Thứ ba, 3/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Những tranh luận về giải pháp với lạm phát

Nguyễn Vũ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Trên Kinh tế Sài Gòn số 21-2022 đã có bài Lạm phát, doanh nghiệp và người giàu mô tả cuộc tranh cãi của các nhà kinh tế về nguyên nhân dẫn đến tình hình lạm phát như hiện nay ở nhiều nước. Bài này tiếp tục phản ánh các quan điểm khác nhau về giải pháp.

Bên lề Diễn đàn kinh tế Davos, nhà kinh tế đoạt giải Nobel Joseph Stiglitz nói: “Tăng lãi suất không giải quyết được vấn đề lạm phát. [Tăng lãi suất] không tạo ra thêm lương thực; ngược lại là đằng khác vì không thể đầu tư để [tăng sản xuất]”.

Một nhà kinh tế khác, ông Lawrence Summers, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ lại nghĩ khác. Ông cho rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phải nâng lãi suất lên nữa, cao hơn mức lạm phát mới mong kiềm chế được lạm phát. “Chúng ta phải nâng lãi suất thêm 4 điểm phần trăm nữa mới đạt mức trung hòa và sau đó có thể nâng cao hơn thế” - ông nói với hãng tin Bloomberg.

Hai quan điểm trái ngược nhau này đại diện cho hai trường phái chống lạm phát - một bên nhắm đến cung, bên kia nhắm đến cầu. Quy luật cung cầu của thị trường hầu như chi phối mọi hoạt động kinh tế; lạm phát, tăng trưởng, suy thoái... cũng không nằm ngoài quy luật này. Về phía cung thì hiện nay nguồn cung hàng hóa của thế giới bị tắc nghẽn bởi nhiều nguyên nhân, từ chiến tranh đến dịch Covid-19; từ đứt gãy chuỗi cung ứng đến biến đổi khí hậu gây ra tình trạng thời tiết bất thường khắp nơi. Thế giới thiếu từ lúa mì đến con chip dùng trong máy móc; thiếu cả sữa bột cho trẻ em ở ngay đất nước giàu nhất thế giới. Cung giảm, mọi người tranh nhau mua nên giá tăng là hệ quả đương nhiên.

Cầu được hỗ trợ bởi lãi suất thấp kéo dài trong nhiều năm, cộng với chừng 6.000 tỉ đô la mà Chính phủ Mỹ đã tung ra trong hai năm đại dịch. Tiền dư đến nỗi khi chảy vào thị trường chứng khoán đã làm giá cổ phiếu tăng vọt bất kể tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp này không có gì khởi sắc.

Những người nhìn lạm phát từ phía cung như ông Stiglitz sẽ dựa vào sự thiếu hụt lương thực để nói nâng lãi suất không làm tăng lúa gạo; để giải quyết lạm phát phải giải quyết các vấn đề gây tắc nghẽn nguồn cung chứ nâng lãi suất càng đẩy nền kinh tế vào chỗ suy thoái, càng làm cạn kiệt nguồn cung. Tuy nhiên, các ví dụ về giải pháp ông đưa ra xem chừng sẽ mất nhiều thời gian mới có tác dụng, như tổ chức tốt nhà trẻ để phụ nữ có thể đi làm, tăng nguồn cung nhân lực.

Những nhà kinh tế như ông Summers lại nhìn từ phía cầu - sức cầu hàng hóa bị dồn nén trong hai năm đại dịch nay bùng phát. Cộng vào đó là hàng ngàn tỉ đô la tiền giải cứu được chính phủ các nước bơm vào nền kinh tế, kể cả phát không cho dân. Có tiền trong tay, người ta vung ra mua hàng, làm hàng hóa thiếu hụt nên giá tăng. Chính vì thế ông Summers là người cảnh báo lạm phát từ hơn một năm nay khi mọi người vẫn còn tự trấn an, giá cả tăng chỉ là chuyện nhất thời. Theo những chuyên gia kinh tế như ông, cầu được hỗ trợ bởi lãi suất thấp kéo dài trong nhiều năm, cộng với chừng 6.000 tỉ đô la mà Chính phủ Mỹ đã tung ra trong hai năm đại dịch. Tiền dư đến nỗi khi chảy vào thị trường chứng khoán đã làm giá cổ phiếu tăng vọt bất kể tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp này không có gì khởi sắc.

Để giảm cầu chính phủ các nước phải áp dụng chính sách kinh tế thắt lưng buộc bụng gồm tăng lãi suất, giảm chi tiêu công, giảm đầu tư, hút bớt tiền về và chắc chắn là không còn chuyện phát tiền cho dân tiêu nữa. Đây toàn là những chuyện gây bất bình trong dân chúng vì hệ quả gây khó khăn trong cuộc sống là rất rõ ràng. Ít có nhà chính trị nào dám áp dụng chúng một cách mạnh mẽ vì sợ làn sóng phản đối, nhất là ở các nước sắp sửa có bầu cử.

Tăng cung cũng không phải là chuyện dễ vì cung là do doanh nghiệp, người dân đảm trách, nhà nước ít có vai trò gì trong chuyện này ngoại trừ các chính sách hỗ trợ như giảm thuế. Nhưng nhìn từ phía cung, các nhà kinh tế nhấn mạnh đến sự thất bại của mấy chục năm toàn cầu hóa, đến nỗi ngày nay nước Mỹ khó lòng tăng sản lượng sữa bột một khi chỉ có một nhà máy bị đóng cửa vì chất lượng sản phẩm có vấn đề. Khi đại dịch Covid-19 mới nổ ra, mọi người cũng chưng hửng khi nước Mỹ không thể nào tự mình sản xuất các trang thiết bị y tế đơn giản để cung cấp cho người dân, từ khẩu trang đến dung dịch rửa tay, từ bộ đồ bảo hộ cho nhân viên y tế đến các test xét nghiệm nhanh.

Nói tóm lại, giải pháp nào cũng kèm theo những hệ quả xấu nên các tranh cãi chủ yếu xoay quanh chuyện làm sao kiềm chế lạm phát nhưng đạt được “cú hạ cánh mềm”. “Hạ cánh mềm” là chế ngự được lạm phát về mức dưới 2% nhưng không gây ra suy thoái kinh tế. Ngược lại là “hạ cánh cứng”. Thập niên 1970, nước Mỹ rơi vào cảnh lạm phát hai chữ số, lúc cao nhất lên đến 14,8%. Chủ tịch Fed lúc đó là Paul Volcker phải nâng lãi suất lên cao, có lúc lên đến 20%; biện pháp nâng lãi suất dẫn tới hai đợt suy thoái trước khi kéo lạm phát xuống còn 1%.

Chọn giải pháp trước tiên phụ thuộc vào góc nhìn của người đưa ra giải pháp. Nên biết lạm phát tác động mạnh lên người nghèo hơn người giàu, bởi vì người nghèo chi đến ba phần tư thu nhập cho các hàng hóa thiết yếu như thức ăn, xăng dầu, điện nước, tiền thuê nhà... trong khi tỷ lệ này ở người giàu chỉ là một phần ba. Ngược lại, lạm phát cũng có lợi cho một số người như doanh nghiệp dễ dàng tăng giá để bù đắp; chính phủ cũng sẽ thấy nợ công giảm đi khá nhiều...

Hiện nay chính sách của các nước dường như gặp nhau ở một điểm trung dung: tăng lãi suất đến một mức nào đó rồi tạm ngưng chờ xem kinh tế có giảm tốc không rồi mới tăng tiếp. Thế nhưng chính sách này chưa tính đến yếu tố tâm lý trong lạm phát; hễ người ta còn kỳ vọng giá tăng thì nó sẽ tăng, bất kể chính sách đi theo hướng nào.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới