(KTSG) - Câu chuyện về tính chuyên nghiệp, độc lập và đạo đức nghề nghiệp của các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực “nhạy cảm” gồm kiểm toán, định giá, và xếp hạng tín nhiệm một lần nữa lại trở nên bức bối sau nhiều vụ lùm xùm trên thị trường chứng khoán, trái phiếu gần đây.
Tình cờ là trong các công việc của mình đã trải qua tại các ngân hàng và tổ chức tài chính tại Singapore, người viết đã trực tiếp và gián tiếp làm hoặc có “va vấp” với các lĩnh vực nói trên. Bởi vậy, người viết có một số kinh nghiệm và nhận xét rút ra từ các công việc này.
Trước hết, việc xác định và đảm bảo một vị trí làm việc độc lập, không bị chi phối bởi lợi ích có liên quan đến đối tác mà mình đang làm việc là điều trọng yếu.
Chẳng hạn, trong công việc kiểm toán nội bộ, dù các đối tác đều là “người nhà”, tức cùng trong một ngân hàng, tuy ở các chi nhánh khác nhau tại các nước khác nhau, nhưng cán bộ kiểm toán vẫn (phải) coi các đối tác này là các đối tác xa lạ, và mục tiêu của đợt kiểm toán là phải tìm cho ra những vấn đề tồn tại, sai sót của chi nhánh trong việc cấp tín dụng cho khách hàng.
Việc đánh giá thành tích của đợt kiểm toán cũng hầu như chỉ dựa vào các phát hiện này (với sự “tâm phục khẩu phục” của chi nhánh bị kiểm toán).
Suy rộng ra, tất cả doanh nghiệp trong các lĩnh vực trên cần tuân thủ và đảm bảo nguyên tắc độc lập về lợi ích với doanh nghiệp mà mình đang cung cấp dịch vụ. Nhưng đến đây, một vấn đề khác lại nảy sinh, là nếu cứ độc lập, làm đúng theo chức trách, nhiệm vụ và đạo đức nghề nghiệp mà không “chịu” bị doanh nghiệp khách hàng chi phối, điều khiển thì lại không được khách hàng... thuê!
Nếu cứ độc lập, làm đúng theo chức trách, nhiệm vụ và đạo đức nghề nghiệp mà không “chịu” bị doanh nghiệp khách hàng chi phối, điều khiển thì lại không được khách hàng... thuê?! Lời giải cho vấn đề này đến từ nhiều phía…
Lời giải cho vấn đề này đến từ nhiều phía. Phía khách hàng sử dụng dịch vụ, nhất là các doanh nghiệp lớn, mà chỉ đi thuê các doanh nghiệp kiểm toán “làng nhàng”, chưa/không có uy tín thì đã tự đặt mình vào tầm ngắm của dư luận và nhà chức trách.
Không phải ngẫu nhiên mà các ngân hàng lớn lại đòi hỏi khách hàng vay vốn phải có báo cáo tài chính kiểm toán bởi các doanh nghiệp kiểm toán tên tuổi, quốc tế.
Về phía doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, nếu coi việc “đi đêm” với doanh nghiệp khách hàng làm lẽ sống, để giành được hợp đồng, để chung chi với nhau thì hãy tự xác định tương lai của mình là rất may rủi và ngắn ngủi.
Về phía nhà chức trách, họ có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc phá vỡ cái xu hướng, cái kiểu liên kết ma quỷ này, thông qua công tác thanh tra và xử phạt thích đáng các hành vi phạm pháp liên quan. Chỉ có (tăng cường) làm vậy thì các doanh nghiệp có nhu cầu dịch vụ và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mới có thể chùn tay liên kết với nhau làm bậy để hướng đến hoạt động chuyên nghiệp hơn, đạo đức hơn.
Thực tế của nhiều vụ lùm xùm râm ran từ lâu trong dư luận và chỉ được phát hiện khi đã quá muộn, khi có vấn đề “tình cờ” liên quan nảy sinh cho thấy nhà chức trách đã buông lỏng hoặc yếu kém, thậm chí có cả lợi ích nhóm, trong việc thanh tra, xử lý để các liên kết ma quỷ càng có động lực hình thành và hoành hành cho đến nay.
Về phía khách hàng của các doanh nghiệp thuê dịch vụ, chẳng hạn nhà đầu tư mua cổ phiếu hay ngân hàng cho vay, cũng cần nâng cao trình độ và tinh thần cảnh giác với các doanh nghiệp đối tác.
Một ví dụ là người viết trong quá trình thẩm định hồ sơ vay vốn của một doanh nghiệp thép lớn ở TPHCM đã phát hiện việc nhào nặn số liệu trong báo cáo kiểm toán do doanh nghiệp cung cấp, và kết cục là doanh nghiệp này đã bị ngân hàng từ chối cho vay. Hậu quả có thể sẽ còn lớn hơn nếu doanh nghiệp này và doanh nghiệp kiểm toán cho họ bị tố cáo và Việt Nam có cơ chế tiếp nhận và xử lý các tố cáo kiểu này một cách hữu hiệu.
Nhà đầu tư cũng cần thận trọng với các doanh nghiệp có báo cáo tài chính tuy có kiểm toán nhưng lại quá sơ sài, vắn tắt, xem đến thì chỉ cảm nhận được thái độ che giấu, lấp liếm sự thật của doanh nghiệp và cả kiểm toán viên.
Nhận xét thứ hai của người viết là việc tuân thủ quy trình làm việc và các chuẩn mực của nghề nghiệp cũng rất quan trọng. Ví dụ, khi thực hiện kiểm toán nội bộ, người viết phát hiện một số hành vi không tuân thủ đúng quy trình nội bộ (có thể là không cố ý) của một số chi nhánh ngân hàng tại nước ngoài, dẫn đến việc đánh giá không đúng độ tín nhiệm và rủi ro tín dụng của khách hàng.
Gạt chuyện đạo đức nghề nghiệp sang bên thì đây chính là tính chuyên nghiệp, lành nghề của cán bộ phân tích, xếp hạng tín nhiệm, đánh giá rủi ro. Khuyến nghị sau kiểm toán cho chi nhánh trong trường hợp này là phải tăng cường đào tạo cho nhân viên về các quy trình, chuẩn mực và kỹ năng liên quan.
Từ chuyện trên suy rộng ra việc xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp, vốn đang được coi là lời giải hiệu nghiệm cho, ví dụ, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, cần phải được xem xét một cách cẩn trọng hơn. Bởi cùng một doanh nghiệp phát hành, cùng một bộ số liệu, nhưng vào tay các doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm khác nhau, cán bộ xếp hạng tín nhiệm khác nhau lại có thể cho ra các kết quả xếp hạng khác nhau, kể cả khi không có vấn đề về đạo đức nghề nghiệp hay xung đột lợi ích.
Do đó, trừ khi có một quy trình và chuẩn mực chung thống nhất cho tất cả doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và việc tuân thủ mọi quy trình và chuẩn mực đều như nhau, sự chuyên nghiệp và lành nghề của cán bộ xếp hạng tín nhiệm là như nhau (điều không thể có trên thực tế), kết quả xếp hạng tín nhiệm sẽ có thể khác nhau cho cùng một doanh nghiệp được xếp hạng, dẫn đến việc xếp hạng tín nhiệm chỉ mang tính tương đối. Vì vậy, đây không nhất thiết là cơ sở để nhà đầu tư định giá trái phiếu một cách hợp lý dựa trên rủi ro tín dụng đi kèm của nó.
Điều cuối cùng mà người viết muốn nêu từ kinh nghiệm của mình là về định giá tài sản, doanh nghiệp. Định giá của các doanh nghiệp luôn phải dựa trên các giả định và dự phóng, bên cạnh việc áp dụng phương pháp định giá cụ thể nào trong số các phương pháp định giá có thể áp dụng. Bởi vậy, điều bình thường là các kết quả định giá sẽ khác nhau, thậm chí ở mức độ rất lớn.
Sẽ là bất thường nếu chỉ căn cứ vào kết quả định giá để kết luận doanh nghiệp định giá nào đó là “bất thường”. Sự bất thường này cần phải được phản ánh qua tính hợp lý, khách quan của các giả định và dự phóng, cũng như mức độ chính xác, trung thực của các dữ liệu sử dụng làm cơ sở cho các giả định và dự phóng đó. Nên hầu như chỉ có thể phân biệt và đánh giá doanh nghiệp định giá nào chuyên nghiệp, độc lập và ngay thẳng với những doanh nghiệp còn lại qua những yếu tố này.
Vì chi tiết quy trình định giá thường là không công khai nên đương nhiên là chỉ có cơ quan chức năng, qua các đợt thanh tra, mới có thể biết được doanh nghiệp định giá nào là chuyên nghiệp, độc lập và trung thực. Do đó, cũng chỉ có cơ quan chức năng với các biện pháp xử phạt thích đáng mới có thể buộc các doanh nghiệp định giá phải tự mình tăng cường tính chuyên nghiệp và cẩn thận hơn về đạo đức nghề nghiệp.
Cũng xin được nhắc lại về tầm quan trọng không thể bỏ qua của “tai mắt nhân dân” và cơ chế tiếp nhận và xử lý tố cáo tiêu cực trong tất cả các lĩnh vực nói trên để buộc các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ luôn phải trong tâm thế “băn khoăn”, dè chừng khi không muốn... độc lập!
Bên cạnh hệ thống ngân hàng thương mại, hệ thống kiểm toán/ thẩm định giá/ xếp hạng tín nhiệm… là những trụ cột căn bản của tiến trình phát hành cổ phiếu/ trái phiếu doanh nghiệp. Nhưng những trụ cột này thời gian qua còn quá nhiều tồn tại, cả về năng lực và uy tín. Riêng hệ thống xếp hạng tín nhiệm trong nước, cùng hệ thống thông tin tín dụng CIC gần như không phát triển được, do những cản trở “vô hình” về mặt pháp lý. Tất cả các xếp hạng mang tính chuyên nghiệp về tài chính – kinh tế hiện nay hầu như đều dựa vào “khẩu vị phán xét” của các công ty nước ngoài. Người Việt chỉ được dùng hàng ngoại. Đó chính là căn bệnh khó chữa của xếp hạng tín nhiệm lâu nay.