(KTSG Online) - Lãnh đạo Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cho biết đang rà soát để đề xuất giảm thêm thuế, phí nhằm kiềm chế giá xăng dầu, nhưng nhận định giá xăng dầu tại Việt Nam vẫn đang thấp hơn một số nước và tỷ trọng thuế trong xăng dầu Việt Nam cũng chỉ ở mức trung bình thấp.
- Đừng nói giá xăng thế giới mà không nhìn túi tiền người dân!
- Giá xăng đang ‘còng lưng’ với bao nhiêu loại thuế và phí?
- Giá xăng ở Việt Nam cao hơn Mỹ và Nhật Bản như thế nào?
Thông tin trên được lãnh đạo hai bộ Công Thương và Tài Chính đưa ra trong buổi họp báo Chính phủ thường kỳ vào chiều 4-6.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, có 3 biện pháp để giảm, kiềm chế ở mức cao nhất việc tăng giá xăng dầu và tác động của việc tăng giá đến người dân và doanh nghiệp. Đó là, sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (Quỹ BOG); điều chỉnh các loại thuế, phí trong cơ cấu xăng dầu và đưa ra chính sách an sinh xã hội hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Về việc sử dụng quỹ bình ổn, theo ông Hải, giá bình quân một số thành phẩm xăng dầu thế giới ở tại thị trường Singapore từ đầu năm đến ngày 1-6 tăng 45,86% - 63,68% nhưng nhờ sử dụng linh hoạt, hợp lý quỹ này nên giá trong nước trong nước chỉ tăng từ 27,29% - 47,89%.
“Rõ ràng mức tăng của chúng ta thấp hơn so với thế giới”, báo Chính phủ dẫn lời ông Hải.
Về điều chỉnh các loại thuế, phí trong cơ cấu xăng dầu như thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 18 về giảm mức thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn 50% và giảm 70% mức thuế bảo vệ môi trường với dầu hoả từ ngày 1-4. Chính sách này có hiệu lực đến hết năm nay.
Theo ông Hải, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Tài chính đề xuất, rà soát để tiếp tục giảm được các thuế trong cơ cấu giá xăng dầu.
Về các chính sách an sinh xã hội, ông Hải cho rằng không chỉ là trách nhiệm riêng Bộ Công Thương và Bộ Tài chính mà đây còn là trách nhiệm của Chính phủ và của các bộ, ngành khác. Vì vậy, cần hướng tới đề xuất những chính sách an sinh cho người dân và tiếp tục có giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Về thuế xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho biết các chính sách thuế Việt Nam đang áp dụng với xăng dầu hiện nay gồm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng, thuế bảo vệ môi trường và thuế giá trị gia tăng. Tỷ trọng thuế trong xăng dầu Việt Nam ở mức trung bình thấp so với thế giới.
Theo đó, trung bình tỷ trọng thuế trong giá xăng dầu ở nhiều quốc gia (trừ nước có trữ lượng dầu mỏ lớn) là 40-60%. Với Việt Nam, tỷ trọng thuế trong giá xăng là 29-31%; dầu diesel hơn 13%; không có phí, lệ phí thu trên xăng dầu.
Trước bối cảnh giá xăng dầu tăng cao có thể ảnh hưởng tới CPI cũng như đem đến thách thức trong điều hành, kiềm chế lạm phát, Việt Nam đã điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi với xăng từ 20% xuống 12%.
Về việc có thể giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng với xăng dầu hay không, theo ông Tuấn, quy định pháp luật với hai loại thuế này không có quy định về miễn giảm thuế với hàng hoá chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Mặt khác, thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng ở Việt Nam hiện vào loại thấp so với thế giới.
Theo nghiên cứu của trang Global Petrol Prices, giá xăng hiện tại của Việt Nam đang thấp hơn so với mức trung bình trên thế giới, và đứng thứ 79/170 quốc gia và khu vực trên thế giới, tức nằm tầm giữa.
Theo Global Petrol Prices, tất cả các quốc gia đều được tiếp cận với giá xăng dầu như nhau trên thị trường quốc tế nhưng sau đó quyết định áp các loại thuế khác nhau. Sự khác biệt về giá giữa các quốc gia là do các loại thuế và trợ cấp xăng dầu khác nhau. Do đó, giá bán lẻ xăng dầu có sự chênh lệch.
Ở trong nước, trong cơ cấu giá xăng, dầu cơ sở, mỗi lít xăng, dầu bán ra đang chịu 4 loại thuế gồm thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường. Ngoài các khoản thuế nêu trên, mỗi lít xăng còn phải cộng thêm chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức, mức trích lập quỹ bình ổn và lợi nhuận của doanh nghiệp.