Thứ bảy, 23/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Lao động phi chính thức chịu nhiều thiệt thòi, hơn 97% không được đóng bảo hiểm xã hội

Minh Thảo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Hiện nay, người lao động phi chính thức phải đối mặt với nhiều thiệt thòi và bất lợi như không được pháp luật lao động bảo vệ, không được hưởng các chế độ bảo trợ xã hội… Đáng chú ý, tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 4 vào ngày 5-6, ông Bùi Sĩ Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban xã hội của Quốc hội, cho biết có hơn 97% lao động phi chính thức không có bảo hiểm xã hội và chỉ có 0,2% được đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Ngày 5-6, phiên hội thảo với chuyên đề “Phát triển chuỗi cung ứng lao động ổn định sau đại dịch Covid-19” trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 4 đã được diễn ra tại TPHCM.

Lao động phi chính thức đối mặt với nhiều bất lợi

Thông tin về thực trạng lao động phi chính thức ở Việt Nam, tại phiên hội thảo với chuyên đề “Phát triển chuỗi cung ứng lao động ổn định sau đại dịch Covid-19” trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 4 vào ngày 5-6, TS. Bùi Sĩ Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban xã hội của Quốc hội, cho biết cả nước có 53,4% lao động phi chính thức là lao động làm công ăn lương tương ứng với 9,6 triệu người, có 32,1% (tương ứng 5,8 triệu người) là lao động tự làm và 11,8% (tương ứng 2,2 triệu người) là lao động gia đình.

Thêm vào đó, có đến 43,9% lao động phi chính thức được xếp vào nhóm lao động có việc làm dễ bị tổn thương (32,1% là lao động tự làm và 11,8% là lao động gia đình không được trả lương), trong khi đó chỉ có 14% lao động chính thức được xếp vào nhóm này.

“Nữ giới có xu hướng làm các công việc dễ bị tổn thương hơn nam giới. Có 31,8% lao động phi chính thức nam giới được xếp vào nhóm lao động có việc làm dễ bị tổn thương trong khi con số này ở nữ giới lên tới 59,6%”, ông Lợi nói.

Hầu hết lao động phi chính thức không có bảo hiểm xã hội (97,9%), chỉ có 0,2% được đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, còn lại 1,9% đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện. Trong khi đó, tỷ lệ lao động chính thức có bảo hiểm xã hội bắt buộc lại rất cao (80,5%), ông Lợi cho biết.

Số giờ làm việc của lao động phi chính thức làm công ăn lương là 49,2 giờ/tuần, hơn hai giờ so với lao động chính thức làm công ăn lương (47,2 giờ/tuần) và cao hơn số giờ làm việc theo quy định (48 giờ/tuần).

Đặc biệt, tiền lương bình quân tháng của lao động phi chính thức thấp hơn lao động chính thức ở tất cả các vị thế việc làm. Tiền lương bình quân của nhóm lao động chính thức vào khoảng 6,7 triệu đồng/tháng, tiền lương bình quân của nhóm lao động phi chính thức chỉ bằng hơn một nửa con số đó (4,4 triệu đồng/tháng).

Trong khi chỉ có 1,7% lao động chính thức không được ký hợp đồng lao động thì có tới 76,7% số lao động phi chính thức làm việc mà không có bất cứ một hợp đồng lao động bằng văn bản nào liên quan đến công việc đang làm, cụ thể hợp đồng thỏa thuận miệng (62,1%) và không có bất cứ một thỏa thuận nào (14,6%).

Theo ông Lợi, đại dịch Covid-19 cũng đã tước đi cơ hội có việc làm chính thức của người lao động, khiến một phần trong số họ không tìm được việc làm mới, một số khác phải chuyển sang làm các công việc phi chính thức không ổn định, thiếu bền vững.

Theo TS. Bùi Sĩ Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban xã hội của Quốc hội, trong khi tiền lương bình quân của nhóm lao động chính thức vào khoảng 6,7 triệu đồng/tháng thì tiền lương bình quân của nhóm lao động phi chính thức chỉ khoảng 4,4 triệu đồng/tháng.

Từ những kinh nghiệm và thực tiễn, ông Bùi Sĩ Lợi cho rằng người lao động trong khu vực phi chính thức và gia đình họ thường phải chịu thiệt thòi vì không được điều chỉnh bởi hệ thống pháp luật về lao động. Chẳng hạn như đối với yêu cầu về an toàn và sức khỏe liên quan đến điều kiện làm việc, họ không được nhận hỗ trợ từ các chương trình trợ cấp xã hội.

Ngoài ra, tiếng nói của người lao động trong khu vực phi chính thức ít khi được nhắc đến trong quá trình quyết định các chính sách. Doanh nghiệp trong nền kinh tế chính thức phải đối mặt với sự cạnh tranh không lành mạnh từ khu vực phi chính thức do giá cả hàng hóa và dịch vụ được cắt giảm bởi họ không đóng góp vào bảo hiểm xã hội cũng như thuế.

Để bảo vệ quyền lợi của người lao động phi chính thức, ông Lợi cho rằng một số điều khoản trong hệ thống pháp luật hiện hành phải phù hợp theo cách tiếp cận có tính bảo vệ trong Bộ luật Lao động cần được sửa đổi.

Theo đó, “trợ cấp thai sản cần được củng cố, khả năng tiếp cận với dịch vụ giúp việc gia đình với giá hợp lý, bảo vệ chống quấy rối tình dục và mở ra nhiều hơn cơ hội cho phụ nữ trong các ngành nghề và hoạt động kinh tế, mà trước đây không cho phép phụ nữ tham gia vì mục đích bảo vệ”, ông Lợi nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, người lao động phi chính thức cần được bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; bảo đảm an toàn, an ninh và an sinh xã hội…

Để giảm tỷ lệ lao động phi chính thức, ông Lợi đưa ra kiến nghị cần có quy định hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề nghiệp cho lao động, hỗ trợ tài chính, giảm thuế cho các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (Luật Việc làm), cũng như đẩy mạnh phát triển chương trình bảo hiểm xã hội tự nguyện trong khu vực kinh tế phí chính thức (Luật Bảo hiểm xã hội); tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách quản lý kinh tế nhằm khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc khu vực kinh tế phi chính thức chuyển sang khu vực doanh nghiệp (Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa)…

Lao động giảm sút sau dịch, giải pháp phục hồi nguồn cung

Cũng tại hội thảo bàn về việc phát triển chuỗi cung ứng lao động ổn định sau đại dịch Covid-19, ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, cho biết đối với Việt Nam, đại dịch Covid-19 đã làm cho kinh tế tăng trưởng chậm lại, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực bị đứt gãy, đình trệ; tình hình lao động, việc làm, đời sống của người lao động bị ảnh hưởng tiêu cực.

Theo đó, nguồn cung lao động bị suy giảm nghiêm trọng, số lao động có việc làm giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Trong đó, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên giảm mạnh nhất vào quí 3-2021, chỉ còn 49,1 triệu người. Lực lượng lao động có việc làm quí 4-2021 là 49,07 triệu người, thấp hơn 1,79 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ lao động thiếu việc làm, thất nghiệp tăng cao, đạt đỉnh cao nhất là quí 3-2021 là 3,98% (hơn 1,7 triệu lao động). Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi của khu vực thành thị cao nhất vào quí 3-2021 là 5,54%. Khoảng 1,3 triệu lao động lao động dịch chuyển từ thành thị về nông thôn, từ các trung tâm kinh tế lớn về các tỉnh.

Ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 4.

Ngoài ra, tiền lương, thu nhập của người lao động cũng giảm xuống, đời sống của người lao động khó khăn, trong đó thu nhập bình quân tháng của lao động từ 6,7 triệu đồng năm 2019 còn 5,3 triệu đồng năm 2021, giảm sâu nhất là vào quí 3-2021 chỉ còn là 5,2 triệu đồng.

Theo ông Thanh, nguồn cung lao động vẫn đang đặt ra một số vấn đề như cung lao động chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi kinh tế, đặc biệt đối với lao động có trình độ chuyên môn cao. Một số địa phương, khu vực, ngành nghề vẫn đang xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu, thiếu hụt nguồn cung cục bộ.

Cụ thể như trong quí 1-2022, thiếu hụt lao động cục bộ khoảng 120.000 lao động, cao hơn những năm trước khoảng 2-3%, chủ yếu thiếu hụt lao động phổ thông ở ngành dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến gỗ và một số ngành bị tác động mạnh buộc phải dừng hoạt động dài như du lịch, giáo dục...

Bên cạnh đó, trình độ người lao động chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển dịch cơ cấu công nghệ, nhất là giai đoạn phục hồi, nhiều doanh nghiệp đang rất tích cực thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0.

Nhằm cung ứng nguồn lao động ổn định sau đại dịch Covid-19, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, cho rằng các đơn vị, doanh nghiệp cần tập trung phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, linh hoạt và thống nhất. Đồng thời tạo môi trường phục hồi và phát triển thị trường lao động, đáp ứng cao nhất nhu cầu phát triển kinh tế; nâng cao chất lượng lao động; tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện các chính sách, quy định pháp luật về quan hệ cung cầu trong lao động.

Ngoài ra còn cần hoàn thiện sớm những chính sách về tiền lương, an sinh xã hội; sửa đổi toàn diện chính sách về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; nâng cấp chuẩn nhà trọ hiện hữu; cũng như tiếp tục đổi mới chủ trương, chính sách và triển khai có hiệu quả quy định về thu hút đầu tư trong và ngoài nước khắc phục tình trạng tập trung nhiều dự án đầu tư ở một địa phương, tạo sức ép hạ tầng và thiếu lao động cục bộ, gia tăng lao động di cư.

1 BÌNH LUẬN

  1. Lao động phi chính thức, họ đang tồn tại chứ không phải đang sống cho đàng hoàng. Vì cuộc mưu sinh, họ phải luôn bận tâm việc giải quyết các nhu cầu ngắn hạn cho cuộc sống chính mình và gia đình. Hệ thống an sinh xã hội gần như chưa với tới những đối tượng này, bởi lẽ với những đối tượng “biên chế” thì hệ thống này vẫn đang phục vụ kiểu “trầm trầy trầm trật” thì làm sao đủ năng lực để bao phủ hết được? Tuy nhiên vấn đề là ở chỗ, việc thiết kế hệ thống an sinh thiếu khoa học, thiếu nhân văn, chưa đề cao tối đa tính dân quyền trong hoạt động của mình.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới