(KTSG Online) - Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam sẽ tiếp tục điều chỉnh, tích lũy trước khi bước vào giai đoạn tăng trưởng mới, theo các chuyên gia.
- Hàng loạt giải pháp siết quản lý thị trường chứng khoán
- Vì sao thị trường chứng khoán giảm điểm mạnh trong khi kinh tế Việt Nam tăng trưởng?
Ông Hoàng Công Tuấn – Kinh tế trưởng, Công ty chứng khoán MB (MBS) – dự báo TTCK Việt Nam tiếp tục trải qua những đợt điều chỉnh trong năm 2022 – tương tự năm 2018 – khi FED thu hẹp quy mô bảng cân đối tài sản.
“Lịch sử cho thấy khi FED gia tăng quy mô bảng cân đối tài sản thì thị trường đều tăng trưởng trong thời gian dài, đặc biệt là hai năm dịch bệnh vừa qua khi họ đẩy mạnh bơm tiền để mua các tài sản như trái phiếu và thực hiện chính sách ‘tiền trực thăng’. Ngược lại, thị trường sẽ suy giảm khi FED thu hẹp quy mô bảng cân đối tài sản”, ông Tuấn nói và cho biết hiện chỉ số S&P 500 và Nasdaq trên TTCK Mĩ đang phản ánh điều này trước các thị trường khác.
Cũng theo chuyên gia Tuấn, việc FED tăng lãi suất, siết chặt chính sách tiền tệ sau 2 năm nới lỏng định lượng để kích thích kinh tế sẽ tác động tới TTCK.
“Với mỗi chu kỳ FED bơm tiền, giá trị của các thị trường tài sản gồm cổ phiếu, trái phiếu, thậm chí bitcoin đều gia tăng. Nhưng khi họ hút tiền ra các thị trường này đều tạo đỉnh và đi xuống. Điều này cho thấy sự đồng pha giữa chính sách bơm – hút tiền của FED và các thị trường tài sản, cũng như yếu tố quyết định của dòng tiền với các thị trường tài sản”, ông Tuấn nói tại MBS Talk’s 2022 sáng 28-5.
Bên cạnh động thái của FED, chuyên gia của MBS cho biết căng thẳng Nga – Ukraine và chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc sẽ tiếp tục tạo ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng và giữ giá dầu ở mức cao. Điều này sẽ khiến chỉ số lạm phát ở các nền kinh tế lớn giảm với đốc độ chậm hơn, sau khi đã tạo đỉnh.
“Lạm phát giảm chậm sẽ làm giảm tín hiệu tích cực với thị trường chứng khoán, khiến thị trường này tiếp tục đối mặt với khó khăn trong tương lai gần”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Cũng theo ông Tuấn, TTCK Việt Nam có thể trải qua một giai đoạn điều chỉnh mới trước khi chính thức tạo đáy, rồi tăng trưởng.
Lý giải điều này, ông cho biết thanh khoản toàn thị trường trong hai nhịp điều chỉnh gần đây thực sự không tăng, không hút dòng tiền mạnh mẽ như đã diễn ra trong năm 2018.
“Khi thị trường tạo đáy vào tháng 6, 7-2018, dòng tiền tham gia rất mạnh mẽ khiến nhiều cổ phiếu liên tục tăng trưởng trong nhiều tuần. Nhưng giai đoạn vừa qua, thanh khoản tại vùng đáy không cao với mức 17.000-18.000 tỉ đồng mỗi phiên cho thấy nhà đầu tư có sự thận trọng đáng kể”, ông Tuấn nói.
Ngoài ra, một số tổ chức, quỹ đầu tư có xu hướng bán cổ phiếu để tăng lượng tiền mặt nắm giữ.
Bên cạnh đó, FED dự kiến tiếp tục tăng lãi suất với mức 0,5% vào tháng 6-2022 và tiếp tục tăng với mức 0,25% vào các lần điều chỉnh kế tiếp. Điều này, theo ông Tuấn, khiến dòng tiền đầu tư có thể rút khỏi các thị trường mới nổi như Việt Nam, khiến các chỉ số trên thị trường giảm sút.
Về triển vọng dài hạn, kinh tế trưởng của MBS cho biết nền kinh tế Việt Nam đang hồi phục và tăng trưởng trở lại, giúp các cơ hội về kinh doanh ở các lĩnh vực khác ngoài chứng khoán sẽ tăng cao trở lại. Ngoài ra, các ngân hàng đã phải tăng lãi suất huy động đáng kể, dù bằng mức trước dịch.
Vì vậy, các yếu tố mang tính cơ bản vĩ mô và các yếu tố về tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ hỗ trợ cho thị trường.
“Nhà đầu tư cần chọn lựa được những công ty tốt, có năng lực tăng trưởng về lợi nhuận tốt và đặc biệt là giá cổ phiếu cũng phải ở mức độ hợp lý”, ông Tuấn khuyến nghị.
Theo kinh tế trưởng của MBS, về dài hạn thị trường chứng khoán không phải đang đi xuống mà vẫn đang đi lên. Theo đó, kịch bản thị trường năm 2022 sẽ tương tự năm 2018 trước khi trưởng tích cực trong 2 năm tới.
Đồng quan điểm, TS Cấn Văn Lực - Kinh tế trưởng BIDV - dự báo xu hướng tăng trưởng của TTCK Việt Nam trong dài hạn sẽ được “trợ lực” bởi nền tảng kinh tế vĩ mô dần phục hồi sau hai năm dịch bệnh, triển vọng nâng hạng thị trường.
Theo đó, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ hưởng lợi từ sự phục hồi của nền kinh tế trong năm 2022 với các cấu phần, gồm: Chiến lược thích ứng linh hoạt, chung an toàn với Covid-19; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023 trên diện rộng; Tỉ giá, lãi suất cơ bản ổn định; Đầu tư công, nhất là cơ sở hạ tầng, được đẩy mạnh; Nhiều giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực từ xung đột Nga – Ukraina, kiểm soát đà tăng giá cả, lạm phát được triển khai.
“Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2022 sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi này, nhưng cũng có những bước điều chỉnh giảm điểm cùng với đà chung của chứng khoán thế giới”, ông Lực nói tại Hội thảo công bố Báo cáo “Thị trường tài chính Việt Nam 2021 và triển vọng 2022” ngày 25-5.
Cũng theo kinh tế trưởng của BIDV, tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam dao động trong khoảng 5,5-6% theo kịch bản cơ sở và 6-6,5% theo kịch bản tích cực. Mức tăng trưởng này dự kiến sẽ cao hơn trong trong năm 2023.
Ngoài ra, những biện pháp chấn chỉnh thị trường tài chính các cơ quan chức năng sẽ giúp thị trường phát triển ổn định, lành mạnh và bền vững hơn.
Với những cơ sở trên, ông Lực dự báo chỉ số VnIndex có thể đạt 1.610 điểm tại thời điểm cuối năm 2022, tăng 8% so với cuối năm 2021. Trong trường hợp thị trường diễn biến tiêu cực, VnIndex sẽ đạt 1.440 điểm, giảm 4%.
Về triển vọng nâng hạng thị trường, ông Lực dự báo TTCK Việt Nam có thể được nâng hạng FTSE Russell trong năm 2023 và MSCI vào 2024 hoặc 2025 sau khi được điều chỉnh và lành mạnh hoá.
Bên cạnh những các yếu tố trên, tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings (S&P) đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, triển vọng “Ổn định”. Việc nâng hệ số tín nhiệm quốc qua, theo ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính - sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa cho toàn bộ nền kinh tế.
Với Chính phủ, việc nâng hạng góp phần giúp mở mang các kênh huy động vốn cho đầu tư phát triển với chi phí hợp lý trong bối cảnh nền kinh tế cần huy động các nguồn lực cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội
Với doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại sẽ có thêm cơ hội đa dạng hóa nguồn tài chính, cải thiện chi phí huy động vốn nước ngoài.
Với quốc gia, uy tín sẽ được nâng cao. Đồng thời, gia tăng niềm tin của các nhà đầu tư quốc tế, qua đó đẩy mạnh thu hút nguồn đầu tư cả trực tiếp và gián tiếp vào Việt Nam.