Thứ sáu, 8/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Chính sách giáo dục giải bài toán nào?

Nguyễn An Nam

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Chưa kịp kết thúc năm học cũ, phụ huynh đã đón nhận những mối lo cho năm học mới. Chính sách giáo dục liệu có lờ đi bài toán nan giải của những gia đình thuộc nhóm nghèo, dễ tổn thương trong xã hội?

Vật giá tăng, chi phí sinh hoạt tăng nhưng mức lương và thu nhập của người lao động không tăng do kinh tế chưa phục hồi hoàn toàn sau đại dịch. Bài toán chi tiêu của nhiều gia đình lao động nghèo trở nên nan giải. Khi những dư chấn mà những làn sóng đại dịch để lại trong sức khỏe tinh thần và thể chất con người chưa kịp lắng dịu thì các khó khăn về cuộc sống vật chất đã ập đến. Cơ hội học hành của trẻ em nghèo, theo đó, sẽ bị ảnh hưởng nặng nề và trực tiếp.

Trường học các cấp cũng ra thông báo rục rịch tăng học phí. Tất cả áp lực dồn tụ vào đúng lúc chi phí sinh hoạt hằng ngày đang leo thang và một năm học bị tác động nặng nề bởi Covid-19 vẫn còn ngổn ngang chưa kết thúc.

Vẫn biết, sau những tác động của đại dịch, ngành giáo dục cũng không tránh khỏi những khó khăn lớn lao. Hệ thống trường tư kiệt quệ vì không thể gồng gánh nổi chi phí duy trì sau thời gian dài giãn cách không có nguồn thu. Đau lòng hơn, hàng ngàn trường mầm non trên cả nước đã đóng cửa. Gánh nặng đó chuyển dịch sang hệ thống trường công. Việc đầu tư cơ sở vật chất, nhân sự để đáp ứng nhu cầu lớn, đột biến của xã hội cũng là một áp lực mà các trường công đang gánh vác.

Nhìn sâu vào những tác động đó, có thể thấy bản thân việc tăng học phí cũng là một trong những phương cách mà hệ thống trường công lập tháo gỡ khó khăn tức thời. Nguồn kinh phí thu được từ người học cũng sẽ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện đồng lương cho giáo viên khi mức thu nhập của nhóm nghề này vẫn còn thấp và chịu tác động bởi bão giá...

Thoạt nghĩ thì vậy, nhưng câu chuyện tăng học phí trong thời điểm này lại đang diễn ra theo cách mỗi trường sẽ có một cơ chế khác nhau, mỗi trường sẽ tự công bố những điều chỉnh, chưa có những chính sách điều tiết của ngành và phương thức hỗ trợ khuyến học trực tiếp cho người học và phụ huynh đang lâm cảnh khó khăn.

Điều này được biện hộ bằng một hệ thống cơ chế giáo dục hướng đến độc lập tài chính, nhưng lại cho thấy một sự thật: sự vận hành của đời sống giáo dục lại lạnh lùng, mất đi tính giao cảm cần có trước thực tế xã hội.

Nhà trường, trong khi lo cho sự sống còn của mình mà bỏ qua môi trường bình đẳng và sự đảm bảo điều kiện được học của học sinh, đặc biệt học sinh của những gia đình thuộc nhóm yếu thế và dễ tổn thương về kinh tế sau những sang chấn chung của xã hội. Nhà trường, nơi biểu hiện của sứ mệnh xã hội, nơi thực thi trách nhiệm của ngành giáo dục thì nhất thiết phải là nơi cho thấy tính nhất quán trong quản trị chính sách, chuyển tải được một tinh thần thấu hiểu, cảm nhận và chia sẻ với cộng đồng trong sự tương thông với người học, phụ huynh để những bài học về sự quan tâm trương trợ và trách nhiệm xã hội không trở nên giáo điều hay trở thành xác chữ trên trang sách.

Nhà trường không thể như những cỗ máy lạnh lùng và không ngừng đưa ra các thử thách nghiệt ngã đối với quyền được học của con em người nghèo.

Trên bàn nghị sự thời gian qua cũng nóng với những tranh cãi giá sách giáo khoa tăng (gấp 2-3 lần so với giá cũ), số đầu sách tăng. Câu chuyện học sinh lớp 1 phải đọc sách môn giáo dục thể chất, chuyện các môn học được “chẻ” ra nhiều đầu sách vô bổ chất lên lưng học sinh, tạo thêm áp lực học hành và chuyện sách tăng giá vì “khổ to, giấy đẹp”, “nhiều hình, nhiều màu” (theo giải thích của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)... đã làm dấy lên những cuộc tranh luận.

Nhưng liệu các tranh luận có làm giảm sốc cho phụ huynh trước các khoản chi phí học hành của con cái họ sẽ tăng vụt trong niên khóa tới?

Chắc chắn là khó có “đường lùi” khi mà chương trình biên soạn sách giáo khoa mới đã triển khai, dịch vụ ấn hành sách đã đâu đó xong xuôi.

Trong cách trả lời của vị tư lệnh ngành giáo dục vào sáng 25-5, trước ý kiến của một số đại biểu Quốc hội về các bất cập trong đổi mới sách giáo khoa ở phiên thảo luận tổ tại Quốc hội, có thể thấy bài toán cơ bản trong việc ấn hành giáo khoa (do NXB Giáo dục Việt Nam đầu tư) được giải thích khá sòng phẳng. Đứng ở góc độ kinh doanh xuất bản phẩm, điều này không sai. Rõ ràng chất lượng giấy tốt hơn, in màu và khổ sách to hơn để nâng cấp hình thức sách giáo khoa nhằm phù hợp với cách biên soạn mới, phù hợp với phương pháp giảng dạy mới, tạo hứng thú hơn cho người học... là cần thiết, nhưng đó chỉ là điều kiện đầu tiên; cái mà người học nói riêng, xã hội nói chung chờ đợi và kỳ vọng là những bộ sách giáo khoa có nền tảng nội dung chất lượng tốt, hiện đại, tinh gọn và giảm tải cho người học, tăng cường tính thực hành và khuyến khích tư duy sáng tạo, phát triển phẩm giá người học... những điều này thì không thấy cam kết nào cả từ các ban biên soạn, nhà xuất bản và ngành giáo dục.

Bài toán xuất bản sách giáo khoa được ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, nêu ra là bài toán quan phương, phép tính kinh doanh của nhà xuất bản, không thấy ở đó có sự mảy may thấu hiểu bài toán nan giải mà phụ huynh, đặc biệt là phụ huynh nghèo đang đối diện để con cái họ được tiếp tục đến trường.

Từ đây, cần đặt lại hệ trục trung tâm của quản trị giáo dục trên cơ sở quyền lợi và sự bình đẳng của người học, thực tế xã hội để có những chính sách thiết thực hỗ trợ người học trong bối cảnh kinh tế đang đặt ra nhiều thách thức cho xã hội, cộng đồng chứ không thể cứ chăm chăm lo việc sống còn và quyền lợi của bản thân một hệ thống vốn quá nhiều bất cập.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới