(KTSG Online) – Thông qua Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cùng Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch đề xuất nhiều kiến nghị để có thể phát triển ổn định trong thời gian tới.
Một trong những đề nghị là nâng tỷ lệ giảm tiền thuê đất cho các doanh nghiệp dịch vụ du lịch từ 30% lên 70% so với năm 2021, tiếp tục kéo dài thời gian giảm tiền thuê đất đến hết năm 2023 cũng như tiếp tục kéo dài thời gian giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp đến năm 2023.
Theo đại diện Hiệp hội Du lịch Việt Nam, những đề nghị này nếu được phê duyệt sẽ phần nào giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước đây cũng như thách thức hiện hữu để tiến tới làm ăn bền vững.
Cụ thể, bên cạnh xung đột vũ trang ở một số khu vực ảnh hưởng việc đi lại, các thị trường truyền thống của Việt Nam cũng chưa sẵn sàng mở cửa cho du lịch; một số nước vẫn áp dụng chính sách “zero Covid-19” như Trung Quốc hoặc cách ly khi khách du lịch quay về như Hàn Quốc.
Chính sách thị thực còn hạn chế, những ưu đãi về miễn thị thực chưa đáp ứng được các xu hướng du lịch sau dịch, chưa cạnh tranh với các nước trong khu vực cũng là những thách thức khác bên cạnh việc thiếu hụt nguồn nhân lực khi ngành du lịch hoạt động trở lại.
Trả lời những đề xuất này, theo lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam, việc nâng mức giảm tiền thuê đất phải nộp đối với các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch lên mức 70% tiền thuê đất phải nộp của năm 2021 là không phù hợp.
Trong khi đó, đối với nội dung kiến nghị giảm tiền thuê đất năm 2022, Bộ Tài chính đang phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng chính sách giảm thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Tỉnh quảng Nam cũng sẽ tiếp tục kiến nghị giảm tiền thuê đất đến năm 2023.
Tuy nhiên, qua ghi nhận từ một số doanh nghiệp du lịch, đối với chính sách giảm thuế thu nhập 30% hiện nay, các doanh nghiệp du lịch không hưởng lợi nhiều vì các doanh nghiệp du lịch đóng cửa, tạm dừng hoạt động không có doanh thu để khấu trừ thuế.
Bên cạnh đó, đối với chính sách giảm giá điện trong thời gian 3 tháng, các doanh nghiệp du lịch hầu như không hưởng lợi nhiều từ chính sách này, vì thời điểm giảm giá điện là thời gian dịch bệnh bùng phát nên các doanh nghiệp đóng cửa, tạm ngừng hoạt động, không sử dụng điện nhiều.
Đối với chính sách cho vay trả lương phục hồi sản xuất theo quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, đa số doanh nghiệp du lịch không đáp ứng được các quy định như trên, vì lao động nghỉ việc không tham gia bảo hiểm bắt buộc và doanh nghiệp ngừng kinh doanh, nợ thuế nên không thực hiện quyết toán thuế do ảnh hưởng dịch bệnh.
Vì vậy các doanh nghiệp cần những hỗ trợ thực tế hơn để doanh nghiệp có thể vực dậy bền vững hơn.