Thứ hai, 25/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá lợi – hại từ sự kiện đấu giá đất Thủ Thiêm

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Ủy ban Kinh tế của Quốc hội lo ngại sự kiện đấu giá quyền sử dụng đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm khiến giá đất khu vực được đẩy lên quá cao, khó phát triển nhà ở bình dân và gây khó khăn cho quá trình thu hồi đất trên địa bàn TPHCM.

Cơ quan này cho biết một số hạn chế, bất cập trong sự kiện đấu giá quyền sử dụng đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm gồm chưa quy định rõ ràng, cụ thể về các điều kiện vốn chủ sở hữu, cam kết bảo lãnh của ngân hàng, chứng minh sự minh bạch, tính khả thi về huy động vốn, tính khả thi về phương án đầu tư kinh doanh trên khu đất trúng đấu giá.

Ngoài ra, tiền đặt trước xác định theo giá khởi điểm được chuyển thành tiền đặt cọc để bảo đảm thực hiện hợp đồng, trong khi giá trúng đấu giá cao hơn gấp nhiều lần so với giá khởi điểm, nên chưa ràng buộc được trách nhiệm thanh toán tiền sử dụng đất của doanh nghiệp trúng đấu giá.

Thời gian từ khi đấu giá đất đến khi hết hạn nộp tiền trúng đấu giá cũng khá dài, lên tới 180 ngày có thể bị các công ty tham gia đấu giá thực hiện các ý đồ như “thổi giá” bất động sản để tăng giá trị cổ phiếu, cơ cấu lại khoản nợ trong các ngân hàng, bán hàng tồn đọng.

Vị trí 4 khu đất vàng Thủ Thiêm đã đấu giá thành công. Ảnh: Lê Vũ

Về tác động của sự kiện, Uỷ ban Kinh tế cho biết các lô 3-5, 3-8, 3-9 và 3-12 tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm có tổng giá trúng đấu giá là 37.346 tỉ đồng, cao hơn 7,09 lần giá khởi điểm đấu giá.

Kết quả này này giúp tối đa hóa khoản thu ngân sách nhà nước. Thậm chí, nếu doanh nghiệp trúng đấu giá không thực hiện nghĩa vụ tài chính vẫn phải chịu chế tài và mất khoản tiền đặt cọc lớn. Khoản tiền này được nộp vào ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, quy định này dễ dẫn đến tình huống công ty trúng đấu giá chịu mất khoản tiền đặt cọc, không thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất, khiến kết quả đấu giá sẽ bị hủy bỏ.

Hiện Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt và Công ty TNHH Đầu tư phát triển và thương mại Bình Minh – hai đơn vị trúng đấu giá lô đất 3-12 và 3-9 - đã xin chấm dứt hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, chịu mất tiền đặt cọc. UBND TPHCM cũng quyết định hủy bỏ kết quả đấu giá quyền sử dụng đất của hai lô đất này.

Với lô đất 3-5 và 3-8, hai đơn vị trúng đấu giá là Công ty cổ phần Dream Republic và Công ty cổ phần Sheen Mega vẫn chưa nộp tiền sử dụng đất theo quy định.

Việc này, theo Uỷ ban Kinh tế, sẽ phát sinh một số vấn đề dù công ty trúng đấu giá sẽ thực hiện đúng cam kết nộp tiền sử dụng đất hay không.

Với trường hợp công ty trúng đấu giá thực hiện đúng cam kết nộp tiền sử đụng đất theo kết quả trúng đấu giá, mặt bằng giá đất tại khu vực Thủ Thiêm nói riêng và TPHCM nói chung sẽ bị đẩy lên một mức cao hơn. Điều này sẽ có lợi cho các dự án mới được giao đất và đã nộp tiền sử dụng đất, nhưng gây bất lợi cho các dự án đã được chấp thuận, chưa nộp tiền sử dụng đất hoặc các dự án sẽ thực hiện thu hồi đất để giải phóng mặt bằng sau này.

Ngoài ra, ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư, kéo theo sự tăng giá của các sản phẩm nhà ở, bất động sản đã hoặc đang chào bán lân cận địa điểm đấu giá.

“Trường hợp nhà đầu tư đưa ra giá bán nhà quá cao mà không được thị trường chấp nhận thì có thể làm tăng lượng hàng tồn kho có giá trị lớn”, Uỷ ban Kinh tế đánh giá.

Bên cạnh đó, giá trị đất đai gia tăng sẽ làm tăng chi phí đầu vào và kéo theo tăng giá nhà ở, bất động sản khiến các doanh nghiệp khó có cơ hội đầu tư dự án nhà ở có giá bình dân, giá thấp mà bắt buộc phải đầu tư bất động sản cao cấp, siêu sang phục vụ cho các đối tượng có thu nhập rất cao trong xã hội mới có thể thu hồi vốn và kinh doanh có hiệu quả.

“Giá nhà ở tăng sẽ gây thêm khó khăn cho người dân, đặc biệt là nhóm có thu nhập thấp và trung bình trong việc tiếp cận nhà ở”, Ủy ban Kinh tế lo ngại.

Đáng lưu ý, việc tăng giá đất cũng sẽ gây khó khăn cho công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Với trường hợp công ty trúng đấu giá đơn phương xin chấm dứt hợp đồng mua bán tài sản đấu giá có thể làm cho giá đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm bớt sốt ảo, dần dần trở về giá trị thực. Nhưng cũng tạo khó khăn cho địa phương trong việc tổ chức đấu giá lại và đấu giá các lô đất tiếp theo.

Ngoài ra, việc này có thể là hình thức “thổi giá” của doanh nghiệp nhằm lợi dụng việc đẩy giá đất tại khu vực lên cao để tranh thủ bán các bất động sản mà doanh nghiệp đó hoặc các doanh nghiệp có liên quan đang kinh doanh tại TPHCM và các khu vực lân cận.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể lợi dụng việc đấu giá để đánh bóng hình ảnh nhằm tăng giá trị doanh nghiệp để phát hành trái phiếu, tăng giá cổ phiếu, tăng giá trị góp vốn liên doanh, mua bán nợ, mua bán dự án. Đồng thời, cơ cấu lại các khoản nợ tại các tổ chức tín dụng qua việc ký lại các hợp đồng thế chấp bằng quyền sử dụng đất (sẽ định giá lại theo hướng tăng giá trị thế chấp), tiềm ẩn nguy cơ rối loạn, đổ vỡ hệ thống tín dụng, ngân hàng nếu không được các cơ quan chức năng có thẩm quyền kiểm soát chặt chẽ.

1 BÌNH LUẬN

  1. Đấu giá là cuộc chơi của ba bên 1. Chủ tài sản, 2. Người tham gia đấu giá, 3. Người chủ trì đấu giá. Với tài sản công, vai trò chủ tài sản và chủ trì đấu giá gần như là một. Hay nói khác đi, vừa đá bóng, vừa thổi còi. Vì vậy, có nhiều nguy cơ rủi ro xảy ra khi cuộc đấu giá diễn ra với tài sản có giá trị lớn và phức tạp. Nếu muốn hiệu quả hơn, cần bảo đảm những đối tượng tham gia cuộc chơi phải đóng đúng và tròn vai của mình.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới