Thứ hai, 20/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Chuẩn bị khởi động sàn giao dịch cà phê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chuẩn bị khởi động sàn giao dịch cà phê

Trong đoàn doanh nghiệp Việt Nam sang Mỹ để xúc tiến xuất khẩu cà phê hồi tháng 7 qua có ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó giám đốc Sở Thương mại - Du lịch tỉnh Daklak kiêm Giám đốc Trung tâm Giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột.

Gần hai tháng sau khi đoàn trở về, các doanh nghiệp kinh doanh cà phê trong nước, các văn phòng đại diện của các tập đoàn nhập khẩu cà phê nước ngoài có mặt ở Việt Nam đều nhận được thư điện tử của Trung tâm Giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột (BCEC) gửi tới. Toàn bộ hoạt động của BCEC trong tương lai bao gồm dự thảo quy chế thành viên, quy chế giao dịch, quy chế xử phạt vi phạm được ông Hà gửi tới các doanh nghiệp trong và ngoài nước để lấy ý kiến đóng góp cho mô hình giao dịch nông sản còn mới ở Việt Nam. Ngoài ra, một cuộc hội thảo về sàn giao dịch của BCEC tổ chức tại khách sạn Bạch Mã, Buôn Ma Thuột sáng thứ Ba (11-9) cũng nhằm để lấy ý kiến đóng góp trực tiếp của các doanh nghiệp cà phê cho mô hình này.

Trong dự thảo quy chế giao dịch mà BCEC đưa ra gần như không khác gì mấy so với cung cách giao dịch chứng khoán ở sàn chứng khoán TPHCM. Đó là các thuật ngữ giá tham chiếu, giá mở cửa, giá đóng cửa, biên độ dao động giá, lệnh giới hạn, lệnh thị trường, lệnh hủy, ngày giao dịch cuối cùng, ký quỹ thành viên, ký quỹ giao dịch, giao dịch khớp lệnh, giao dịch thỏa thuận, phí giao dịch đóng cho BCEC và nhiều thuật ngữ khác chẳng khác gì chơi chứng khoán.

Tuy nhiên, do đặc thù là giao dịch hàng hóa nên đơn vị giao dịch của cà phê là theo lô, mỗi lô 5 tấn cà phê. Loại cà phê giao dịch là cà phê vối (Robusta) quy định cho hạng 2 (R2) của tiêu chuẩn TCVN 4193-2005, các phẩm cấp khác được cộng thêm hay trừ đi tùy theo từng thời điểm. Mức ký quỹ giao dịch là 10% giá trị khối lượng hàng hóa. Để tránh trường hợp thao túng thị trường hay thỏa thuận để làm giá mở cửa, giá đóng cửa, trong thời gian khớp lệnh định kỳ, mỗi thành viên không được đặt lệnh giao dịch quá 100 lô (500 tấn). Biên độ dao động giá không vượt quá 8% so với giá tham chiếu.

Để tránh lũng đoạn thị trường, tổng hạn mức giao dịch cà phê của toàn bộ các hợp đồng trong thời hạn giao dịch không vượt quá 50% tổng khối lượng cà phê được sản xuất ra ở Việt Nam của ngay năm trước đó dựa theo số liệu của Tổng cục Thống kê và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hạn mức giao dịch của một thành viên không vượt quá 10% tổng hạn mức được phép giao dịch của toàn thị trường. Khác với mua bán chứng khoán, giao dịch cà phê vừa có yếu tố hợp đồng giao ngay và việc chuyển giao sản phẩm phải hoàn tất trong năm ngày kể từ ngày giao dịch có kết quả. Còn các hợp đồng kỳ hạn phải hoàn tất vào ngày cuối cùng của tháng cuối cùng của kỳ hạn hợp đồng, tính từ thời điểm “ngày giao dịch cuối cùng”. Một điểm đáng chú ý là các hợp đồng kỳ hạn chưa đến hạn thực hiện nhưng việc thanh toán vốn vẫn được thực hiện ngay sau khi giao dịch được khớp lệnh bằng cách thanh toán bù trừ qua ngân hàng ủy thác của BCEC.

Nhiều doanh nghiệp hội viên của Vicofa nhận xét rằng cách thức giao dịch ở BCEC, theo dự thảo, cũng giống với thị trường kỳ hạn London (LIFFE) của Anh và New York (NYBOT) của Mỹ. Tuy nhiên cũng có điểm khác là BCEC khống chế biên độ giá giao dịch còn hai sàn LIFFE và NYBOT thì không. Như vậy, các thành viên tham gia giao dịch với BCEC cũng có thể “lướt sóng” giống như chơi chứng khoán, hoặc dùng giao dịch kỳ hạn (có thanh toán bù trừ) để phòng chống rủi ro cho giao dịch cà phê giao ngay.

BCEC có ba loại thành viên, bao gồm thành viên kinh doanh, thành viên môi giới và thành viên quan sát. Thành viên kinh doanh bao gồm cả doanh nghiệp trong và ngoài nước có hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực cà phê, các nông trường, trang trại, hợp tác xã, hộ gia đình cá nhân với điều kiện có ít nhất 3 héc ta cà phê trở lên. Thành viên môi giới là các tổ chức môi giới tài chính, thương mại và mức phí môi giới được quy định không quá 20% mức phí giao dịch mà BCEC thu của các thành viên. Các thành viên kinh doanh có thể cử người đại diện giao dịch tại sàn. Thành viên quan sát là những người chưa đủ điều kiện làm thành viên chính thức của BCEC.

Liệu có khả thi?

Phải mất hơn hai năm kể từ khi có chủ trương, tới tháng 11-2005, một trung tâm giao dịch cà phê mới được khởi công xây dựng và lẽ ra phải đi vào hoạt động từ tháng 9 năm ngoái, nhưng đến nay vẫn chưa hoạt động vì thiếu hành lang pháp lý. Tháng 12-2006, Chủ tịch UBND tỉnh Daklak đã ký quyết định thành lập BCEC với tư cách là một đơn vị sự nghiệp có thu.

Ngày 28-12-2006, Chính phủ ban hành Nghị định số 158/2006/NĐ-CP, quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa. Nghị định này đã cởi trói cho BCEC và là tiền đề để BCEC xây dựng dự thảo quy chế hoạt động của trung tâm. Dự kiến vào đầu niên vụ cà phê 2007-2008 bắt đầu từ ngày 1-10 tới đây, BCEC sẽ chính thức được vận hành. Tuy nhiên, hiện tại một số doanh nghiệp kinh doanh cà phê vẫn chưa thật sự tin tưởng vào các sàn giao dịch kiểu này vì các năm trước cũng đã từng có sàn giao dịch hạt điều, rồi sàn giao dịch tôm ở TPHCM nhưng cả hai đã âm thầm khai tử chẳng ai hay biết.

Hồng Văn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới