các quy định chung, có chế tài đủ mạnh. Nói đi cũng phải nói lại. Tại sao những khu đô thị/ khu chung cư có thương hiệu tốt, thì không có tình trạng này? Trong khi phần lớn những khu chung cư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân… thì luôn lâm vào cảnh nhếch nhác, lộn xộn, mất vệ sinh, ban quản lý làm việc không hiệu quả. Mọi vấn đề đều bắt nguồn từ văn hóa tổ chức quản lý mà ra.

  2. Đói cho sạch, rách cho thơm, nghèo không hèn. Ông bà ta đã nói từ lâu lắm rồi. Ăn ở bẩn, vứt rác bừa bãi, vệ sinh kém… hầu hết là do ý thức chứ không phải do nghèo khó. Nhìn sang Singapore thì rõ, từ những năm 60, khi còn là ao làng, ông Lý quang Diệu đã cho phạt 100 USD hành vi vứt rác, kẹo cao su… thì ngày nay mới có được đất nước nhỏ bé mà hiện đại, xinh đẹp, sạch sẽ nhất thế giới. Xem ra, câu chuyện này chả có gì khó, đơn giản là ta có muốn làm hay không ?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới